banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Hình ảnh con khỉ trong dân gian Việt Nam
Cập nhật lúc 08:39 ngày 07/02/2016

Trong 12 con giáp chó, mèo, lợn... sống gần người, khỉ sống ở rừng núi xa người, những đặc điểm về ngoại hình, những đặc điểm về sinh thái, những thuộc tính về bản năng của loài khỉ cũng được con người khai thác triệt để và khéo léo để vận dụng vào đời sống văn hóa xã hội.


Với quan niệm của người Việt Nam xưa kia. Trong một giáp có nhiều biến đổi, trong thập can có hai can tốt nhất là “Nhâm” và “Quý”. “Nhâm” hợp với nam, “Quý” hợp với nữ: “Nam nhâm, nữ quý”, trong “thập nhị chi” không ai hài lòng với Thân – khỉ. Nhất là sinh năm thân, tuổi thân - khỉ. Nếu Thân đi với (Canh Thân) thì càng thất vọng hơn vì mặc cảm “Canh cô, Mậu quả”. Chuyển dịch giáp vòng theo 12 con giáp, hết Ngọ qua Mùi là người ta bảo nhau “hết Ngọ qua Mùi Thân mới biết Thân” trong một giáp có năm Thân (khỉ), trong một năm có tháng Thân (tháng 7), trong một ngày có giờ Thân (15-17 giờ), hướng có hướng Thân (hướng Tây).

Nào là:

“Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi

Tôi đây luống những một đời tuổi Thân”

Nào là:

“Đi đâu mà đi ngày Thân 

Dẫu chọn giờ Dần cũng chẳng nên chi”

Chưa biết rõ quan niệm tự ti mặc cảm này có từ bao giờ, có đúng không, nhưng thực tế “Tuổi thân thì mặc tuổi Thân” với những người “Có chí thì nên” “Nhân định thăng thiên”, không hiếm người như Đinh Bộ Lĩnh, tuổi Giáp Thân (924), sau này trở thành Hoàng đế Cờ Lau, Nguyễn Trãi sinh năm Canh Thân (1380), sau trở thành vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ưng Lịch sinh năm Nhân Thân (1872) đến năm 1884 lên ngôi vua Hàm Nghi...và những năm Thân trong lịch sử không phải đã không có những năm Thân làm rạng danh cho một dân tộc, cứu nguy cho cả một giống nòi...

Trước khi có Tôn Ngộ Không và phim Tây Du Ký đến Việt Nam, con khỉ đã hiện diện trong đời sống văn hóa, trong lời ăn tiếng nói của người Việt Nam. Xưa kia chưa có vườn Bách thú, người Việt chưa mấy ai trong thấy con khỉ quen sống ở rừng núi hẻo lánh vậy mà con người luôn nói tới khỉ:

Thân cây gỗ, cây tre bắc qua con lạch, con khe đi lại khó khăn gọi là “cầu khỉ”

Vật kém phẩm chất, hành vi không đúng đắn bị liệt vào “đồ khỉ - đồ còn tườu”

Nơi chốn xa xôi hẻo lánh buồn tẻ gọi là “nơi khỉ ho cò gáy”

Chỗ ăn ở hơi hám xem như “bẩn như tổ khỉ”

Những người mặt mày hay nhăn nhó, cáu gắt bị liên hệ “Xấu như khỉ”, “như khỉ ăn phải ớt”, “khỉ ăn phải mắm tôm”

Để khuyên ai đó không nên làm một việc thừa hoặc múa rìu trước mắt thợ đã có câu: ‘Đừng dạy khỉ leo cây”

Đi đứng ưỡn à ưỡn ẹo được xem như “khỉ leo cây”.

Người có cử  chỉ hành động ỡm ờ sỗ sàng trong quan hệ nam nữ bị mắng là “khỉ gió”, “khỉ già” “khỉ đột”.

Câu “khỉ vặt lông khỉ” dùng để ví với kẻ hay mất đoàn kết nội bộ.

Câu “khỉ lại hoàn khỉ” nói về bản chất xấu hổ nguyên hình không che giấu được.

Trong cuộc sống dặn lòng không nên xem thường sự việc và nên hết sức thận trọng trong mọi công việc “Khinh khỉ mặc độc già”.

“Khỉ ngồi bàn độc”, ám chỉ kẻ tài năng không ra gì mà ngồi ở ví trí cao.

Đời sống của khỉ ở rừng núi “trời sinh con khỉ ở lùm”, thức ăn chủ yếu là hoa quả, câu hát vui sau đây của người Việt tưởng là vô lý nhưng rất có lý:

“Vào rừng xem vượn hái hoa

Xem voi đi guốc, xem gà nhuộm răng”

Và câu dân ca Tày cũng ghi nhận sự gắn bó mang tính sinh tử của loài khỉ với trái quả rừng:

“Yêu nhau yêu cho đặng

Đố nhau đố cho lâu

Ngày nào vượn lìa rừng mới thôi

Khi nào trâu lìa rừng mới bỏ

Khi nào múc nước đầy sọt mới lìa

Ngày nào khỉ lìa quả xanh

Thì anh mới lìa bỏ em ngày ấy”.

Ở loài khỉ cũng có tình cảm gắn bó yêu thương giữa đồng loại. Tình cảm đó cũng gây xúc động thiết tha không khác chi tình cảm giữa người đến với người.

“Nhạn lạc bầy nhạn kêu thảm thiết

Vượn lìa đàn, cầm trái khóc than

Đêm nằm lụy nhỏ chứa chan

Tôi nhớ đến câu tình tự, tôi băng ngàn tới đây"

Năm Thân nói về con khỉ, nhiều người nghĩ đến tài bắt chước như khỉ, nhưng bắt chước điều hay lẽ phải để hoàn thiện, cải tà quy chính là điều tốt nên làm, còn bắt chước a dua hay hùa vây cánh làm điều xấu xa, pháp luật ngăn cấm thì tuyết đối không nên. Gậy Tôn Ngộ Không thiên biến vạn hóa, không thói khỉ, trò khỉ nào có thể lấy vải thưa che mắt thánh.

Dân gian nói về khỉ một mà hay mười. Toàn chuyện về khỉ mà vận dụng vào đời sống con người rất xác thực. Trong văn hoa dân gian, khỉ biểu trưng cho cái xấu, cái tiêu cực, nó chỉ bị nhắc, bị mắng yêu để thức tỉnh, chứ khỉ chưa bao giờ bị ruồng bỏ, hắt hủi bởi lẽ khỉ là con vật có ích. Ngoài giá trị ứng dụng khoa học, y học, kinh tế, trong xiếc, trong vườn bách thú, trong chuyện cổ tích, trong văn chương, khỉ luôn là nhân vật rất hấp dẫn với các em và cả người lớn. Khỉ cũng chưa bao giờ được xem là con vật độc ác, gây hại cho con người như rắn, hổ trong hệ 12 con giáp.

ST