banner2019
 
Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 28 tháng 01 năm 2025
Công đoàn Việt Nam - Những chặng đường lịch sử
Cập nhật lúc 11:14 ngày 06/03/2018
Công hội Đỏ: 1929-1935  
Năm 1929, lực lượng công nhân lao động khoảng 221.052 người, chiếm 1,3% dân số cả nước, đây là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động công hội phát triển sôi nổi, đặc biệt là ở miền Bắc. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo và như một tất yếu của lịch sử, ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, được sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các công hội Đỏ địa phương đã liên kết thành một tổ chức công hội thống nhất là Tổng Công hội Đỏ. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và thông qua chương trình, điều lệ của Công hội Đỏ và quyết định xuất bản tờ báo Lao Động ngày 14/8/1929, đây cũng là một trong những tờ báo có thời gian tồn tại lâu nhất trong nền báo chí Việt Nam.
Việc thành lập Công hội Đỏ Bắc kỳ có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Là cột mốc quan trọng đối với lực lượng công nhân lao động vì lần đầu tiên có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động, đồng thời góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào công nhân thế giới.
Giai đoạn 1930-1935 cũng là giai đoạn đầy thử thách đối với tổ chức Công hội Đỏ, một đoàn thể cách mạng non trẻ của giai cấp công nhân Việt Nam, nhưng với tinh thần hăng hái, chiến đấu với tinh thần cách mạng, là đội tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vượt lên trên những khó khăn, Công hội Đỏ đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động công nhân lao động đấu tranh với nhiều hình thức, góp phần củng cố lực lượng, từng bước gây dựng phong trào cách mạng.
Nghiệp đoàn Ái Hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc: 1935-1946
Vào những năm 1935-1936, lúc này tổ chức công hội Đỏ chưa giành được quyền tự do nghiệp đoàn đều khắp, thì tại một số nơi, tổ chức Công hội đỏ đổi tên thành Hội Ái hữu, chuyển sang thời kì hoạt động bán công khai. Trong thời gian này tổ chức của công nhân mang tên là "Nghiệp đoàn- Ái hữu" để tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp kết hợp với hoạt động bí mật để phát triển tổ chức và đấu tranh để nhằm đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình, đây là một thời kỳ vận động cách mạng sôi động của công nhân lao động trong cả nước.
Từ 1936-1939, để phù hợp với tình hình mới, tổ chức Nghiệp đoàn, Hội Ái hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là "Hội công nhân phản đế" nằm trong Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, trong đó giai cấp công nhân đã đóng vai trò tích cực, chủ động để mở rộng phong trào công nhân, gắn kết với phong trào nông dân, liên hiệp với tiểu chủ, tư sản dân tộc, từ đó thực hiện được chủ trương của Đảng là xây dựng Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và tại Hội nghị Trung ương Đảng lần VIII, Người đã lập ra Mặt trận Việt Minh và Hội Công nhân cứu quốc cũng đã ra đời, từ đó tổ chức của hội công nhân phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Nhiệm vụ của Hội Công nhân cứu quốc trong thời kỳ này là tích cực tham gia phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh mẽ kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi và đấu tranh nửa vũ trang để tiến tới giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà. Đây là thắng lợi lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam, trong đó lực lượng đi đầu và nòng cốt là lực lượng công nhân lao động và hơn 200.000 đoàn viên Công đoàn Việt Nam. Cách  mạng tháng Tám là biểu hiện sâu sắc tinh thần tự lực, tự cường của giai cấp công nhân lao động, đồng thời cũng là ý thức phối hợp, đoàn kết của nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực vào phong trào cách mạng thế giới.
1946-1961: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Sau Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời đã phải đối mặt với nhiều thế lực giặc ngoại xâm cùng với bọn phản động tay sai đang tìm cách tiêu diệt chính quyền cách mạng. Công đoàn đã tổ chức, vận động công nhân lao động tham gia bảo vệ chính quyền, xây dựng cơ sở sản xuất, kịp thời chế tạo, sửa chữa vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang. Để thống nhất về tổ chức trên phạm vi cả nước, ngày 20/6/1946, tại số nhà 51 Hàng Bồ, Hà Nội, Hội nghị cán bộ Công đoàn toàn quốc đã quyết định đổi tên "Hội Công nhân cứu quốc" thành "Công đoàn"; thống nhất các tổ chức Công đoàn trong cả nước và lấy tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký. 
