banner2019
 
Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
Thứ bảy, ngày 19 tháng 04 năm 2025
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Cập nhật lúc 10:04 ngày 17/04/2025
Sáng 16/4/2025, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội nghị nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu người tham dự.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.Các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng dự tại các điểm cầu của địa phương, đơn vị.
Tham dự Hội nghị còn có các lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; các báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị 
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe ba chuyên đề, gồm Chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; những điểm mới trong dự thảo báo cáo 05 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030” do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề tại hội nghị
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, tình hình diễn biến rất nhanh, thế giới có nhiều diễn biến khó lường, khó định đoán. Trong nước, từ Hội nghị Trung ương 10 đến Hội nghị Trung ương 11, chúng ta đã làm nhiều việc, phù hợp với tình hình thế giới và đất nước. Trong đó có cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2 con số cho những năm tới; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân… Do đó, những điểm mới này đòi hỏi phải bổ sung vào các dự thảo văn kiện, báo cáo. 
Truyền đạt những điểm mới trong tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, Thủ tướng khẳng định tiếp tục bổ sung, làm mới những vấn đề về đường lối đối ngoại; tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng bền vững, không đánh đổi môi trường, lấy con người là trung tâm; giữ gìn các giá trị văn hóa… 
Thủ tướng nhấn mạnh, từ chỗ chưa có chỗ đứng trên bản đồ thế giới, từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Đến năm 2024, quy mô kinh tế Việt Nam đã đạt 470 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN, thứ 32 trên thế giới; GDP bình quân đầu người năm 2025 gấp gần 25 lần sau ba thập kỷ; tuổi thọ trung bình tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên khoảng 74,7 tuổi năm 2025. Sau 40 năm đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử. 
Chỉ ra những khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng, bài học kinh nghiệm là chúng ta phải đoàn kết trong mọi hoàn cảnh, đoàn kết thế hệ trước và thế hệ sau, thế hệ sau kế thừa thành quả của thế hệ trước, không đoàn kết thì không thể làm được. Cùng với đó, phải nắm bắt, theo dõi sát và phản ứng linh hoạt với hoàn cảnh thực tiễn… 
Về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng, theo Thủ tướng, về chủ đề đại hội, trên cơ sở bổ sung các thành tố tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và chỉnh sửa, bảo đảm ngắn, gọn, rõ, mang tính hiệu triệu, hành động mạnh mẽ, Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. 
Về những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030…, Thủ tướng nhấn mạnh đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển nhanh của trí tuệ nhân tạo đã làm chuyển đổi trạng thái hoạt động của con người. “Nhưng không để trí tuệ nhân tạo do con người làm ra mà lại thắng con người”, Thủ tướng nêu. 
Nêu bật những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng nhấn mạnh việc chúng ta đã giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, dù đặt ra vấn đề về phải làm tốt về an ninh mạng, đây là vấn đề chúng phải hết sức quan tâm. Ngoài giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biên giới, phải giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên không gian mạng. 
Chúng ta cũng đã đạt nhiều thành quả về kinh tế - xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có việc quyết tâm xóa nhà tạm, dột nát trong năm 2025; xây 1 triệu căn nhà ở xã hội. Cùng với đó là những thành quả to lớn trong công tác đối ngoại, đối ngoại là điểm sáng, chúng ta liên tục đón lãnh đạo các nước đến Việt Nam; chúng ta cũng đến nhiều nước, giữ được hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trên thế giới… 
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: bảo đảm phát triển để ổn định và ổn định để phát triển nhanh, bền vững đất nước; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nhanh, bền vững; tháo gỡ kịp thời, dứt điểm các điểm nghẽn, nút thắt; khơi thông và giải phóng mọi nguồn lực, phát huy mọi động lực; đột phá mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; thu hút, trọng dụng nhân tài, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất mới. 
Trong đó có quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, giải phóng toàn bộ sức sản xuất… Thủ tướng ví dụ, nếu không xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ thì chúng ta không thể vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, không thể đứng vững khi các thị trường lớn bị đứt gãy... Chúng ta phải giữ ổn định để phát triển. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững. "Nếu cứ bình bình sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, sẽ không đạt được mục tiêu…", Thủ tướng nói. 
Thủ tướng cũng cho biết, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cho giai đoạn 2026-2030 từ 10%/năm trở lên; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP. 
Trong dự thảo nêu 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo Thủ tướng, trong số các giải pháp đều có bổ sung, nhấn mạnh thêm các nội dung, hàng đầu là hoàn thiện thể chế phát triển; về cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn hoá và con người Việt Nam; xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển vùng, địa phương, đô thị, nông thôn; phát triển kinh tế tư nhân..
Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt về chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi, bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/1/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.
Ngọc Châm (nguồn: tapchicongthuong.vn)