banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Nội dung và phương pháp hoạt động của Ban Nữ công công đoàn cơ sở
Cập nhật lúc 02:07 ngày 18/03/2015



I. TỔ CHỨC NỮ CÔNG

1. Ban Nữ công

Ban nữ công công đoàn cơ sở do Ban thường vụ hoặc Ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) ra quyết định thành lập. Để hoạt động của Ban nữ công có hiệu quả, số lượng Ban nữ công cần gọn nhẹ, Trưởng Ban nữ công nên là đồng chí ủy viên BCH công đoàn. BCH công đoàn cần quán triệt và triển khai đầy đủ kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đối với CĐCS Ban chấp hành cần cử một đồng chí phụ trách công tác nữ.

2. Tổ, nhóm nữ công

CĐCS có trên 30 nữ thì có thể chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm gồm chị em trong một hay một số tổ công đoàn ghép lại và bầu ra một người làm tổ trưởng, hai nhóm trở lên ghép lại thành tổ nữ công. Việc thành lập tổ, nhóm nữ công còn tùy thuộc vào tình hình thực tế ở mỗi trường học, mỗi cơ quan giáo dục để tổ chức như thế nào cho chị em tiện lợi trong sinh hoạt nữ công.

3. Nhiệm vụ của Ban nữ công

 3.1. Nhiệm vụ

- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình công tác nữ của đơn vị trên cơ sở thực hiện nghị quyết của BCH công đoàn cấp trên hướng dẫn.

- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, công nhân, viên chức. Trên cơ sở đó kịp thời giải quyết hoặc đề xuất, phản ảnh những vướng mắc, kiến nghị của quần chúng đối với chính quyền, công đoàn. Đại diện cho nữ đoàn viên và lao động trong đơn vị, tham gia vào một số hội đồng (hội đồng xét khen thưởng hoặc kỷ luật đối với nữ, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ hoặc các hội đồng liên quan đến lao động nữ và trẻ em).

- Tìm hiểu, lắng nghe, nắm vững tâm tư nguyện vọng, những ý kiến đề xuất hoặc kiến nghị của nữ cán bộ giáo viên, công nhân, viên chức và lao động với công đoàn, chính quyền, tìm biện pháp giải quyết kịp thời.

- Tổ chức, hướng dẫn, vận động nữ đoàn viên và lao động học tập, quán triệt hoặc tham gia các hoạt động mang tính đặc thù về giới theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Ban nữ công CĐCS.

3.2. Trách nhiệm

Ban nữ công CĐCS chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ, BCH CĐCS về việc nghiên cứu chỉ đạo hoạt động nữ công, được mời dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do Ban nữ công cấp trên triệu tập, được thay mặt CĐCS trực tiếp làm việc với các phòng ban chức năng tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến đoàn viên lao động nữ, được đề nghị với CĐCS và Công đoàn cấp trên khen thưởng các cá nhân và tập thể đạt thành tích xuất sắc trong đơn vị.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA BAN NỮ CÔNG CĐCS

1. Tổ chức và chỉ đạo tổ, nhóm nữ công trong các đơn vị triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền trong nữ đoàn viên và lao động

- Tuyên truyền, tổ chức học tập nghị quyết của Công đoàn cấp trên CĐCS, nghị quyết của đại hội phụ nữ về các nội dung có liên quan đến lao động nữ, trẻ em trong CNVC, lao động của ngành.

- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp lệnh hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động sửa đổi, bổ sung, Luật Giáo dục và các văn bản có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ lao động phụ nữ trong tình hình mới.

- Tiếp tục tuyên truyền đến các tổ công đoàn, tổ nữ công nội dung pháp lệnh dân số, kế hoạch tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong nữ CNVC, lao động.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới; các chuẩn mực xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; các kiến thức làm vợ, làm mẹ, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, trong tập thể và cộng đồng.

 2. Vận động nữ CNVC tích cực học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

- Học tập và quán triệt chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có tri thức, có sức khoẻ, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”.

- Vận động nữ cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ đạt chuẩn và vượt chuẩn           

- Vận động chị em chủ động tham gia vào quá trình đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

 - Động viên phụ nữ tham gia công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, tích cực học tập để không ngừng nâng cao trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Mỗi nữ đoàn viên, lao động luôn có ý thức học hỏi, chủ động tiếp cận thông tin mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn giảng dạy và công tác.