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ  I đã diễn ra từ ngày 1-15/1/1950, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thay mặt cho hơn 241.720 đoàn viên, Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ cho kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”; đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng thư ký. Giai đoạn này công nhân lao động là lực lượng nòng cốt trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức công đoàn đã tích cực vận động giai cấp công nhân cùng giai cấp nông dân xây dựng khối liên minh công nông vững chắc, làm nòng cốt xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, góp phần quan trọng của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc vẻ vang 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1960, số lượng đoàn viên công đoàn khoảng 308.386 người với 2.501 công đoàn cơ sở, tại các xí nghiệp, công trường, nông trường, cơ quan. Số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách từ cơ sở đến Trung ương là 2653 người. Đội ngũ cán bộ công đoàn không những phát triển về số lượng mà còn tăng nhanh cả về chất lượng. Thời kỳ này TLĐLĐVN đã tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực với các tổ chức Công đoàn các nước trên thế giới, đặc biệt là tổ chức Công đoàn các nước Xã hội chủ nghĩa. 
1961-1988: Tổng Công đoàn Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II được tổ chức từ ngày 23-27/2/1961 tại Hà Nội,  Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo; Đại hội đề ra mục tiêu: Động viên cán bộ, công nhân, viên chức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà". Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam; Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch và đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Tổng Thư ký.
Trong giai đoạn 1965-1972, giặc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh quy mô lớn ở miền Nam và leo thang ra miền Bắc, Công đoàn động viên công nhân viên chức nêu cao tinh thần tự lực tự cường, dũng cảm sáng tạo đẩy mạnh sản xuất, kiên cường trong chiến đấu, hàng ngàn công nhân đã xung phong gia nhập quân đội, trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường. Cũng trong giai đoạn này, ở Miền Nam đã hình thành Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam và có hệ thống tổ chức trong toàn miền. Công đoàn giải phóng vận động công nhân lao động ở hầu khắp các đô thị nhất loạt nổi dậy phối hợp với các lực lượng vũ trang góp phần vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. 
Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã diễn ra từ ngày 11-14/2/1974 tại Hà Nội, thay mặt cho hơn 1 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức lao động cả nước, Đại hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm Chủ tịch danh dự. Đại hội đề ra mục tiêu là "Động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”. Giai cấp công nhân lao động ra sức thi đua, nỗ lực, góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội; Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Tổng Thư ký. 
Ngày 6/6/1976, Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc đã họp tại thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt cho 3 triệu đoàn viên công đoàn hai miền Nam-Bắc, Hội nghị đã quyết định thống nhất Công đoàn hai miền Nam-Bắc thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Tổng thư ký.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IV diễn ra từ ngày 8-11/5/1978 tại Hà Nội, đại diện cho 2.166.200 đoàn viên thuộc 11.167 công đoàn cơ sở của 39 Liên hiệp Công đoàn tỉnh và 18 Công đoàn ngành, Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Động viên giai cấp công nhân và người lao động thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”. Đại hội đã xác định những nhiệm vụ của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn là vận động tập hợp, đoàn kết công nhân lao động; phát huy truyền thống cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất thực hiện thành công kế hoạch 5 năm lần thứ hai; Đồng chí Nguyễn Văn Linh, được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký. 
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V được tổ chức từ ngày 16-18/11/1983, tại Hà Nội, thay mặt cho 3.632.600 đoàn viên, trong đó đoàn viên công đoàn ngoài quốc doanh là 468.300 người; ở 46.230 công đoàn cơ sở thuộc 61 LĐLĐ tỉnh, thành phố và 18 Công đoàn ngành nghề toàn quốc. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chung của công đoàn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu tổng quát là: “Động viên công nhân lao động thi đua thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng: Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V đã thống nhất lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu lại làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam.
