banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể
Cập nhật lúc 09:27 ngày 22/02/2015

Người lao động thì phải có hợp đồng lao động. Còn tập thể người lao động thì có thỏa ước lao động tập thể. Đó là hai văn bản pháp lý quan trọng đối với người lao động trong doanh nghiệp.

Một số nơi có thể có thu nhập cao, phúc lợi tốt song không có Thỏa ước lao động tập thể. Đôi khi người lao động thấy vậy cũng không cần. Họ không biết rằng cái họ đang nhận là chỉ là của đơn phương giới chủ, họ muốn cắt lúc nào cũng được, vì chưa có TƯ LĐ TT là chưa có ràng buộc mang tính pháp lý. Người ta hay ngộ nhận là việc ký Thỏa ước lao động tập thể là việc ở doanh nghiệp nhà nước xã hội chủ nghĩa. Thực ra đó lại là thành quả đấu tranh nhiều chục năm trời của phong trào công nhân lao động và công đoàn ở các nước tư bản.

 

Ở nước ta, Bộ Luật Lao động đã bắt buộc doanh nghiệp phải ký với công đoàn, với tập thể người lao động Thỏa ước lao động tập thể. Theo Khoản 2 Điều 73 Bộ Luật Lao động 2012 thì: Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Trong Bộ luật Lao động có nhiều điều quy định dưới dạng, thí dụ như “doanh nghiệp (hoặc người lao động) không được có hoặc làm điều gì đó, trừ hai bên có thỏa thuận khác”. Đây chính là chỗ để công đoàn hoặc tập thể người lao động đàm phán với doanh nghiệp. Trong Luật thường có biên giới hạn các vấn đề, đại lượng mà hai bên phải tuân thủ. Có giới hạn cao và giới hạn thấp. Trong thỏa ước có những vấn đề nêu ra hai bên phải tuân thủ theo những điều cụ thể của pháp luật, có những điều thỏa thuận nằm trong biên cho phép của pháp luật.

Như vậy là cán bộ công đoàn phải nắm vững nội dung và giới hạn biên mà luật pháp cho phép, không cấm để khi soạn thảo TƯLĐTT nội dung có định lượng cao hơn giới hạn thấp và thấp hơn giới hạn cao của quy định của pháp luật thì mới có lợi hơn cho người lao động, chứ soạn thỏa ước LĐTT mà dùng tất cả mọi điều đúng biên giới hạn của pháp luật thì không cần có TƯLĐTT làm gì vì mọi công dân không ai có quyền thỏa thuận với nhau việc thực hiện pháp luật cả. Thí dụ: Luật quy định doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động và người lao động bắt buộc phải nộp bảo hiểm y tế. Nếu trong Thỏa ước mà đàm phán và ký được bảo hiểm y tế cho cả nhà gồm chồng/vợ và các con thì quá hay. Hoặc đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đi công tác công đoàn thì nếu ký được như sau thì cũng rất có lợi cho tổ chức công đoàn: “Trong những trường hợp đặc biệt hoặc có ý kiến đề nghị của Công đoàn cấp trên, Công ty sẽ tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn kiêm nhiệm và cán bộ của các tổ chức chính trị xã hội khác đi công tác (Hội nghị, tập huấn, các hoạt động khác) theo giấy triệu tập của cấp trên thì được Công ty thanh toán tiền công tác phí như CB CNV đi công tác và những chi phí công tác khác liên quan đến chuyến đi”. Thí dụ khác “Cán bộ nhân viên đi công tác xa khỏi địa bàn, từ ngày thứ hai trở đi thì mỗi ngày được công ty, cơ quan cho chi trả cho 5 phút gọi điện thoại về hỏi thăm gia đình”.

Khi đàm phán, thương lượng TƯLĐTT hoặc giải quyết tranh chấp lao động, phải cân đối  lợi ích hài hòa giữa NLĐ, người SD LĐ, nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhà nước, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, theo tinh thần Điều 194 Bộ Luật Lao động 2012. Giải quyết mọi vụ việc có lý có tình là điều cán bộ công đoàn nên cố gắng để có lợi hơn cho người lao động. Đó là Người cán bộ công đoàn giỏi./.

Lê Trường Sơn