Cán bộ, công chức, viên chức từ các đơn vị hành chính cũ tiếp tục công tác trong hệ thống chính trị được giữ nguyên toàn bộ chế độ, lương cùng phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng sau sáp nhập.
Theo Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, có hiệu lực từ ngày 15/4, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị hành chính cũ sẽ tiếp tục được giữ nguyên tiền lương và phụ cấp chức vụ trong vòng 6 tháng sau sáp nhập.
Trong thời gian này, chế độ, chính sách đối với người lao động trong hệ thống chính trị sẽ được bảo lưu. Sau 6 tháng, các chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ sẽ được áp dụng theo quy định mới hiện hành.
Chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính diễn ra đúng quy định. Các chế độ, chính sách đặc thù theo vùng, khu vực hoặc đơn vị hành chính vẫn được giữ nguyên cho đến khi có quyết định thay đổi từ cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, tên mới sẽ được sử dụng để tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù như trước. Ngoài ra, các chế độ, chính sách hiện hành của trung ương và địa phương cũng không thay đổi về nội dung và đối tượng áp dụng cho đến khi được điều chỉnh.
Chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở mới có trách nhiệm bố trí nhà ở công vụ và phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị bị sắp xếp. Đồng thời, chính quyền cấp tỉnh sẽ hỗ trợ cấp xã sau sáp nhập cân đối ngân sách, đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc.
Cho phép tạm thời vượt số lượng cấp phó trong thời gian chuyển tiếp
Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết là cho phép số lượng phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tại thời điểm sắp xếp có thể nhiều hơn quy định. Tuy nhiên, trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi nghị quyết có hiệu lực, số lượng này phải được điều chỉnh về đúng theo quy định hiện hành.
Nghị quyết cũng yêu cầu số lượng cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp không được vượt quá tổng số hiện có trước đó, trừ các trường hợp cán bộ từ cấp tỉnh hoặc cấp huyện điều động về.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sao cho phù hợp với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Việc sắp xếp cán bộ thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc phải tuân thủ các yêu cầu tương tự. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập cũng không được vượt quá tổng số hiện có trước đó.
Ngân sách hỗ trợ cho địa phương thực hiện sắp xếp
Nguồn kinh phí thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính do ngân sách địa phương đảm bảo. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phép sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên trong ngân sách nhà nước đã được phân bổ trong thời kỳ ổn định ngân sách để chi cho công tác sắp xếp bộ máy.
Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một lần đối với các tỉnh, thành phố nhận bổ sung cân đối ngân sách. Cụ thể, mức hỗ trợ là 100 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm.
Tuyết Hằng - Minh Nguyệt (nguồn: tapchicongdoan.vn)