banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Một số vấn đề về xây đắp giá trị lao động
Cập nhật lúc 02:14 ngày 18/08/2014

Dân số Việt Nam đã đạt ở con số 90 triệu người, đứng thứ 8 châu Áđứng thứ 14 trên thế giới; trong đó lực lượng lao động là 53,7 triệu người, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế là 52,7 triệu người. Việt Nam đang ở thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" mở ra rất nhiều vận hội mới cho đất nước, như nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Với lực lượng lao động trẻ, dồi dào và tiếp tục tăng sẽ là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển kinh tế, mang lại giá trị tích lũy lớn, là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; cùng với những thuận lợi mới là thách thức đan xen trong điều kiện bảo đảm việc làm, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy giá trị lao động.

Sức lao động là nhân tố có tính chất năng động của sản xuất, nền sản xuất bất kỳ của xã hội nào cũng đều không thể không có sức lao động. Chỉ có được sức lao động vận dụng thì tư liệu sản xuất mới có tác dụng trong việc sản xuất ra của cải vật chất. Sức lao động là phạm trù chỉ khả năng lao động của con người, là tổng hợp thể lực và trí lực của con người được con người vận dụng trong quá trình lao động. Theo C.Mác “sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó”. Giá trị sức lao động chỉ được thực hiện bởi sức lao động; sức lao động được phục hồi khi người lao động thu được giá trị sức lao động. Điều này nói lên rằng giữa sức lao động và giá trị sức lao động có mối quan hệ biện chứng. Giá trị sức lao động của người này nhiều khi phải thông qua sức lao động của người khác mới được thực hiện hay sức lao động của người đó chỉ có giá trị bởi lao động của người khác. Ví dụ như không có ca sỹ thể hiện bài hát thì sức lao động của nhạc sỹ trong việc sáng tác bài hát cũng không có giá trị. Nhưng nếu bài hát được nhiều ca sỹ hát và được hát đi hát lại rất nhiều lần theo yêu cầu thính giả thì giá trị sức lao động của nhạc sỹ sẽ là rất nhiều. Đây là biểu hiện của sự kết hợp giữa sức lực của người này với trí lực của người khác, giữa sức lực của ca sỹ với trí lực của nhạc sỹ. Như vậy sức lao động và giá trị sức lao động có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau.

Sức lao động sẽ được phục hồi nhanh khi giá trị sức lao động cao. Việc phục hồi nhanh sức lao động sẽ làm tăng chu kỳ lao động và như vậy giá trị sức lao động càng được tạo ra nhiều. Giá trị sức lao động kích thích sức lao động và cho thấy tính năng động, sáng tạo, thái độ làm việc, lòng tự tin, khả năng thích ứng, dễ chuyển đổi, làm việc có tinh thần trách nhiệm của người lao động nếu xác định đúng được giá trị lao động.


 Theo C.Mác “Tiền lương là biểu hiện sống bằng tiền của giá trị sức lao động”, còn theo quan điểm của các nhà kinh tế học hiện đại “Tiền lương là giá cả lao động, được xác định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường lao động”; tiền lương theo Bộ Luật lao động là “do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả lao động; mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt bảo đảm người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác”. Sức lao động nằm trong cơ thể người lao động, việc sản xuất và tái sản xuất sức lao động cũng tức là duy trì đời sống của người lao động, người lao động muốn duy  trì đời sống của mình thì cần có một số lượng tư liệu sinh hoạt nhất định gồm: chi bảo đảm đời sống vật chất như: ăn uống, quần áo, nhiên liệu, phương tiện đi lại, chỗ ở; chi đời sống tinh thần: đọc sách báo, xem ti vi, nghe nhạc; chi nuôi gia đình: nuôi bố mẹ, vợ chồng, con..; chi học tập, nâng cao trình độ…

