banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Suy nghĩ về một vài tư chất nhỏ để giúp trở thành cán bộ công đoàn giỏi
Cập nhật lúc 10:47 ngày 18/12/2014

Luật Công đoàn 2012, tại Chương II có quy định về QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN VÀ ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN - Mục 1. QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN như sau: "Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.

Như vậy ta thấy ngay là quyền, trách nhiệm đầu tiên của công đoàn được Luật quy định là rất khó và rất đau đầu đối với tổ chức công đoàn. Nhiệm vụ này đối với một số cán bộ công đoàn yếu thậm chí có thể là nhiệm vụ bất khả thi, nhất là đối với cán bộ công đoàn kiêm nhiệm mới được bầu, vì vừa phải thực hiện hợp đồng lao động của mình đã ký với người sử dụng lao động (SDLĐ), vừa phải lo bảo vệ cho người lao động (NLĐ) về quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của họ.

Trước đây thời bao cấp người ta hay quan niệm cho rằng công đoàn chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động, vì lúc đó làm gì có tranh chấp lao động. Nay nhiệm vụ đã thay đổi. Bây giờ Luật Doanh nghiệp và cơ chế thị trường cho thấy các cơ sở kinh tế và nhiều hoạt động xã hội khác là phải hoạt động sinh lời cho giới chủ.

Như vậy để làm được theo  Điều 10 Luật Công đoàn 2012 nêu trên thì Tổ chức công đoàn và cụ thể là cán bộ công đoàn nên có một số tư chất, góp phần cụ thể hóa các chuẩn mực cán bộ công đoàn và tổ chức công đoàn vững mạnh được Tổng Liên đoàn quy định, đó là:

- Có chút tư chất của "hiệp sỹ", cụ thể là có tình thương, biết hy sinh để bảo vệ người lao động.

- Có chút nghề nghiệp của luật gia, tức là phải hiểu biết pháp luật liên quan ở mức độ cần thiết.

- Hiểu biết về cuộc sống, biết cái chính đáng, biết đàm phán thương lượng hài hòa quyền lợi các bên, - có lợi hơn cho NLĐ nếu không thì TƯ LĐ TT không có sỹ nghĩa và  biết giải quyết tranh chấp lao động có lý có tình, sống có văn hóa theo nền văn minh xã hội và truyền thống dân tộc.

1.Trước hết nói về nên có chút tư chất của "hiệp sỹ"

Người ta cho rằng Hiệp sỹ là người dũng cảm, dám hy sinh khi đứng ra bênh vực kẻ yếu.

Thực tế cho thấy trừ vài người lao động đặc biệt xuất sắc không sợ bị mất việc làm, thậm chí chán làm việc chỗ này có ngay nơi khác mời chào, còn lại đa phần người lao động bị yếu thế trong quan hệ lao động với giới chủ và NLĐ luôn lo sợ nhất là mất việc làm, tức là mất nguồn nuôi dưỡng và mọi chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình.

Nói chung người lao động nữ yếu thế hơn lao động nam nên việc quan tâm bảo vệ lao động nữ cũng là một đức tính cao thượng mà cán bộ công đoàn nên có.

Lúc cán bộ công đoàn có việc cần bảo vệ người lao động khi quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ bị xâm phạm thì có thể sẽ xảy ra va chạm về quan hệ lao động, dẫn đến biến thái sang quan hệ xã hội, có thể bị người sử dụng lao động trù úm và thậm chí đuổi việc. Lúc đó cần có sự cân nhắc sẽ hy sinh quyền lợi cá nhân hay đầu hàng hoặc theo đuôi giới chủ đây?

Tôi được biết ở các nước tư bản, hàng năm có hàng nghìn Chủ tịch công đoàn cơ sở bị mất việc do đấu tranh cho người lao động. Còn ở nước ta không biết có bao nhiêu?

2.Về cán bộ công đoàn cần hiểu biết pháp luật liên quan

Khi còn đương nhiệm và cả bây giờ, tôi có một bộ sưu tập các quy định của tổ chức công đoàn, văn bản Luật pháp Việt Nam liên quan đến công việc của mình, tải về qua mạng Internet (có cả một số luật nước ngoài để xem cho vui), trong đó có các pháp lệnh, luật, nghị định thông tư liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, kinh tế, nghiên cứu khoa học công nghệ, đo lường, công đoàn, lao động, bảo hiểm, thuế, tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, môi trường,an toàn…vì tôi biết rằng nó sẽ giúp cho mình trong làm việc kiếm sống và hoạt động công đoàn.

Không biết luật pháp thì cán bộ công đoàn chỉ có thể tham gia tổ chức văn nghệ thể thao và đi thăm hỏi ốm đau thai sản…mà đó lại không phải là việc chính của công đoàn, không thể biết mà phát biểu gì trong hội nghị BCH khi có xảy ra tranh chấp lao động mà BCH công đoàn cần giải quyết.

Khi hiểu biết luật pháp thì cán bộ công đoàn mới thực hiện được Khoản 1 Điều 10 nêu trên là:”  Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động”.

