banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Phối hợp rà soát, xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Cập nhật lúc 02:20 ngày 30/08/2023
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ phối hợp rà soát, xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm thể chế hoá các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; khắc phục hạn chế bất cập của Luật Công đoàn hiện hành, đồng thời đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội ký chương trình phối hợp
Chiều 29.8, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội nghị ký kết Chương trình phối hợp và làm việc về tiến độ thực hiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội.
Cùng dự hội nghị có các Thường trực, Ủy viên Ủy ban Xã hội, lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội…
Toàn cảnh lễ ký kết
Theo nội dung ký kết, ngoài việc phối hợp rà soát, xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), hai bên sẽ cùng nghiên cứu tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm và tham gia ý kiến về việc xây dựng văn bản pháp luật có liên quan đến người lao động và công đoàn.
Trước mắt tập trung vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật An toàn vệ sinh lao động (sửa đổi), các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc ký kết, gia nhập các công ước quốc tế và các văn bản pháp luật khác trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội...
Đối với hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, hai cơ quan thống nhất sẽ kịp thời cung cấp thông tin, tham vấn ý kiến lẫn nhau khi thẩm tra, xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là trong bối cảnh người lao động bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, khủng hoảng kinh tế…
Hai bên cũng thống nhất trong phạm vi hợp tác nội dung tại chương trình phối hợp, hai bên cùng đóng góp ý kiến tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền về những nội dung chuyên môn liên quan đến chính sách, pháp luật có liên quan đến người lao động, công đoàn và an sinh xã hội.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết, là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động theo Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ hết sức quan trọng là tham gia góp ý, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã xác định công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là hết sức quan trọng, vì đây là cách để bảo vệ người lao động từ xa và trên diện rộng. Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 14.10.2021 về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV cũng đã nhấn mạnh, trong công tác xây dựng chính sách pháp luật, phải “bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật…”; “phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật…”.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại lễ ký kết
Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, những kết quả thực hiện trong thời gian qua giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội rất đáng ghi nhận, tạo tiền đề, cơ sở thực tiễn cho việc triển khai, thúc đẩy các hoạt động trong thời gian tới ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Phát huy những kết quả đó, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, giai đoạn 2023-2026, hai cơ quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung phối hợp trên tất cả các mặt công tác, như: Tham gia xây dựng, phản biện chính sách; hoàn thiện dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); công tác giám sát; chăm lo lợi ích thiết thực cho người lao động.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tin tưởng, chương trình phối hợp giữa hai bên sẽ tiếp tục tạo cơ sở thúc đẩy, tăng cường sự hợp tác, gắn bó giữa Công đoàn Việt Nam và Ủy ban Xã hội của Quốc hội để cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, đoàn viên, người lao động và toàn thể Nhân dân đã tin tưởng, giao phó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Quế Chi - Hải Nguyễn (nguồn: laodong.vn)