banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Tôi đã làm gì khi được bầu làm Chủ tịch Công đoàn
Cập nhật lúc 06:53 ngày 27/07/2023
Là một cán bộ kỹ thuật tôi đã từng lăn lộn cùng anh chị em kỹ sư, lao động nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiêt bị điện tử tự dộng hóa và đi các công trường chỉ huy lắp các thiết bị đó cho các nhà máy xí nghiệp, lại cũng từng làm việc tại cơ quan quản lý Nhà nước là Tổng cục Điện tử và kỹ thuật tin học VN trực thuộc Hội đồng Bộ Trưởng, làm việc tại cơ quan Tổng công ty Điện tử tin học VN…
Tôi thấy tự hào khi trong đời lao động của mình đã có thời gian làm cán bộ công đoàn. Những năm tháng ấy, thực sự tôi đã trưởng thành trong phong trào của công nhân lao động, nhiều hiểu biết được bổ sung, nhiều suy nghĩ được gọt rũa, nhiều ý kiến được nảy sinh vì trách nhiệm và tình cảm đối với tổ chức công đoàn, người lao động, đối với doanh nghiệp.
Trong thời gian làm cán bộ công đoàn, công việc đòi hỏi tôi phải tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu pháp luật, đăc biệt là Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp,… cùng các văn bản pháp lý kèm theo như nghị định, thông tư…tất nhiên phải cập nhật hàng ngày cùng các văn bản của Tổng liên đoàn, Công đoàn ngành cấp trên, đi học các lớp tập huấn và cắp sách vở cần mẫn đi học hỏi các anh chị cán bộ công đoàn kỳ cựu ở công đoàn ngành và ở các công đoàn tổng công ty bạn về kiến thức, nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác công đoàn và về hoạt động phong trào của tập thể người lao động.

Đ.c Lê Trường Sơn (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội CĐ Tổng Công ty Điện tử - Tin học Việt Nam, nhiệm 2023 - 2028
Tôi đã viết và được đăng tải nhiều bài báo nghiên cứu về  lao động, về người lao động, về lao động nữ, về doanh nghiệp, về thị trường, và hàng hoá, về luật pháp,về hoạt động công đoàn, tôi được mời đi huấn luyện cán bộ công đoàn, hướng dẫn về luật pháp cho công nhân lao động, nói chuyện với các anh chị em công nhân và cán bộ công đoàn.
Qua các vụ giải quyết tranh chấp lao động tôi nhận thấy rằng nhiệm vụ chính của tổ chức công đoàn là bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động, tôi thấy việc này không hề đơn giản và nguy hiểm. Việc sử lý quan hệ lao động không những bảo vệ người lao động mà còn phải bảo vệ tập thể người lao động và ủng hộ doanh nghiệp nếu doanh nghiệp làm đùng luật.
Trong thời gian làm cán bộ Công đoàn, tôi cùng BCH Công đoàn Tổng công ty và Công đoàn cơ sở một Công ty đã tham gia giải quyết một vụ tranh chấp lao động một cách vô cùng khó khăn tại Công ty đó. Nhận thấy người lao động kiện doanh nghiệp về quyền lợi nhưng không đúng pháp luật, gây rối loạn cộng đồng lao động, Công đoàn cùng  lãnh đạo Tổng Công ty đã tổ chức hòa giải nhưng không thành, người lao động kiện ra tòa. Tại hai cấp tòa sơ thẩm của một quận và phúc thẩm TP HCM người lao động chính đơn đã thắng kiện. Nhận thấy hai cấp tòa xử không đúng pháp luật, Công đoàn Tổng Công ty cùng công đoàn cơ sở, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao động, Công đoàn công nghiệp VN ủng hộ, lại tiếp tục đề nghị Tòa án lao động Tối cao xét sử Giám đốc Thẩm, tại đây chính đơn bị bác, Tòa hủy hai bản án ở TP HCM, đem lại yên bình cho tập thể lao động Cty Điện tử đó và doanh nghiệp trở lại ổn định.
Công đoàn Tổng Công ty đã từng cùng một công đoàn cơ sở tại một liên doanh tại Hà Nội đã sử lý một vụ TGĐ liên doanh đánh công nhân, đưa ra phương án nếu TGĐ tổ chức xin lỗi công khai thì bỏ qua, TGĐ đã chọn phương án này, vì  nếu không công đoàn sẽ có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng sử lý theo pháp luật hoặc đề nghị Nhà nước buộc TGĐ về nước vì vi phạm luật hình sự Việt Na, vì nhân dân Việt Nam đã hy sinh đánh kẻ xâm lược vì độc lập dân tộc, thì nay không thể để người nước ngoài cậy có tiền vào đầu tư vào Việt Nam lại ra tay đánh công nhân.
Sau những vụ này giải quyết tranh chấp này, tôi thấy về phương diện nào đó, cán bộ công đoàn như lính cứu hộ, nhưng không được mặc áo phao khi cứu người dưới nước, không có quần áo chống lửa khi cứu người trong đám cháy, không được mặc đồ chống phóng xạ hoặc phòng độc khi cứu nạn hạt nhân, hoá học, như người chưa biết bơi lại được giao nhiệm vụ cứu hộ ở bãi tắm!... Họ phải có khả năng tự bảo vệ mình và bằng cách nào? Đó là câu hỏi tôi chưa thấy có câu trả lời cụ thể nào.
Mặc dù vậy cán bộ công đoàn lại còn phải là cầu nối giữa người lao động và người sử dựng lao động, động viên tập thể lao động thực hiện tốt các quy định của doanh nghiệp, thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn cần có khả năng trao đổi đàm phán thương lượng với người sử dụng lao động có tình có lý để lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ hoạt động công đoàn theo chức năng của mình. Năm 1998 Tại Đại Hội Công đoàn Công nghiệp VN, tôi đã đề nghị trong bài tham luận của mình: “ Công đoàn nên vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để giúp các doanh nghiệp tiêu thụ hàng thì người lao động mới có việc làm. 
Tôi đã như vậy khi trở thành người cán bộ công đoàn. Đã nghỉ hưu 15 năm nhưng tôi vẫn được Công đoàn Tcty mời dự một số hoạt động, thật vui khi các bạn còn nhớ và quý mình./.
TS.Lê Trường Sơn
Nguyên UV BCH CĐ Công Thương VN
Nguyên Chủ tịch CĐ TCTy CP Điện tử và Tin học VN