banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt: Người ‘khai sinh” ra những chiếc máy biến áp
Cập nhật lúc 11:32 ngày 09/12/2015

Sau khi thiết kế chế tạo thành công máy biến áp (MBA) 220kV đầu tiên ở Việt Nam, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Nhiều người gọi chị là “Người phụ nữ vàng của ngành Điện”. Những tưởng đã đến lúc nữ anh hùng duy nhất của ngành Điện dành thời gian chăm lo cho gia đình, thế nhưng, trách nhiệm và niềm đam mê công việc khiến chị chưa dứt khỏi duyên nợ với những chiếc MBA mà chị đã dành cả cuộc đời cho nó.


Trọng trách của chị càng nặng nề hơn khi hàng loạt MBA 500kV bỗng nhiên bị hỏng. Ở Thủy điện Yaly, muốn sửa chữa phải đưa sang Nga với thời gian chờ đợi 8-9 tháng. Tính ra, chỉ riêng tiền vận chuyển cũng tốn trên tỷ đồng (chưa kể tiền sửa chữa). Đó là chưa kể mỗi ngày máy không hoạt động Yaly phải xả đi 1 lượng nước tương đương với 2 tỷ đồng tiền điện. Thế nhưng, chị Nguyệt và đội quân Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh (EEMC) đã mày mò sửa chữa chỉ hết 3 tháng với tổng chi phí 1,7 tỷ đồng. Đó cũng là cơ hội quý giá để chị nghiên cứu chế tạo máy biến áp truyền tải 150MVA-500 kV. Chị kể: Trước kia chị chỉ nghĩ đơn giản là MBA nguồn 2 cấp điện áp (500/17, 5 KV, có 2 cuộn dây) đơn giản hơn nhiều so với MBA truyền tải (500/225/35 kV gồm 5 cuộn dây và có thêm  bộ điều chỉnh dưới tải). Không ngờ, càng nghiên cứu chị càng thấy mình như bước vào mê hồn trận, càng thấy mình thiếu thốn nhiều quá: Thiếu kiến thức về MBA 500 kV, thiếu tài liệu, thiếu thực nghiệm, thiếu các kết quả nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới. Một chuyên gia Nga được mời sang thẩm định đã rất ngạc nhiên vì ở bên họ khi nghiên cứu máy 500 kV có 42 kỹ sư tham gia (gồm 8 người “khổng lồ” và 34 kỹ sư phụ trợ), trong khi ở Việt Nam, họ chỉ thấy 1 “bà già” cứ xoay xở đo đo vẽ vẽ. Khi đó, chị mới hiểu vì sao mình làm mãi không hết việc. Càng nghiên cứu kỹ về MBA truyền tải, chị Nguyệt càng thấy vốn kiến thức thu được từ MBA nguồn 216 MVA- 500 kV Yaly mới chỉ là cánh cửa “hé mở” đối với MBA truyền tải 450MVA. Chị phải chắt lọc các ý kiến của chuyên gia, đọc cả đống tài liệu tham thảo để phân tich xây dựng những kết cấu hợp lý về khả năng chịu điện trường trong MBA 500 kV. Chị tâm sự: “MBA 500 kV đi theo tôi cả vào trong bữa ăn, trong giấc ngủ. Càng làm càng thấy công việc cứ như mạch nước ngầm, mãi không hết. Tôi chỉ mong mỗi ngày có tới 48 giờ để có thời gian nghiên cứu nhiều hơn. Mọi sinh hoạt của gia đình và cá nhân cũng bị ảnh hưởng bới cái MBA 500 kV. Tôi gần như không có thời gian để chăm lo cho chồng con. Với bản thân thì càng tệ. Có lần đi từ nhà đến tận Nhà máy mới biết là mình đi 2 chiếc dép khác màu nhau”.

Chị không kể nhiều về những gian nan trong công việc vì “rất khó diễn tả” mà chỉ nói rằng: MBA 500 kV thực sự là “mặt trận hàng đầu” của Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh. Sự thành công của công trình này không chỉ đem đến công ăn việc làm, miếng cơm manh áo cho anh em mà còn là trách nhiệm, là danh dự của công ty và cả ngành điện. Mục tiêu của Công ty là phải thiết kế chế tạo được MBA 500 kV “made in Vietnam” không chỉ đảm bảo chất lượng tương đương máy nhập khẩu, giá thành thấp hơn 25-30%, ép các đối tác tham gia đấu thầu phải hạ giá đấu thầu, góp phần tiết kiệm cho ngân sách và giảm nhập siêu, đồng thời tạo thế chủ động về MBA cho ngành Điện Việt Nam. Chị cũng bày tỏ lòng biết ơn lãnh đạo của Công ty đã và đang phải rất vất vả để chạy từng đồng cho công trình nghiên cứu, biết ơn anh em công nhân kỹ thuật không quản ngày đêm chia sẻ và hỗ trợ chị trong công việc. Chị khoe: “Chiếc MBA 500 kV đầu tiên sẽ được gắn biển công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất tiếp 2 tổ máy còn lại để hoàn thiện MBA 500kV- 3 x 150 MVA. Nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình”.

Bài và ảnh: Ngọc Loan