Nhiều người lao động khi xin việc, chấp nhận không có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế do giới chủ đề nghị, trong khi công đoàn không hướng dẫn cho họ là Bảo hiểm XH và BHYT là bắt buộc đối với cả giới  chủ, người SDLĐ phải thực hiện mà cả người lao động cũng bị bắt buộc theo Mục c Khoản 2 Điều 5 - Quyền và nghĩa vụ của người lao động - Bộ Luật Lao động 2012.

Tiếp đó là phải biết Luật pháp thì mới có thể soạn thảo được Thỏa ước Lao động tập thể.

Theo Khoản 2 Điều 73 Bộ Luật Lao động 2012 thì Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Như vậy là cán bộ công đoàn phải nắm vững nội dung và giới hạn biên mà luật pháp cho phép, không cấm để khi soạn thảo TƯLĐTT nội dung có định lượng cao hơn giới hạn thấp và thấp hơn giới hạn cao của quy định của pháp luật thì mới có lợi hơn cho người lao động, chứ soạn thỏa ước LĐTT mà dùng biên giới hạn của pháp luật thì không cần có TƯLĐTT làm gì vì mọi công dân không ai có quyền thỏa thuận với nhau việc thực hiện pháp luật cả.

Hiện nay nhiều nơi TƯLĐTT rất hình thức vì mọi thỏa thuận trong đó đúng y trang giới hạn biên của pháp luật, chả có lợi gì hơn cho NLĐ.

Chủ doanh nghiệp có tiền thuê luật sư, còn công đoàn làm gì có tiền nhiều như vậy, nên cần bám sát sự hướng dẫn của công đoàn các cấp trên về pháp luật.

Khi tìm hiểu pháp luật, trước tiên phải đọc tên văn bản, ngày tháng phát hành, thời điểm có hiệu lực và hết hiệu lực, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, các định nghĩa, văn bản nào liên quan bị văn bản này làm hết hiệu lực, phân biệt thời hạn, thời hiệu, thủ tục tố tụng,….

Về tài chính, Hiện nay tài chính công đoàn theo Luật công đoàn 2012 là bị hạn chế. Cán bộ công đoàn nên nghiên cứu  vận dụng Nghị định 91-2014 của Chính phủ về bổ sung và hướng dẫn thi hành các luật thuế, để thỏa thuận với NSD LĐ, tiền công đoàn cần dự trữ và chi tiêu tiết kiệm, cần chi cho đào tạo cán bộ công đoàn và chi phí phát sinh khi có đình công.

theo Nghị định này thì được đưa vào chi phí sản xuất  Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản chi sau:

- Khoản chi hỗ trợ phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp.

- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con cái của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế”.

3. Hiểu biết về cuộc sống

Trong trường hợp cụ thể này, hiểu biết về cuộc sống là biết cái chính đáng, biết đàm phán thương lượng hài hòa quyền lợi các bên và  biết giải quyết tranh chấp lao động có lý có tình, sống có văn hóa theo nền văn minh xã hội và truyền thống dân tộc.

Thực tế cho thấy không phải mọi yêu sách của người lao động lúc nào cũng chính đáng, có khi không chính đáng hoặc quá đáng dù chưa đến mức vi phạm pháp luật, song có thể gây tổn hại đến doanh nghiệp, dến thương hiệu uy tín, có thể dẫn tới làm cho doanh nghiệp khó khăn, lao động mất việc làm. Lúc đó cán bộ công đoàn cần tỉnh táo, phân tích cho NLĐ biết và công đoàn phải bảo vệ cho công ăn việc làm của tập thể người lao động, biết “bỏ một đĩa để lấy cả mâm”. Biết chiến lược và chiến thuật, hoạt động, biết người biết ta, biết thế và lực, thời thế và thời cơ và không cơ hội chủ nghĩa…

Khi đàm phán, thương lượng hoặc giải quyết tranh chấp lao động, phải cân đối  lợi ích hài hòa giữa NLĐ, người SD LĐ, nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhà nước, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, theo tinh thần Điều 194 Bộ Luật Lao động 2012.

Giải quyết mọi vụ việc có lý có tình là điều cán bộ công đoàn nên bám sát và cố gắng có lợi hơn cho người lao động.

Cán bộ công đoàn nên có cuộc sống trong sạch gương mẫu và không nên bệ rạc, tha hóa, sống có văn hóa trên mặt bằng văn minh chung của xã hội, hiểu biết văn hóa nghệ thuật thể dục thể thao, biết tổ chức gia đình hạnh phúc.

Đây là những điều tôi đã nghĩ và đã làm khi đương nhiệm trước đây. Tôi không biết những suy nghĩ này của tôi còn phù hợp với thức tế sôi động của kinh tế thị trường và phong trào lao động CNVC hiện nay hay không vì đã nghỉ hưu trên 6 năm rồi, hy vọng nó còn được tham khảo nếu còn chút giá trị thực tế nào chăng./.

Lê Trường Sơn

Nguyên Chủ tịch CĐ Tổng công ty CP Điện tử - Tin học Việt Nam