Thực tiễn cho thấy tiền lương thực tế là tiền lương biểu hiện bằng số lượng những hàng tiêu dùng, hàng hóa dịch vụ mà người lao động dùng tiền lương thực lĩnh mua được. Tiền lương thực lĩnh chậm thay đổi, tiền lương thực tế giảm sút do vật giá lên cao, người lao động chỉ mua được phần nào đó là dịch vụ tối thiểu chứ không phải là dịch vụ cơ bản. Tiền lương thực lĩnh không theo kịp mức tăng giá, trong điều kiện lao động và điều kiện sống không đảm bảo, tiền lương thực tế giảm sút; trong khi điều kiện sống của người lao động thấp, lương thực tế giảm, mối tương quan giá trị sức lao động chưa hợp lý, cường độ và thời gian lao động lớn, tỉ lệ thất nghiệp tăng, giá cả, vật giá sinh hoạt tăng, chi phí nuôi gia đình, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần lớn.

 Mục đích hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp cơ bản là lợi nhuận, dựa trên năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường; trên cơ sở hợp lý hóa sản xuất, khoa học hóa, cải tiến kỹ thuật, áp dụng sáng tạo về công nghệ, phương pháp sản xuất hiện đại. Trong những năm qua các doanh nghiệp FDI đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam, cơ bản các doanh nghiệp FDI chấp hành nghiêm chỉnh chính sách pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, tạo việc làm cho người lao động; bên cạnh đó có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp FDI thực hiện chính sách pháp luật về thuế có nhiều vấn đề. Đặc biệt tại một số tập đoàn, doanh nghiệp FDI với bộ máy quản trị hùng hậu, cơ chế quản lý khoa học, bài bản, nhiều kinh nghiệm trên phạm vi quốc tế, có thể lý giải như thế nào về việc đầu tư vào một đất nước có môi trường đầu tư tốt như Việt Nam với doanh thu tăng mạnh, không ngừng mở rộng thị trường, đầu tư mở rộng sản xuất quy mô lớn, mà trong rất nhiều năm lại khai báo lỗ, trốn thuế, không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước Việt Nam? cùng với đó là chậm tăng lương cho người lao động và thực tế cho thấy giá trị lao động ở Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực.

Theo báo cáo Tổng cục Thuế năm 2013, các doanh nghiệp FDI khai lỗ tới hơn 68.203 tỷ đồng, dù lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng các doanh nghiệp FDI không ngừng mở rộng quy mô đầu tư. Hiện tượng doanh nghiệp FDI kê khai lỗ đang khá phổ biến (khoảng hơn 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm). Theo đánh giá của thanh tra Thuế số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực doanh nghiệp FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 doanh nghiệp là 1,73 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về thực trạng trốn thuế của doanh nghiệp FDI; theo báo cáo kết quả thanh tra tại 870 doanh nghiệp FDI có tới 720 doanh nghiệp vi phạm; tại Hà Nội thanh tra 332 doanh nghiệp FDI thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng; tại TP.Hồ Chí Minh thanh tra 193 doanh nghiệp FDI, có tới 164 doanh nghiệp vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng. Còn tại 1.240 doanh nghiệp bị kiểm tra, có tới 942 doanh nghiệp vi phạm. Đáng chú ý là trong việc “tăng lỗ” này, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ tăng cao nhất là 37,6%, trong khi doanh nghiệp nhà nước tăng 9,3%, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước lại giảm 4,1%.

Các hành vi trốn thuế được thực hiện bài bản, có hệ thống tại nhiều doanh nghiệp FDI như khai tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, trong khi giá thành bán ra thấp, dẫn tới lỗ; doanh nghiệp FDI góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực, nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao, sau đó các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại Việt Nam thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng nhưng tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công thấp, sản xuất dịch vụ do công ty mẹ quy định. Bên cạnh đó, một hình thức chuyển giá khác thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ xuất khẩu cho nước ngoài, chủ yếu bao tiêu sản phẩm qua công ty mẹ với giá bán hoặc giá gia công thấp hơn giá vốn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI liên tục lỗ nhiều năm. Để tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh, công ty mẹ thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay không tính lãi, và qua cách tính lòng vòng của chi phí quảng cáo, bản quyền thương hiệu với tập đoàn, công ty mẹ.

