banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Những góc nhìn về thúc đẩy năng suất lao động
Cập nhật lúc 09:00 ngày 17/10/2014

Góc nhìn từ kinh nghiệm của các nước phát triển có nhiều điểm tương đồng: về con người, nền văn hóa, đặc điểm lịch sử, bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, vị trí địa lý như các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tại Singapore: năm 1972 thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia (NPB) và Hội đồng Năng suất Quốc gia để tư vấn cho NPB, với thiết chế ba bên bao gồm các thành viên từ cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp, công đoàn và người lao động; hoạt động cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm năng suất Nhật Bản, vì mục tiêu cơ bản là đào tạo nguồn nhân lực, phong trào năng suất, liên tục cải tiến, sáng tạo và nâng cao kỹ năng làm việc nhằm học hỏi áp dụng ưu điểm quản lý của Nhật Bản dựa trên hoạt động của hệ thống và phương pháp.

Năm 1996 thành lập cơ quan Năng suất - Tiêu chuẩn Quốc gia (PBS) nhằm quảng bá năng suất, phát triển nhân lực, ứng dụng công nghệ vào phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Năm 2002 trên cơ sở của PSB thành lập cơ quan Tiêu chuẩn - Năng suất - Đổi mới (SPRING) nhằm tập trung vào các chỉ số: nhận thức, ý thức xã hội về năng suất, chi phí đào tạo tăng và hiệu quả, mức độ và triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc nội (GDP), tiêu chuẩn đời sống và tuổi thọ tăng, phát triển kinh tế tư nhân, tăng trưởng xanh…

Các hoạt động về năng suất được tổ chức và triển khai có hiệu quả rõ rệt, tích cực nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp, công đoàn, Viện nghiên cứu. Dưới sự chủ trì, điều phối của Ban Chỉ đạo các hoạt động thường xuyên với các chiến lược, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên với những mục đích cơ bản, xuyên suốt là tạo ra phong trào năng suất trong mục tiêu quốc gia về năng suất lao động, tạo môi trường thúc đẩy các hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao suất thành ý thức công việc, tập trung vào ứng dụng công nghệ, sáng tạo, tri thức; nâng cao tiêu chuẩn sống người dân. Lao động của Singapore với đặc tính cần kiệm, siêng năng, thông minh, ý thức quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, luôn biết đầu tư cho tương lai và với các câu hỏi luôn thường trực: tại sao họ làm được mà chúng ta không làm được? những điều họ làm có tính ưu việt gì? chúng ta còn thiếu điều gì? chúng ta có thể làm những gì?

Tại Nhật Bản: từ năm 1955 với các phong trào năng suất và thành lập Trung tâm năng suất Nhật Bản một tổ chức ba bên với vai trò chủ đạo của Chính phủ, các ngành kinh tế, công đoàn, nghiệp đoàn, có sự tham gia của người lao động và sự phối hợp của các Viện nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp. Tổ chức hoạt động phi lợi nhuận với các chương trình triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc và thành lập các trung tâm năng suất theo khu vực. Các tổ chức cá nhân dành thời gian hợp lý cho nghiên cứu, sáng tạo với một mục đích cơ bản là tìm ra cách thức tối ưu và hiệu quả nhất làm sao để “con đường ngắn nhất - hiệu quả cao nhất” trong năng suất thông qua cách thức tổ chức và lộ trình hợp lý.

Góc nhìn từ thực tiễn Việt Nam: với thị trường 90 triệu dân, dân số trẻ, tiếp tục tăng, tình hình an ninh chính trị ổn định, một nước có thu nhập trung bình và chi phí cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh doanh ưu đãi, thông thoáng, đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư của khu vực và thế giới. Bên cạnh những mặt thuận lợi còn có những tồn tại như xuất phát điểm thấp, trình độ công nghệ hạn chế, tỉ trọng lao động nông nghiệp cao, lao động thiếu kỹ năng, chất lượng chưa cao, lao động qua đào tạo và đào tạo thực tế thực tế thấp…

Do vậy cần thiết có mục tiêu quốc gia về năng suất lao động và thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia mà đại diện là Chính phủ, cơ quan chủ trì, điều phối với sự tham gia của các bộ ngành, tổ chức công đoàn, các doanh nghiệp tại các thành phần kinh tế, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề. Với các nghiên cứu, khảo sát đánh giá khách quan, toàn diện, sâu hơn, tổng thể hơn của các cơ quan như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Trung tâm năng suất Việt Nam và có sự phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ủy Ban là một cơ quan chỉ đạo xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả để các giải pháp, biện pháp mang tính khả thi, đảm bảo điều kiện hoạt động về kinh phí và hoạt động hiệu quả thiết thực.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình nhằm tăng năng suất mà điển hình là Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 về việc phê duyệt chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trong chương trình đã có những mục tiêu cụ thể như, giai đoạn từ năm 2010 - 2015:

- Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước;

- Xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng; tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực;

- 40.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; 40% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng….

Giai đoạn từ năm 2016 - 2020:  60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng;

- Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng…

Với các nhiệm vụ như xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp. Đưa nội dung năng suất và chất lượng vào chương trình đào tạo của các trường dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ. Tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng; xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ; áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

Tổ chức áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tối ưu cho một số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế. Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng; phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất của nền kinh tế, ngành kinh tế, doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện triển khai 09 nhóm dự án về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Góc nhìn về vai trò của tổ chức công đoàn đối với nâng cao năng suất lao động:

- Với chức năng xuyên suốt là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia với tư cách là một thành viên tích cực, trách nhiệm của Hội đồng lương quốc gia và sẽ là cần thiết với một thành viên nòng cốt của Ủy ban Năng suất quốc gia.

- Công đoàn các cấp đã tham gia, tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nói chung và tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “ Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020” với mục tiêu là nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn nhằm góp phần đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.

- Phát động các phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, phong trào cải thiện điều kiện làm việc, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phong trào tiết kiệm năng lượng…góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, cải thiện điều kiện lao động nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao mức sống cho người lao động.

- Tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật đến người lao động mà trọng tâm là giáo dục chính trị, tư tưởng; đồng thời đi sâu vào xây dựng tính chuyên nghiệp trong lao động, tác phong công nghiệp, tuân thủ quy định chuẩn mực chung.

- Tham gia, phối hợp với chính quyền, chuyên môn xây dựng mối quan hệ lao động, quan hệ lợi ích hài hòa, tiến bộ, ổn định, dân chủ trong doanh nghiệp.

 Trần Phong (tổng hợp)