banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm nhà ở cho công nhân hoàn toàn hợp lý
Cập nhật lúc 09:00 ngày 26/06/2023
Nói về tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp theo chức năng nhiệm vụ.
Cần tránh quan điểm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đi cùng với chất lượng kém
Thảo luận Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19.6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương dẫn số liệu về tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân tại tỉnh Bình Dương, khi số công nhân lao động chưa có nhà ở chiếm tới 60%.
Trong khi đó, các phòng trọ do tư nhân xây dựng đều chật hẹp, diện tích từ 3-4m2/người, không đảm bảo điều kiện tối thiểu, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.
Do vậy, bà Trân cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp theo chức năng nhiệm vụ.
Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã ghi nhận tại khoản 3 Điều 77, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua thuê, thuê mua; Đồng thời là chủ thể đầu tư, xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoặc có chức năng kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhà ở cho công nhân.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn Bình Dương
Tuy nhiên, nữ đại biểu Đoàn Bình Dương cho biết, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.
Theo đó, trong việc đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, đề nghị coi việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư như một hình thức nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, vận hành nhà ở xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021- 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 đã nêu rõ: Phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.
Do vậy, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ, sâu sắc hơn về nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, đáp ứng yêu cầu chung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội.
Đại biểu đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, cần tránh quan điểm nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân cũng như đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, nhất là vấn đề nhà ở tái định cư gây bức xúc trong dư luận.
Đề nghị làm rõ thế nào là “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho rằng dự thảo luật quy định: “Nhà ở được tái định cư phải bảo đảm có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, tuy nhiên, khái niệm “nơi ở” có nội hàm, phạm vi rộng hơn “nhà ở” và khái niệm “điều kiện” còn rất chung chung.
Ông Dũng đề nghị luật quy định so sánh những yếu tố có thể đối chiếu được, cụ thể về chất lượng công trình, diện tích nhà ở, để đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể của văn bản luật.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, khoản 3, Điều 146 dự thảo Luật quy định: Các quyết định của ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đại biểu đề nghị sửa khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung cụm từ “thành viên” vào trước cụm từ “Ban quản trị nhà chung cư”; bổ sung cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào trước cụm từ “vượt quá quyền hạn.
Cường Ngô (nguồn: laodong.vn)