banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Hội thảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Cập nhật lúc 08:33 ngày 07/09/2023
Vừa qua, Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (Công đoàn VEAM) đã phối hợp với công đoàn cơ sở các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tổ chức Hội thảo với chủ đề:  “Đàm phán, giải quyết tranh chấp lao động tại nơi làm việc”.
Đây là Hội thảo thường niên lần thứ 20 do Công đoàn VEAM phối hợp với các công đoàn cơ sở các đơn vị trực thuộc tổ chức và là sự kiện để đại diện người sử dụng lao động và đại diện tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trực thuộc VEAM có cơ hội gặp gỡ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực sử dụng lao động và giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động tại các đơn vị.     
Tham dự Hội thảo có đồng chí Vũ Hồng Quang – Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Quách Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, đồng chí Mai Mạnh Dũng - Chủ tịch Công đoàn VEAM,  đồng chí Phạm Anh Tuấn Phó Tổng giám đốc Tổng công ty VEAM, đại diện lãnh đạo các đơn vị FDI như Ford Việt Nam, Việt Nam Suzuki, Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Ban Thường vụ Công đoàn VEAM cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành công đoàn cơ sở các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trực thuộc Công đoàn VEAM.
Đồng chí Mai Mạnh Dũng – Chủ tịch Công đoàn VEAM khai mạc Hội thảo.
Đồng chí Mai Mạnh Dũng thay mặt Ban Thường vụ Công đoàn VEAM phát biểu khai mạc Hội thảo và khẳng định vai trò quan trọng của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp FDI trực thuộc Công đoàn VEAM trong công tác đàm phán và tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại nơi làm việc đặc biệt trong giai đoạn khó khăn về việc làm của thời kỳ “Hậu Covid” hiện nay.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty VEAM phát biểu tại Hội thảo.
Đại diện lãnh đạo Tổng công ty VEAM, đồng chí Phạm Anh Tuấn đã phát biểu ý kiến và nhận định các doanh nghiệp FDI là khu vực thu hút nhiều lao động, do đó các giải pháp để giải quyết việc làm của các doanh nghiệp FDI không chỉ có tác động tích cực cho doanh nghiệp về kinh tế, mà còn đưa lại những hiệu quả tích cực về xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp FDI nói riêng và cho đất nước nói chung. Chủ đề đàm phán, giải quyết tranh chấp trong lao động của Hội thảo trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp FDI giải quyết tốt vấn đề xung đột nội tại mà còn khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn các cấp trong việc cùng phối hợp giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của đoàn viên, người lao động. 
Đồng chí Vũ Hồng Quang  –  Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội thảo.
Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vũ Hồng Quang đã phát biểu và đánh giá cao công tác tổ chức Hội thảo trong đó nhấn mạnh đến tính tất yếu, khách quan của các vấn đề phát sinh cần phải giải quyết trong quá trình sản xuất, kinh doanh như đàm phán và phương pháp giải quyết tranh chấp lao động… tại các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. 
Đồng chí Vũ Hồng Quang cũng khẳng định việc tuân thủ pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp FDI là việc cần được thực hiện và triển khai nghiêm túc và đồng bộ để giúp cho người sử dụng lao động và người lao động đàm phán, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm. Do đó, các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cần nắm vững các quy định, hướng dẫn trong Bộ Luật Lao động 2019 để triển khai hiệu quả nhiệm vụ tổ chức hòa giải, đối thoại giải quyết tranh chấp trong lao động.  
Đồng chí Quách Văn Ngọc – Phó chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam phát biểu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Quách Văn Ngọc cho rằng việc nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra chủ đề của Hội thảo lần thứ 20 là rất cần thiết với giai đoạn hiện nay. Hội thảo giúp cho các doanh nghiệp học hỏi, trao đổi và rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích trong vấn đề đàm phán và giải quyết tranh chấp lao động hiện nay. Đồng chí cũng nhấn mạnh, để hoạt động đàm phán được hiệu quả, giải quyết thỏa đáng vấn đề tranh chấp lao động tại nơi làm việc, với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, tổ chức công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cấp cơ sở cần tăng cường và đưa ra phương pháp phù hợp để tiếp tục tuyên truyền phổ biến kiến thức về pháp luật trong đó có Bộ Luật Lao động 2019 và các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan. 
Đại diện lãnh đạo Doanh nghiệp FDI, Ông Motofumi Marutani – Phó Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đóng góp ý kiến cho Hội thảo, Ông Motofumi Marutani đại diện cho người sử dụng lao động tại Công ty Honda đánh giá cao sáng kiến của tổ chức công đoàn trong việc lựa chọn chủ đề Hội thảo và cho rằng việc thực hiện, tuân thủ luật pháp tại quốc gia sở tại trong đó có Bộ Luật Lao động 2019 là cơ sở cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp FDI. Ông cũng cam kết Honda sẽ tiếp tục song hành cùng tổ chức công đoàn tại cơ sở giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người lao động.
Một số hình ảnh 
Đồng chí Nguyễn Thị Huệ - Phó chủ tịch Công đoàn VEAM báo cáo tại Hội thảo
TS. Đỗ Ngân Bình - Phó Giám đốc TT Tư vấn Luật, Trường ĐH Luật Hà Nội tư vấn và trả lời các câu hỏi của các đại biểu tại Hội thảo
Bà Hoàng Thị Thanh Tâm – Phó Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam phát biểu.
Ông Phạm Thanh Tùng – Phó Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam phát biểu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Bùi Quang Bảy