3. Động viên nữ CNVC tham gia tích cực các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, của đơn vị.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua Hai tốt, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, đặc biệt là phong trào giỏi việc trường, đảm việc nhà trong các cơ quan giáo dục. Tìm biện pháp thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; phấn đấu nữ cán bộ, giáo viên đạt tỷ lệ 85% - 90% danh hiệu “Giỏi việc trường, Đảm việc nhà”.

- Cùng với công đoàn, chính quyền tổ chức các hoạt động mang màu sắc chuyên môn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chị em trong công tác chuyên môn, đoàn thể, phát huy tính sáng tạo, chủ động trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Tổ chức gặp mặt nữ CNVC đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, giảng dạy và quản lý.

- Tổ chức việc thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”; cuộc vận động “Xây dựng nhà giáo văn hóa”. Đồng thời tuyên truyền và giới thiệu những gương điển hình trong đơn vị.

- Tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, tham quan du lịch, trao đổi kinh nghiệm hoạt động nữ công, hoạt động nhân đạo từ thiện, uống nước nhớ nguồn, ủng hộ nữ cán bộ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

4. Ban nữ công đại diện cho nữ CNVC trong đơn vị có trách nhiệm chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật pháp và tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động cũng như trong quan hệ xã hội.

- Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nữ đoàn viên, lao động trong đơn vị.

- Tổ chức các chuyên đề, hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao vai trò và vị thế của chị em trong cơ quan giáo dục. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nữ cán bộ giáo viên, giới thiệu với chính quyền, Đảng ủy để quy hoạch, đề bạt cán bộ nữ.

- Triển khai các hoạt động chăm sóc giáo dục thế hệ trẻ. Tăng cường các hoạt động nhân tháng hành động vì trẻ em và ngày gia đình Việt Nam, nâng cao hiệu quả của chiến lược chăm sóc giáo dục trẻ em giai đoạn 2001 – 2010.

- Đề nghị với công đoàn cơ sở, chính quyền tổ chức các hoạt động, tham gia các công trình nhằm nâng cao điều kiện sinh hoạt và làm việc cho phụ nữ.

- Ban nữ công cùng với các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội khác trong nhà trường nghiên cứu và tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác nữ sinh.

- Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức hoạt động nữ công phù hợp với điều kiện của cơ sở, tạo nên sự chuyển biến về chất lượng hoạt động nữ công, góp phần xây dựng đội ngũ nữ cán bộ đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ của đơn vị, của ngành.

III. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ NĂNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NỮ CÔNG Ở CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ 

1. Tổ chức hội thi đối với nữ CNVC

1.1. Mục đích yêu cầu

- Thông qua hội thi giúp cho nữ CNVC nâng cao nhận thức về chính trị, văn hóa, xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từ đó có thái độ hành vi đúng đắn trong học tập, lao động, công tác và trong cuộc sống hàng ngày.

- Hội thi là môi trường, là cơ hội tốt nhất để nữ đoàn viên và lao động thể hiện khả năng của mình, tự khẳng định những thành tích, kết quả của quá trình học tập, công tác và rèn luyện trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

- Khi tham gia hội thi, mỗi cá nhân sẽ nâng cao được lòng tự tin, tính tự chủ, tác phong nhanh nhẹn và khả năng ứng xử linh hoạt.

- Thông qua kết quả của hội thi, mỗi cá nhân, đơn vị có thể rút kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời rèn luyện ý chí vươn lên, khơi dậy niềm say mê sáng tạo, tinh thần thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

- Việc tổ chức hội thi giúp công đoàn – nữ công, nhà trường phát hiện chăm sóc bồi dưỡng cán bộ nữ trong đơn vị.

1.2. Công tác chuẩn bị

a) Soạn thảo kế hoạch hội thi

- Về thời gian

- Định hướng chủ đề hội thi

- Giới thiệu nội dung, mục đích thi đến từng tổ công đoàn, tổ nữ công, nhất là những người trực tiếp tham gia hội thi

- Chọn địa điểm tổ chức hội thi phù hợp

- Các công đoàn bộ phận, tổ nữ công cử người dự thi

- Phổ biến điều lệ, qui định cụ thể của hội thi

- Dự kiến thời gian sơ khảo, chung khảo

- Dự trù kinh phí

b) Thành lập Ban tổ chức hội thi

Ban tổ chức bao gồm:

- Trưởng ban tổ chức chịu trách nhiệm điều hành chương trình và tổng kết kinh nghiệm.

- Hai phó ban: một người phụ trách nội dung, một người phụ trách cơ sở vật chất.

