banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Bác Hồ với tổ chức Công đoàn
Cập nhật lúc 10:10 ngày 04/04/2016

Từ khi đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã nhận ra vai trò lịch sử to lớn của giai cấp công nhân, đó chính là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất, là giai cấp tiên phong trong công cuộc cách mạng làm thay đổi chế độ, giành độc lập và xây dựng đất nước.

 

Sau khi trở thành người cộng sản, trong nhiều việc lớn chuẩn bị cho dân tộc trên lộ trình cách mạng lâu dài, thì việc tìm kiếm những hình thức nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam hay đặt nền móng xây dựng những cơ sở đầu tiên cho tổ chức Công đoàn nước ta chiếm một phần không nhỏ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. 

Ngay từ năm 1913, khi đang làm đầu bếp tại Luân Đôn (nước Anh), Nguyễn Tất Thành đã tham gia tổ chức Lao động hải ngoại, một tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh.Trong cuốn Đường Kách mệnh, do Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở châu á xuất bản năm 1927, Nguyễn ái Quốc đã viết những dòng chữ về tổ chức Công hội đỏ mà những dòng chữ ấy có tính chất kinh điển về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn sau này: “ Tổ chức Công hội trước đó để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.

Như vậy, từ những năm 1920 Bác Hồ đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động, một chức năng quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn. Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất phường hội thị dân, từ những “đốm lửa” Công hội đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn- Chợ Lớn đầu những năm 1920, cùng với sự xâm nhập của tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nước ta qua Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; từ những năm 1926 phong trào công nhân phát triển như gió lốc, đặc biệt theo sáng kiến của Nguyễn ái Quốc nêu ra ở Quảng Châu, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ như nấm mọc sau cơn mưa rào. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28.7.1929, tại số 15 Hàng Nón - Hà Nội, là tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Đại hội còn quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan ngôn luận của tổ chức mình.

Cao trào cách mạng Việt Nam dâng lên mạnh mẽ từ tháng 5.1930, đúng vào dịp Quốc tế Công hội đỏ chuẩn bị cho Đại hội lần thứ V dự định nhóm họp vào tháng 8.1930. Được tin, Nguyễn ái Quốc đã kịp thời gửi thư cho BCH Quốc tế Công hội đỏ Việt Nam gồm 3 đồng chí: Hoàng Bình, Phạm Văn Đức và Lê Văn Kiệt đi dự Đại hội. Đoàn đã lặn lội vượt biên giới Mãn Châu tới Liên Xô dự Đại hội an toàn. Bác cũng đã thông báo cho nhóm học sinh Việt Nam đang học tại trường Phương Đông biết để giúp đỡ đoàn. Có thể nói, đây là sự kiện rất đáng chú ý của lịch sử tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn đại biểu chính thức trên diễn đàn quốc tế. Qua sự kiện nêu trên, cho thấy sự quan tâm chu đáo, cũng như sự tinh tế của Bác đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên.

Từ năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, tại Hội nghị Trung ương lần 8 (19.5.1941), Người đã có sáng kiến lập ra Mặt trận Việt Minh, và Hội Công nhân cứu quốc cũng đã ra đời, các tổ chức Công đoàn phát triển mạnh trong cả nước. Ngày 20.7.1946, Đại hội lần thứ nhất Công đoàn Việt Nam đã thành lập Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến năm 1961 tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai Công đoàn Việt Nam được đổi tên thành Tổng Công đoàn Việt Nam.

Trong quá trình phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Bác Hồ cũng luôn luôn nhắc nhở kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào Thi đua ái quốc. Từ sáng kiến của Bác, Công đoàn Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua nổi tiếng và đạt được những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, “Tăng gia sản xuất vũ khí”, “Tất cả cho tiền tuyến” , “Mỗi người làm việc bằng hai vìmiền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, “Thi đua 2 tốt”... đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào công nhân và lịch sử Công đoàn nước ta. 

Khi nói chuyện với công nhân Nhà máy diêm Thống Nhất ngày 16.8.1956 Bác đã khéo nhắc nhở về mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ chính đáng của người lao động, Người nói thật giản dị: “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khoẻ mạnh, thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”. Người không quên nhấn mạnh rằng: “Mục đích của Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”. Ngày 18.7.1969, không lâu trước lúc đi xa, Bác đã dành một trong những cuộc tiếp xúc cuối cùng cho đại biểu của Tổng Công đoàn Việt Nam. Người nhắc nhở: “ Làm tốt công tác vận động, tổ chức giáo dục quần chúng công nhân viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng, để họ hiểu và tự nguyện, tự giác giữ gìn kỷ luật lao động, giữ gìn của công, thực hành tiết kiệm”. Coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn tạo nên hạnh phúc cho mọi người và cho cả thế hệ mai sau.

Bác Hồ đã trải qua cuộc đời người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực. Do vậy đối với giai cấp công nhân, Bác đã có một tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Chính vì thế, dù bận trăm công, nghìn việc hay lúc tuổi đã cao, sức đã yếu Bác vẫn thường xuyên đi đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn là tình cảm yêu thương bao la, là những mong muốn mãnh liệt trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc. Cho đến phút cuối đời, Bác vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này.

Nguyễn Thị Hoà