banner2019
 
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp tới hiện trường xảy ra sự cố vỡ đê quai thủy điện Ia Krel 2
Cập nhật lúc 01:28 ngày 06/08/2014

Ngày 5/8/2014, sau khi đi kiểm tra thực tế tại công trình thủy điện Ia Krel 2 thuộc địa bàn xã Ia Dom, huyện Đức Cơ - nơi xảy ra sự cố vỡ đê quai ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai cùng các sở, ngành liên quan của địa phương.


 

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - Phạm Thế Dũng báo cáo với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một số nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ đê quai công trình thủy điện Ia Krel 2.

Chủ đầu tư đã tiến hành thi công đê quai công trình khi chưa được sự cho phép của tỉnh. Khi phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ và chỉ được phép thi công khi được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Theo đó, khi thi công phải đảm bảo kênh dẫn dòng đủ kích thước để thoát nước. Nếu kênh dẫn dòng đã thi công đủ chiều rộng theo thiết kế mà vẫn không đảm bảo thoát nước thì phải tháo dỡ đê quai thượng lưu và tháo hết nước trong hồ chứa để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện theo đúng những chỉ đạo này.

Đơn vị tư vấn thiết kế công trình đã cảnh báo thời gian xây dựng đê quai chỉ được thực hiện trong những tháng mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 6), nhưng chủ đầu tư không tuân thủ (đến hết tháng 6 vẫn chưa thi công dứt điểm hạng mục đê quai mà để kéo dài đến những tháng mùa mưa).

Đơn vị giám sát, đơn vị thi công không thực hiện đúng chức năng giám sát và không tuân thủ thiết kế thi công.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng như: Sở Công Thương, UBND huyện Đức Cơ; mặc dù đã phát hiện việc chủ đầu tư thi công đê quai không tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng không kiên quyết xử lý.

Về yếu tố khách quan là tình hình thời tiết mưa trên diện rộng ở thượng nguồn kéo dài nhiều ngày, lượng nước từ thượng lưu chảy về lòng hồ rất lớn nên phá vỡ kết cấu đê quai. 

Về vấn đề xử lý, trước mắt, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu dừng thi công thủy điện Ia Krel 2,  làm rõ trách nhiệm và xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát công trình và xử lý vi phạm do không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật và không theo đúng chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước của Sở Công Thương cũng như UBND huyện Đức Cơ.


Đoàn công tác Bộ Công Thương tại hiện trường
     

Sau khi xử lý trách nhiệm và đánh giá xem xét lại năng lực của chủ đầu tư và đơn vị thi công, giám sát…, UBND tỉnh sẽ xem xét việc có cho phép công trình tiếp tục thi công hay không.

Theo ông Huỳnh Ngọc Tục - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng đã có 7 lần kiểm tra, lập biên bản, nhắc nhở, cảnh báo… nhưng chủ đầu tư không quan tâm, mặt khác do công trình đã lắp máy xong nên chủ đầu tư nôn nóng thi công gấp.

Sau khi nghe các ý kiến của địa phương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định: Phát triển thủy điện ở Việt Nam nói chung, trong đó có các công trình thủy điện có qui mô vừa và nhỏ nói riêng được các cấp, ngành và nhân dân ủng hộ, nhưng câu chuyện về thủy điện luôn là các đề tài tranh luận. Bên cạnh mặt tích cực, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước, vẫn còn những thiếu sót nhất định. Chủ đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ thường thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề đầu tư, quản lý, điều hành… nên đã để xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Trở lại với thủy điện Ia Krel 2, tuy là công trình quy mô nhỏ, nhưng khi xảy ra sự cố đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân vùng hạ du. Để khắc phục hậu quả, Bộ Công Thương nhất trí với chỉ đạo của UBND tỉnh GiaLai cho dừng công trình; sau đó tổ chức kiểm tra ngay, xác định trách nhiệm của từng cá nhân, các đơn vị là chủ đầu tư, tư vấn, giám sát thi công, thi công và các cơ quan tham mưu; quy rõ trách nhiệm, mức độ sai phạm. Cá nhân nào, đơn vị nào sai đến đâu, đề nghị cơ quan chức năng xử lý đến đó, nếu sai phạm liên quan đến pháp luật thì xử lý theo pháp luật. Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai, huyện Đức Cơ khẩn trương xác định chính xác mức độ thiệt hại tài sản của người dân trên quan điểm không để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, không để người dân nào bị thiệt hại mà không được đền bù thỏa đáng, nhưng cũng tránh sự thiếu trung thực, không bị thiệt hại mà vẫn kê khai, đòi đền bù.

Hoàng Anh Phượng / Báo Công Thương