banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
KÝ ỨC THÁNG MƯỜI
Cập nhật lúc 08:41 ngày 09/10/2014

Ngày 10/10/1954 đánh dấu một sự kiện trọng đại của Thủ đô - ngày Hà Nội hoàn toàn giải phóng sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Tôi thật may mắn  được có mặt ở Hà Nội trong thời khắc lịch sử này.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng tuổi thơ lại gắn liền với rừng cọ, đồi chè nơi bố tôi cùng gia đình tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Sắp đến ngày giải phóng Thủ đô, mẹ tôi bố trí về trước để chuẩn bị chỗ ở cho cả gia đình, tôi nhỏ tuổi nhất nhà nên được đi theo mẹ. Hai mẹ con ở nhờ nhà một người thân ở phố Hàng Bè, gần hồ Hoàn Kiếm.

Tiếng là “người Hà Nội” nhưng do từ bé đã sống ở rừng núi nên với tôi cái gì cũng lạ. Lạ từ ngọn đèn điện sáng choang, cái vòi sắt chỉ cần vặn ra là có nước chảy... Tôi nhớ có lần được mời ăn chuối để trong tủ lạnh (ngày ấy, tủ lạnh ở Hà Nội rất hiếm), nhưng khi thấy quả chuối vừa lạnh vừa hơi bị thâm nên tôi vứt ngay vào thùng rác làm cho mọi người tròn mắt ngạc nhiên.

Nhưng rồi mọi việc cũng quen rất nhanh. Tôi được mẹ đưa đi chợ để sắm đồ cho cả nhà. Những cái chợ rất lạ. Gọi là “chợ” nhưng không cần cửa hàng, của hiệu, người bán cứ bày hàng bán ngay ở ngoài trời nên mọi người mới gọi là “chợ trời”. Thật ngộ! Bây giờ, nói đến “chợ trời” là người ta nghĩ ngay đến cái chợ ở phía cuối phố Huế chứ vào lúc đó Hà Nội có nhiều “chợ trời” lắm. Nghe nói những người chuẩn bị “đi Nam” mang đồ đạc của gia đình ra bán chứ không phải hàng hóa của nhà buôn. Tôi thấy người lớn nói chuyện với nhau về “con kiến trong thành vàng chạy đi rồi lại chạy về” mà chẳng hiểu gì. Sau này lớn lên mới biết đấy là “sấm” Trạng Trình. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), nhiều người từ miền Nam trở lại Thủ đô làm tôi nhớ đến những “con kiến trong thành vàng” của hơn 20 năm trước, thầm thán phục cụ Trạng Trình sao mà tài thế!

Ngày ấy, tình hình ở Hà Nội rất lộn xộn, nhiều vụ trộm cướp xảy ra. Chính quyền quy định: nếu ai phát hiện gần nhà mình có trộm, cướp thì đánh chiêng trống báo động. Nhiều hôm, đang ngủ thì thấy có báo động, thế là bọn trẻ chúng tôi mang đủ thứ ra gõ, từ mâm cơm đến vung nồi, xong rồi cả trống sư tử nữa, ầm ĩ một vùng. Xe cảnh sát chạy quanh hồ Hoàn Kiếm rồi qua Hàng Ngang, Hàng Đào… chẳng biết tiếng gõ báo động bắt đầu từ đâu. Thật là một quy định kỳ quặc!

Càng gần đến ngày 10/10, không khí càng náo nức. Tôi thấy những chú cán bộ mặc áo đại cán, đeo băng đỏ trông rất oai đi cùng với những sĩ quan Pháp, người lớn bảo: bộ đội ta vào nhận bàn giao đấy. Những ngày này, vải đỏ, vải vàng được bày bán công khai. Nhà nào cũng mua để may cờ. Vui lắm!

Đêm 9/10, mọi người ai cũng thao thức không ngủ được, chỉ mong trời sáng. Chờ mãi rồi trời cũng sáng, bọn trẻ chúng tôi chạy tót ra đường. Mọi người cũng đổ ra đường, đông lắm. Chúng tôi chạy về phía Hàng Gai vì nghe nói bộ đội sẽ tiến vào theo lối ấy. Người đứng chặt hai bên đường, ai ai cũng mặc đẹp. Nhiều bà, nhiều chị mặc áo dài, nhiều ông mặc com-lê đội mũ phớt như đi hội. Có người còn mang theo cả đàn ra chơi những bản nhạc tưng bừng, rộn rã. Ai cũng cầm cờ đỏ sao vàng, có cả những bó hoa tươi, những băng rôn, khẩu hiệu.

Khoảng 10 giờ, Đoàn quân giải phóng tiến vào khu vực Bờ Hồ. Các anh bộ đội xếp hàng bốn, quần áo mới tinh, đi đều tăm tắp trông rất đẹp. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang dội khắp hồ. Nhiều người đến tặng hoa, các anh vừa cười rất tươi vừa giơ tay vẫy chào mọi người. Có bà cứ ôm lấy các anh mà khóc, cảm động lắm, chắc bà cũng có con đi bộ đội. Sau bộ binh là một đoàn xe cơ giới chở bộ đội và rất nhiều loại súng. Bọn trẻ chúng tôi háo hức, sung sướng chạy theo đoàn quân không biết mệt. Nghe nói giờ này những tên lính Pháp cuối cùng đang trên đường xuống Hải Phòng để chờ lên tàu về Pháp.

Tôi trở về nhà nghe các bà, các chị tranh nhau kể: Bộ đội mình trông khỏe mạnh rắn rỏi quá, thế mà chúng nó cứ nói láo là “ba người bám vào một cành đu đủ không gãy”; các chị du kích ai cũng trẻ, cũng tươi, trông thật xinh gái… Câu chuyện râm ran đến tận đêm khuya. Cứ thế, tất cả những điều bọn địch tuyên truyền về bộ đội ta phút chốc đã trở thành chuyện tiếu lâm làm mọi người cười nghiêng ngả.

Những ngày tiếp theo, bọn trẻ chúng tôi được tập hát, tập múa. Chúng tôi đứng thành vòng tròn, tập  ngay ở giữa ngã tư (hồi ấy, xe cộ ít lắm chứ không nhiều như bây giờ).

“1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Bạn của tôi nay đang ở đâu…”

“Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta

Yêu ruộng vườn quê hương ngàn đời…”

“Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa

Muôn câu ca, Nam Bắc chung một nhà…”

Tôi chỉ kể ra đây vài bài hát thôi chứ hồi ấy được học nhiều lắm. Nếu bây giờ gặp lại các bạn cùng trang lứa, chắc các bạn vẫn còn nhớ để có thể tổ chức ngay một đêm biểu diễn.

Những ngày vui, sôi nổi, náo nhiệt không chỉ trong tháng 10 mà còn kéo dài đến nhiều tháng sau. Từ sinh hoạt nhóm văn nghệ đường phố, tôi được tham gia Đội Nghi thức của thiếu niên Hà Nội, sinh hoạt ở Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội).

Mới đó đã 60 năm trôi qua, cuộc đời có biết bao biến động. Tôi đã đi đến nhiều vùng miền của Tổ quốc, làm việc trong nhiều môi trường khác nhau, được chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử với rất nhiều cảm xúc. Nhưng kỷ niệm về những ngày tháng Mười năm ấy ở Thủ đô Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim tôi.

Những ký ức không thể nào quên!

Nguyễn Khắc Thịnh