banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thành lập tổ công đoàn và phân công nhiệm vụ đối với tổ trưởng công đoàn
Cập nhật lúc 04:29 ngày 07/07/2015

Tổ công đoàn là bộ phận của CĐCS, trong đó tổ trưởng CĐ là những người cùng sinh hoạt, cùng hoạt động hàng ngày với đoàn viên và người lao động trong tổ.

Đây là điều kiện thuận lợi để tổ trưởng công đoàn nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động với Ban Chấp hành CĐCS. Tổ công đoàn không chỉ giúp CĐCS tổ chức hoạt động tốt mà còn góp phần nâng cao vị thế của CĐCS trong doanh nghiệp.

 

1. Vì sao phải thành lập tổ công đoàn?

Tổ công đoàn là nơi người lao động đang trực tiếp làm việc, vì vậy sẽ rất thuận lợi để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để phản ánh với ban chấp hành CĐCS.

Ở các doanh nghiệp có đông người lao động, nếu chỉ riêng các ủy viên Ban Chấp hành thì khó có đủ điều kiện để triển khai mọi hoạt động công đoàn và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động

Sẽ rất thuận lợi trong việc triển khai kịp thời các kế hoạch công tác công đoàn của Ban chấp hành CĐCS đến mọi đoàn viên công đoàn.

Việc tập hợp toàn bộ đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp để tổ chức sinh hoạt, hội họp là rất khó nhất là khi các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất trong đó có sắp xếp lại lao động một cách chặt chẽ. Vì vậy, việc tập hợp đoàn viên theo tổ và gắn liện với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi trong tổ chức triển khai các hoạt động công đoàn.

 Tổ trưởng công đoàn là người thường xuyên theo dõi việc chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, việc thực hiện nội quy an toàn lao động tại tổ và là người trực tiếp nhất để vận động người lao động trong tổ tham gia hoạt động công đoàn.

2. Điều kiện thành lập tổ công đoàn

Ban chấp hành CĐCS căn cứ vào tình hình sản xuất, số lượng đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp và từng bộ phận/tổ/đội/chuyền sản xuất… để quyết định việc thành lập các tổ công đoàn. Thực tế hoạt động cho thấy, tổ công đoàn là cần thiết phải được thành lập ở tất cả các CĐCS, trừ trường hợp đặc biệt hoặc doanh nghiệp có quá ít đoàn viên. Việc thành lập các tổ công đoàn không nên quá cứng nhắc về số lượng đoàn viên/tổ; cần hết sức linh hoạt thành lập các tổ công đoàn trên cở sở phân theo tổ. đội, ca, chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Thành lập các tổ công đoàn cần đảm bảo tiêu chí cao nhất là: nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS, để CĐCS hoạt động tốt nhất, sử dụng nguồn lực hợp lývà hiệu quả nhất để hoàn thành nhiệm vụ công đoàn.

Việc lựa chọn tổ trưởng công đoàn phải do đoàn viên quyết định. Việc định hướng để lựa chọn bầu tổ trưởng công đoàn phải căn cứ vào năng lực, sự tín nhiệm của đoàn viên và người lao động trong tổ. Ở nhiều doanh nghiệp, tổ trưởng sản xuất cũng là tổ trưởng công đoàn, điều này có một số thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn nhất là việc phân định vai hoạt động chuyên môn và công đoàn trong một các nhân.

3. Các bước xem xét, thành lập tổ công đoàn

Bước thứ nhất: Căn cứ vào tình hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, số lượng đoàn viên, tính hợp lý…Ban chấp hành CĐCS dự kiến số tổ công đoàn sẽ thành lập.

Bước thứ hai: Nên trao đổi thêm với ban giám đốc về việc thành lập các tổ công đoàn cũng như việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn cho tổ trưởng công đoàn.

Bước thứ ba: Ban hành quyết định về việc thành lập các tổ công đoàn và quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ trưởng công đoàn.

Bước thứ tư: Thông báo việc thành lập các tổ công đoàn và bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn (Ban chấp hành CĐCS cử người chủ trì cuộc họp bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn).

Bước thứ năm: Hoàn thành các thủ tục (thông báo cho người lao động trong đơn vị, Lãnh đạo doanh nghiệp, ban chấp hành công đoàn cấp trên) và triển khai hoạt động.

4. Phân công nhiệm vụ đối với tổ trưởng công đoàn

Trong phân công nhiệm vụ, quyền hạn đối với tổ trưởng công đoàn, ban chấp hành CĐCS chỉ nên giao nhiệm vụ vừa sức để tổ trưởng công đoàn hoàn thành được nhiệm vụ và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chẳng hạn, đối với nhiều tổ trưởng công đoàn, việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đoàn viên, người lao động sẽ là nặng và khó mà thực hiện tốt.

Ban chấp hàng CĐCS cần linh hoạt khi tổ chức các cuộc họp và chỉ nên triệu tập tổ trưởng công đoàn tham gia hội họp khi thật cần thiết.

Tổ trưởng công đoàn cần được giao các nhiệm vụ trọng tâm là:

- Thường xuyên nhắc nhở đoàn viên, người lao động trong tổ thực hiện tốt nội quy lao động, quy định về an toàn lao động trong khi làm việc.

- Nắm bắt và giải thích kịp thời những thắc mắc của người lao động trong phạm vi hiểu biết của mình và kiến nghị, đề nghị với ban chấp hành CĐCS giải quyết những ý kiến ngoài khả năng, phạm vi của mình.

- Quan tâm phát hiện những đoàn viên trong tổ có hoàn cảnh khó khăn đề nghị ban chấp hành CĐCS kịp thời thăm hỏi, động viên.

- Tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập công đoàn.

- Đề nghị khen thưởng người lao động trong tổ

- Tổ trưởng công đoàn cần dựa vào đoàn viên và người lao động, xây dựng màng lưới với từng đoàn viên, người lao động để sớm phát hiện được những nguy cơ gây mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động tại tổ để cùng với người sử dụng lao động, ban chấp hành CĐCS, cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời giải quyết thỏa đáng.

Chú ý: Bên cạnh việc giao nhiệm vụ, ban chấp hành CĐCS cần lưu ý phải trao những quyền hạn để tổ trưởng công đoàn có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ban châp hành CĐCS cần dành một khoản kinh phí của CĐCs để trang bị nhưng phương tiện làm việc thiết yếu (sổ tay, bút viết, tài liệu tuyên truyền…) đồng thời có những động viên, khen thưởng kịp thời và có phụ cấp cho tổ trưởng công đoàn.

Lê Giang