banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Công đoàn ngành Công Thương Quảng Bình: Phát huy tích cực vai trò của mình trong giai đoạn mới
Cập nhật lúc 11:30 ngày 16/12/2014

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) luôn được Ban Thường vụ Công đoàn ngành Công Thương Quảng Bình quan tâm, tập trung thực hiện. Trong nhiệm kỳ thứ nhất, Công đoàn ngành đã thành lập mới 12 công đoàn cơ sở (CĐCS), trong đó có 10 DNNQD, với trên 807 đoàn viên, vượt 66% kế hoạch giao. Bước vào nhiệm kỳ thứ hai, giai đoạn 2013-2018, tính đến thời điểm cuối tháng 11 năm 2014 Công đoàn ngành có 24 CĐCS, trong đó 20 CĐCS DNNQD, với gần 2.800 đoàn viên, tăng 01 CĐCS DNNQD (150 đoàn viên) so với thời điểm 31/12/2013 (Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ II phấn đấu đạt 3.000 đoàn viên).

Để có được kết quả trên, Công đoàn ngành thực hiện phương châm "Chủ động, kiên trì, linh hoạt, hiệu quả", tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, đó là có sự phân công và gắn trách nhiệm về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở cho từng đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ; tranh thủ sự ủng hộ và quan tâm chỉ đạo của công đoàn cấp trên; phối kết hợp tốt với chuyên môn trong thành lập và phát triển CĐCS DNNQD; thường xuyên bám cơ sở, nắm chắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp từ đó có sự chỉ đạo và giải pháp kịp thời trong phát triển công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Có thể nói, những năm gần đây hoạt động của tổ chức công đoàn ngành Công Thương trong các DNNQD đã có nhiều chuyển biến tích cực, thực sự đi vào nề nếp, tập trung chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn phát sinh phản ánh với người sử dụng lao động để giải quyết kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện tốt các chính sách về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thăm hỏi, ốm đau, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động... Phối hợp với người sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức Hội nghị người lao động hàng năm, Hội nghị đối thoại định kỳ. Cụ thể, hàng năm có trên 74% doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động, gần 65% ký kết thoả ước lao động tập thể và 77% đơn vị xây dựng thang bảng lương theo quy định. Một thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp nào có tổ chức công đoàn phát triển và hoạt động có hiệu quả thì tại đó tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định hơn, người lao động được chăm lo tốt hơn, yên tâm, phấn khởi, gắn bó hơn với doanh nghiệp, tiêu biểu là các CĐCS Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình, Công ty cổ phần Tổng Cty Sông Gianh, Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn Quảng Bình, Xí nghiệp May Hà Quảng, Công ty TNHH Phú Hải...


Tuy nhiên, thực tế đặt ra là vai trò của CĐCS trong DNNQD ngành Công Thương vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của người lao động và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế; có lúc, có nơi việc tuyên truyền chỉ mang tính hình thức. Tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm cho người lao động, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về quy chế dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, quy định việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chưa tạo điều kiện cho công đoàn và cán bộ công đoàn hoạt động, chưa phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định. Có nơi việc thành lập và tổ chức hoạt động công đoàn cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó; cá biệt có công đoàn cơ sở bị tê liệt hoàn toàn. Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để đề xuất với người sử dụng lao động nhiều nơi còn chưa kịp thời, dẫn đến tích tụ mâu thuẫn, phát sinh tranh chấp lao động và khiếu nại tại một số doanh nghiệp vừa qua.


Trong nhiệm kỳ tới, công tác phát triển CĐCS DNNQD tiếp tục được Ban Thường vụ Công đoàn ngành Công Thương Quảng Bình coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, phấn đấu xây dựng tổ chức công đoàn trong các DNNQD hoạt động ngày càng hiệu quả, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động…Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp được Ban Thường vụ đưa ra, đó là: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phối kết hợp tốt với chuyên môn trong thành lập và phát triển CĐCS DNNQD; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động về những quy định của pháp luật lao động và pháp luật công đoàn. Chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đảm bảo chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động.Tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện cho CĐCS trong doanh nghiệp hoạt động; thực hiện nghiêm túc việc trích nộp kinh phí công đoàn./.

 

 

                                                                            Phan Mạnh Hùng              

                                                          Phó Chủ tịch CĐ ngành Công Thương Quảng Bình