banner2019
 
Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
Người quan họ ở Thép miền Nam
Cập nhật lúc 06:24 ngày 03/08/2018
Có một ngoại hình đậm chất “mọt sách” với cặp kính cận khá dầy, khuôn mặt hiền và chuẩn “dân” kỹ thuật vì rất không quen nói những từ hoa mỹ, anh Nguyễn Đăng Trung – kỹ thuật viên Phân xưởng Cơ - Điện Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL vừa được nhận phần thưởng cao quý: Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.
5 năm, 8 sáng kiến, làm lợi 1,4 tỷ đồng
Anh Trung là kỹ sư điều khiển tự động, về công tác tại Thép miền Nam từ ngày Công ty còn là Nhà máy thép Phú Mỹ, sau này chuyển thành Công ty TNHH MTV Thép miền Nam - VNSTEEL do Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) làm chủ sở hữu. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội sau 2 năm, anh chàng kỹ sư trẻ đã chọn Thép miền Nam làm ngôi nhà thứ hai. Trong giai đoạn từ 2005- 2006, kỹ sư Trung chịu trách nhiệm giám sát công việc lắp đặt hệ thống điện dây truyền đúc liên tục do Danieli thực hiện, nghiệm thu, vận hành dây truyền thiết bị điện phân xưởng Luyện cũng như đào tạo công nhân vận hành dây truyền thiết bị phân xưởng Luyện. Bước chân vào Nhà máy khi tuổi đời còn rất trẻ, Nguyễn Đăng Trung đã mạnh dạn tạm biệt phương Bắc, tạm biệt quê hương Bắc Ninh, quên đi những mùa đông mưa phùn gió bấc để lập nghiệp ở phương nam nắng gió. Được làm đúng ngành nghề tại một nhà máy sản xuất thép lớn ở Vũng Tàu - một thành phố năng động, giàu tiềm năng quả là một niềm ao ước của tuổi trẻ. Thế rồi yêu công việc, yêu nhà máy, chàng trai quê hương quan họ đã gắn bó với nơi này từ đó cho đến nay.
Kỹ sư Nguyễn Đăng Trung tại buổi gặp mặt đại biểu được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III do CĐCTVN tổ chức
Với chuyên ngành học là tự động hóa, từ năm 2017 đến nay, Nguyễn Đăng Trung luôn được "đo ni đóng giày" để có thể phát huy hết năng lực chuyên môn của mình, đó là đảm nhiệm vai trò quản lý hệ thống điều khiển quá trình (Level 2), cũng như hệ thống điều khiển giám sát (Scanda-HMI) của phân xưởng Luyện, quản lý mảng thiết bị điện trường, thiết bị điều khiển tự động, và các thiết bị điện động lực của phân xưởng Luyện, đảm bảo dây truyền, thiết bị hoạt động ổn định. Anh tham gia sửa chữa, lập kế hoạch bảo dưỡng, nâng cấp mạng máy tính, bộ điều khiển lập trình được, hệ thống thiết bị điều khiển tự động và động lực các cấp của phân xưởng… 
Anh chàng kỹ sư ngày nào chân ướt chân ráo giờ được xem như “mama tổng quản” với rất nhiều nhiệm vụ gắn liền với hoạt động của tổ Cơ Điện của Công ty như: xây dựng nội dung và giám sát công việc kiểm tra thiết bị hàng ngày của tổ cơ điện, lập kế hoạch bảo trì và nội dung công việc hàng tuần cho tổ cơ điện, tham gia lập kế hoạch bảo trì, nội dung bảo trì định kỳ hàng tháng, năm của phân xưởng, tham gia xây dựng giáo trình đào tạo vận hành, lắp đặt, sửa chữa và tham gia thực hiện công tác đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật điện… Ôi chao là lắm việc! Hàng ngày hàng giờ trực tiếp làm việc cùng các anh em trong phân xưởng Cơ Điện, hơn 20 năm qua, kỹ sư Trung đã tích lũy được cho mình một bề dày kinh nghiệm và “chùm” 8 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học của anh đã ra đời từ những tháng ngày miệt mài này.
