banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII
Cập nhật lúc 08:08 ngày 08/12/2023
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII diễn ra từ ngày 1 - 3.12.2023, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.095 đại biểu.
Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII
Đại hội vinh dự được đón:
- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành phố và các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các thời kỳ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII trình, các ý kiến phát biểu của đại biểu Đại hội và ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028,
QUYẾT NGHỊ
I. Tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội, trên cơ sở đó, thông qua những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2023 - 2028 nêu trong Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Cụ thể như sau:
1. Về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo, song với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra. Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động. Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định.
Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngày càng thiết thực, hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ. Quy mô tổ chức được mở rộng, đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận. Các cấp công đoàn ứng dụng rộng rãi công nghệ số và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật, truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn. Công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn, nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động ra đời, phát huy hiệu quả thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn đồng hành cùng đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện. Hoạt động nữ công tiếp tục được đổi mới, có chuyển biến tích cực, góp phần chăm lo bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của tổ chức Công đoàn được tăng cường, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới, theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác tài chính công đoàn đã được quan tâm chỉ đạo, từng bước được đổi mới theo định hướng chú trọng hiệu quả, công khai minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật. Công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, giám sát tài chính công đoàn được tăng cường; đồng thời thường xuyên chỉ đạo chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn còn một số tồn tại, hạn chế: nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích đoàn viên, người lao động có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Phong trào thi đua còn dàn trải, phát triển chưa đồng đều ở các khu vực, đối tượng. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa tương xứng với sự phát triển của doanh nghiệp và lực lượng lao động. Hoạt động nữ công ở một số đơn vị chưa thường xuyên, thiết thực. Hoạt động đối ngoại có mặt còn chưa theo kịp với sự phát triển của Công đoàn Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Vẫn còn tình trạng thất thu kinh phí, đoàn phí công đoàn. Công tác kiểm tra, giám sát có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng tổ chức Công đoàn. Cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa công đoàn ngành và công đoàn địa phương còn hạn chế.
2. Về mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, khâu đột phá, các chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
2.1. Mục tiêu:
Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
2.2. Về các chỉ tiêu phấn đấu
*) Chỉ tiêu hằng năm
- 85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
- 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng và kết nạp.
- 100% chủ tịch công đoàn cơ sở bầu mới được tập huấn, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.
- Ít nhất 80% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; ít nhất 80% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước và 55% công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Ít nhất 80% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp đúng tiến độ; ít nhất 10% công đoàn cơ sở doanh nghiệp được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính.
*) Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ
- Cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% các doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.
- Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
- Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.
2.3. Về khâu đột phá: Gồm 3 khâu đột phá
(1) Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.
(2) Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
(3) Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
2.4. Các chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Gồm 5 chương trình
(1) Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033.
(2) Chương trình nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028.
(3) Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
(4) Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028.
(5) Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.
II. Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII.
Giao Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII tiếp thu ý kiến của Đại hội, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.
III. Đại hội đã thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.
IV. Đại hội đã thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 168 đồng chí.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch; bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII và 5 đồng chí, gồm đồng chí Phan Văn Anh, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đồng chí Thái Thu Xương, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng giữ chức Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XIII; bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII gồm 17 đồng chí và bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII.
Đại hội giao Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII căn cứ Nghị quyết Đại hội, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý kiến của đại biểu đại hội hoàn thiện văn kiện; xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động, hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội kêu gọi toàn thể cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân, lao động cả nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
(Nguồn: laodong.vn)