Trong tình hình thực tế hiện nay phần lớn các doanh nghiệp FDI thường nâng chi phí đầu vào, chi phí nguyên liệu một cách bất thường và đôi khi phi lý, chi phí lưu động rất lớn làm lu mờ giá trị lao động. Các tập đoàn, doanh nghiệp FDI hoạt động đầu tư tại Việt Nam không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng luôn báo lỗ và trong rất nhiều năm không thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, trốn thuế, phải chăng cơ chế quản lý thuế chưa theo kịp sự phát triển của cơ chế thị trường và thị trường lao động hay luật pháp về thuế Việt Nam có nhiều kẽ hở để doanh nghiệp “lách luật” hay do một nguyên nhân nào đó? Vậy cơ sở để tính tiền lương dựa trên năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả lao động được tính đúng, tính đủ, tính thực chất như thế nào trong một đơn vị doanh nghiệp thường xuyên khai lỗ một cách có hệ thống mà tốc độ tăng doanh thu hằng năm của các doanh nghiệp này vẫn cao và hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, ngay cả khi số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó tình trạng vi phạm quy định chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội diễn ra theo chiều hướng phức tạp, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 31/5/2014, tổng số nợ Bảo hiểm xã hội cả nước là 11.493,1 tỷ đồng, tăng 2.347,6 tỷ đồng (28,4%) so với cùng kỳ năm 2013, tình hình trên đã ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng vạn người lao động.

Do đó cần có cơ chế quản lý hữu hiệu để Việt Nam không phải trở thành một thiên đường thuế, với sức lao động nhân công giá rẻ và là nơi lợi dụng kẽ hở của luật pháp để trục lợi; điều này sẽ làm giảm đi giá trị lao động thực và lợi ích của người lao động nếu vẫn ở một mức sống không đảm bảo, tiền lương và thu nhập thấp không đủ sức lao động sản xuất và tái tạo sức lao động. Cùng với đó giá trị lao động cũng phải có một phần tích lũy chính đáng để dự phòng các nguy cơ rủi ro như bệnh tật, tai nạn…đồng thời không ngừng tìm các giải pháp để cải thiện và nâng cao đời sống cho người lao động, điều này phù hợp với nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 khi đề cao quyền con người, coi con người là chủ thể, là động lực, mục tiêu của sự phát triển.

Vì vậy cần thực hiện đồng bộ các chính sách kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; tăng cường phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, tích cực thu hút đầu vốn đầu tư nước ngoài với các chính sách như đãi đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động, đảm bảo an ninh xã hội; nhưng cũng không thu hút đầu tư bằng mọi giá và phải có chọn lọc và có cơ chế quản lý, kiểm soát hiệu quả tránh bị thất thu thuế và thu đúng, thu đủ giá trị thuế (như áp dụng kinh nghiệm của một số nước áp dụng thỏa thuận theo hình thức nộp thuế trên 1 đơn vị sản phẩm hay dựa vào doanh số bán ra). Đồng thời thực hiện hiệu qủa việc nâng giá trị lao động qua hoàn thiện cơ chế tiền lương theo hướng tích cực, phù hợp với thị trường lao động, mà thiết thực nhất là nâng mức lương tối thiểu vùng. Đây cũng chính là bảo vệ sức khỏe, sức lao động của con người Việt Nam; bảo vệ giá trị lao động cần thiết và nâng cao giá trị lao động vì đó là kết tinh của thời gian lao động xã hội. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách đến người lao động, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động; qua đó góp phần thực hiện hiệu quả việc chăm lo đời sống cho người lao động. Đồng thời đào tạo nguồn lao động có kỹ năng, chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường nhằm xây đắp và thúc đẩy giá trị lao động, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Trần Phong  (tổng hợp)