1988 - Nay: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội từ ngày 17-20/10/1988, đại diện cho hơn 3 triệu đoàn viên công đoàn, Đại hội đă đề ra mục tiêu có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với công nhân lao động là “Vì việc làm và đời sống, dân chủ và công bằng xă hội”. Đại hội đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, để phù hợp với yêu cầu tập hợp người lao động thuộc các thành phần kinh tế, phù hợp với yêu cầu mở rộng đối tượng và phạm vi hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới. Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội đã quyết định thay chức danh Tổng thư ký bằng Chủ tịch Tổng Lao động lao động Việt Nam là người đứng đầu Ban Chấp hành TLĐLĐVN; thay chức danh Thư ký công đoàn các cấp bằng chức danh Chủ tịch công đoàn; Đồng chí Nguyễn Văn Tư được bầu làm Chủ tịch TLĐLĐVN. 
Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9-12/11/1993, thay mặt cho 2.900.000 đoàn viên thuộc 53 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và 23 Công đoàn ngành; Đại hội đã khẳng định: “Trong bước ngoặt đầy thử thách, giai cấp công nhân nước ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn trong bước đầu chuyển sang cơ chế thị trường, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh của đất nước, giữ vững ổn định về chính trị”. Đại hội xác định mục tiêu hoạt động công đoàn trong những năm tới là “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động”; Đồng chí Nguyễn Văn Tư, được bầu lại làm Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. 
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII đã họp từ ngày 3-6/11/1998, tại Hà Nội, thay mặt cho hơn 3.632.600 đoàn viên, trong đó đoàn viên công đoàn ngoài quốc doanh là 468.300 người, ở 46.230 công đoàn cơ sở thuộc 61 LĐLĐ tỉnh, thành phố và 18 Công đoàn ngành nghề toàn quốc. Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động: "Vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh"; Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu làm Chủ tịch TLĐLĐVN. 
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX diễn ra từ ngày 10-13/10/2003, tại Hà Nội, đại diện cho hơn 4,2 triệu đoàn viên Đại hội đề ra mục tiêu là "Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Đồng chí Cù Thị Hậu được bầu lại làm Chủ tịch TLĐLĐVN. 
Tính đến năm 2005, Công đoàn Việt Nam gồm 64 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 19 Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ trong đó 1.897 công đoàn quận, huyện, ngành địa phương và tương đương, 76.678 công đoàn cơ sở với 5,25 triệu đoàn viên. Đến cuối năm 2006, cả nước đã thành lập 87.613 công đoàn cơ sở với số lượng 5.768.000 đoàn viên. Số lượng cán bộ công đoàn là 284.775 người trong đó có 6.675 cán bộ không chuyên trách từ Ủy viên BCH công đoàn cơ sở trở lên.
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X được tổ chức từ ngày 2-5/11/2008, tại Hà Nội, thay mặt cho hơn 6,2 triệu đoàn viên và hơn 93.000 công đoàn cơ sở. Đại hội xác định mục tiêu, phương hướng: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn các cấp; xướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, công nhân viên chức lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước"; Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch TLĐLĐVN.
Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã diễn ra từ ngày 27-30/7/2013 tại Hà Nội, đại diện cho trên 7,9 triệu đoàn viên công đoàn cả nước, Đại hội đã đề ra phương châm hành động năm 2013-2018 cho các cấp công đoàn là: "Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn". Đại hội xác định 11 nhóm chỉ tiêu phấn đấu, trong đó có 7 nhóm chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của Công đoàn, 4 chỉ tiêu tổ chức Công đoàn tham gia chỉ đạo và 04 chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới: Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013- 2018; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn; Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể, Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên và người lao động; Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu lại làm Chủ tịch TLĐLĐVN.
Ngày 14/4/2016, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ, tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường được bầu làm Chủ tịch TLĐLĐVN. Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt cho hơn 9 triệu đoàn viên công đoàn cả nước, đồng chí Bùi Văn Cường đã khẳng định: kiên trì thực hiện việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, công nhân, lao động, thực sự là tổ chức của công nhân, do công nhân và vì công nhân; thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân; phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Công đoàn Việt Nam; góp phần đưa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đi vào cuộc sống.
Trần Phong  (tổng hợp)