- Ban giám khảo: từ 3 – 5 người, ngoài trưởng ban còn có phó ban và các thành viên phải là người có kiến thức về những vấn đề do hội thi yêu cầu.

- Chuẩn bị 2 người dẫn chương trình và thực hiện kịch bản đã được duyệt, tạo bầu không khí sôi động, tránh nhàm chán.

c) Triển khai ở các tổ, nhóm nữ công

1.3. Tổ chức buổi công diễn hội thi

a) Tuyên truyền cho hội thi trên các phương tiện thông tin

b) Kiểm tra công tác chuẩn bị của các tổ, nhóm nữ công tham gia hội thi

c) Sắp xếp và thông báo chương trình hội thi

d) Chương trình khai mạc

+ Khai mạc:   

- Trưởng ban tổ chức (hoặc một người trong Ban tổ chức) tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, công bố thành phần Ban Giám khảo

- Tất cả thí sinh lần lượt được giới thiệu với khán giả

+ Tóm tắt vòng sơ khảo

- Động viên thí sinh bình tĩnh, tự tin, khiêm tốn học hỏi

+ Trưởng Ban giám khảo thông báo thể lệ thi, biểu điểm chấm

+ Thực hiện từng nội dung thi và chấm điểm công khai

e) Hoạt động của Ban Giám khảo và tổ thư ký

1.4. Tổng kết hội thi

Trưởng Ban giám khảo thay mặt Ban giám khảo, ban tổ chức nhận xét chung về thành tích hội thi

- Công bố kết quả và trao thưởng

- Ban nữ công họp với Ban tổ chức và các thành viên có liên quan để rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho các hội thi sau đạt kết quả cao hơn.

2. Tổ chức hội thảo

+ Ban nữ công hoặc ban tổ chức hội thảo cần thông báo nội dung hội thảo tới đoàn viên để họ chuẩn bị ý kiến, thu thập tư liệu hoặc viết bài tham gia hội thảo. Trong thông báo phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian tổ chức hội thảo.

+ Ban tổ chức chuẩn bị báo cáo đề dẫn. Nội dung báo cáo này khái quát lý do tổ chức hội thảo, vấn đề cần xin ý kiến, những vấn đề cần thảo luận.

+ Cấu trúc nội dung của buổi hội thảo

- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu            

- Giới thiệu người chủ trì hội thảo và thư ký ghi chép diễn biến của hội thảo.

- Chủ trì hội thảo giới thiệu, điều khiển hội thảo

+ Tổng kết hội thảo: khẳng định những vấn đề đã được thống nhất trong hội thảo, những kiến nghị, đề xuất từ hội thảo.

3. Tổ chức câu lạc bộ

3.1. Sơ lược về câu lạc bộ (CLB)

Câu lạc bộ là một loại hình hoạt động thiết thực, hiệu quả, có khả năng tập hợp và giáo dục đoàn viên, lao động trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục truyền thống.

Có thể nói hình thức sinh hoạt câu lạc bộ rất phong phú. Tuy nhiên đối với câu lạc bộ nữ công thường bao gồm các hình thức: CLB nữ công, CLB văn hóa thể thao, CLB gia đình văn hóa, CLB khoa học . . .

3.2. Chức năng của câu lạc bộ

- Chức năng giáo dục

- Chức năng giao tiếp

- Chức năng vui chơi giải trí

3.3. Một số nội dung và hình thức chủ yếu trong sinh hoạt CLB

a) Nội dung:

- Bồi dưỡng giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đoàn viên và lao động.

- Trao đổi, nói chuyện về những thông tin khoa học

- Cung cấp những thông tin về thành tựu khoa học, kiến thức mới ở Việt Nam và trên thế giới.

Về các nội dung, CLB nữ công có thể xây dựng nhiều chủ đề sinh hoạt khác nhau; các nội dung đó được thể hiện trong các buổi nói chuyện, tổ chức dưới dạng hội thảo, triển lãm, giới thiệu mô hình có hiệu quả.

- Giáo dục lối sống văn hóa

b) Hình thức chủ yếu trong sinh hoạt câu lạc bộ

- Báo tường, giới thiệu mô hình

- Đọc sách báo, tạp chí

- Diễn đàn, đối thoại, hội thảo

 - Sinh hoạt văn nghệ - thể thao

- Biểu diễn nghệ thuật – chiếu phim

- Nói chuyện chuyên đề.

Thùy Dương