Sáng kiến đến từ những khiếu nại
Từ năm 2013-2017, với hàng loạt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Nguyễn Đăng Trung đã cùng với các anh em đồng nghiệp làm lợi cho Công ty 1,4 tỷ đồng, tạo ra một nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật lan rộng tới tất cả người lao động trong toàn Công ty. Đó là những sáng kiến như Điều khiển và giám sát hệ thống thủy lực thay chén xả nhanh MNC bằng PLC và HMI đúc liên tục; Sử dụng encoder thay thế biến trở để dò vị trí đuốc cắt phôi cho 3 dòng đúc liên tục; Dùng limit switch để phát hiện cáp 3 xe goong chở liệu bị tuột khỏi rãnh tang cuốn… Với công trình thiết kế robot phun than cửa sỉ lò điện EAF, anh Trung đã cho mọi người thấy mình là một kỹ sư có óc quan sát và nghiên cứu rất sâu về nghề. Nhờ sáng kiến này, thay vì phải có 2 công nhân để thao tác phun than vào cửa sỉ trong giai đoạn tinh luyện, Công ty đã thay bằng 1 robot thay thế công nhân phun than vào lò với lưu lượng chế độ phun hoàn toàn tự động. Không chỉ giảm cường độ lao động và số lượng công nhân vận hành, với robot phun than tự động này, việc phun than diễn ra thuận lợi, hiệu quả và tiết kiệm vật tư do lưu lượng phun được hệ thống tự động điều khiển giám sát. 
Những sáng kiến tiếp theo trong chùm sáng kiến của anh Trung đều liên quan đến phần mềm, tự động hóa… Có thể nói, trong quy trình sản xuất thép có vô vàn những khâu kỹ thuật từ tinh vi, nhỏ bé nhất và người kỹ sư lành nghề là người nắm được mọi nguyên lý hoạt động đó như lòng bàn tay. Những kiến thức được học trong trường học mãi mãi chỉ là lý thuyết xuông nếu thiếu những va đập của thực tế. Môi trường làm việc của Thép miền Nam quả là một mảnh đất tốt để những người say mê, am hiểu kỹ thuật như anh Trung được phát triển năng lực của mình hơn nữa.
Thế nhưng, đó lại là cảm nhận của người ngoài cuộc, còn với người kỹ sư quê hương quan họ, những thành tích của anh chỉ là “phần ngọn” của một cái cây mà thôi, gốc rễ của nó lại từ những người công nhân cùng anh lao động, sáng tạo dưới ngôi nhà Thép miền Nam. Anh Trung nói: “Phần lớn các sáng kiến của tôi đều xuất phát từ những “phàn nàn”, kiến nghị của các công nhân trực tiếp làm việc tại các vị trí. Trong quá trình sản xuất họ phát hiện những thứ không hợp lý và khiếu nại lên trên, chúng tôi là cán bộ kỹ thuật nên có trách nhiệm phải giải quyết những bất hợp lý đó bằng giải pháp kỹ thuật. May mắn trong 5 năm qua, nhờ những “kiến nghị” đó mà tôi cũng đã có được 8 sáng kiến và công trình khoa học. Nên thật ra, đây là thành tích của chung”.
Ra Hà Nội nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, được gặp gỡ, giao lưu với 70 đại biểu trong toàn quốc có những sáng tạo, cải tiến kỹ thuật rất hữu ích góp phần làm lợi cho đơn vị của mình đang công tác, anh Nguyễn Đăng Trung lần đầu sống trong bầu không khí lao động sáng tạo của tất cả các ngành nghề trong toàn quốc, anh thấy thật vui và xúc động. Dù thuộc tuýp người ít bày tỏ tình cảm ra bên ngoài, song anh Nguyễn Đăng Trung cũng không dấu nổi niềm tự hào. Giây phút mà tên tuổi của anh cùng với đơn vị mà anh đang công tác là Công ty TNHH MTV Thép miền Nam – VNSTEEL được xướng lên vinh danh, một cảm giác lâng lâng khó nói thành lời từ đâu ùa về khiến cho người kỹ sư suốt cuộc đời này nhớ mãi không quên.
Sống ở miền Nam nắng ấm đã 20 năm có lẻ, vậy mà tiếp xúc với anh ai cũng ngỡ anh vừa từ Bắc vô Nam bởi chất giọng và phong thái con người anh Trung vẫn hiền lành, đúng mực chuẩn người miền Bắc. “Tôi cũng không phải cố gắng để giữ gìn giọng nói quê hương, nhưng lạ cái không hiểu sao bấy lâu tôi giọng của tôi không pha một chút nào giọng Nam cả. Có thể một phần vì ở Thép miền Nam dân xứ Bắc khá đông. Phần nữa chắc do con người tôi không ưa sự thay đổi” - anh nói rồi cười rất hiền.
Nguồn: Tạp chí Công Thương