banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn
Cập nhật lúc 08:19 ngày 17/08/2023
Ngày 15/8, Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam làm trưởng đoàn, phối hợp cùng Quỹ Hoa Hòa bình, Công ty cổ phần tập đoàn TASECO, Trung tâm hành động Bom mìn quốc gia Việt nam (VNMAC) và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức chương trình “Tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn” và trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó đợt 1 năm 2023 tại huyện A Lưới.
Chương trình tuyên truyền thu hút sự quan tâm của đại biểu và học sinh
Xác định công tác giáo dục, tuyên truyền là một trong những nội dung cốt yếu để hạn chế tối đa hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, trong những năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bon mìn Việt Nam đã tiến hành 32 đợt hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên những địa bàn trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn. Năm nay, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế là điểm đến của Hội cùng với Lạng Sơn, Gia Lai.
Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn phát biểu tại sự kiện ngày 15/8/2023
Trung tướng AHLLVTND Nguyễn Đức Soát chia sẻ: “Khác với các năm trước, năm nay, cùng với hỗ trợ sinh kế, Hội đẩy mạnh trọng tâm là công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn. Bởi lẽ, qua thực tế những năm vừa qua cho thấy, ở nhiều địa phương do bà con chưa nắm được đặc điểm hoạt động, tác hại của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh nên năm nào cũng vẫn có những vụ tai nạn bom mìn dù chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm.
Ông cũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền cần đa dạng đối tượng nhưng đối với các địa phương vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tính chất địa bàn trải rộng thì việc tuyên truyền thông qua hệ thống trường học phổ thông là cách làm hiệu quả. “Tại các trường học, mỗi tuần trong buổi chào cờ, nếu dành ra ít phút tuyên truyền cho học sinh thì rất nhanh chúng ta có hàng vạn tuyên truyền viên trong cộng đồng, đây là một kênh tốt để thực hiện công tác tuyên truyền”.
Đồng chí Hồ Văn Ngưm, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, A Lưới là một huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những địa bàn trọng điểm chịu ảnh hưởng ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nặng nề. Đến cuối năm 2022, huyện có tổng diện tích ô nhiễm bom mìn vật nổ là 2.981 ha, cùng nhiều nạn nhân bom mìn. Trong nhiều năm qua, A Lưới đã chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Tuy nhiên, đời sống của nhiều nạn nhân vẫn còn rất khó khăn.
Xuất phát từ thực tế đó, tại A Lưới, đoàn công tác đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo để tuyên truyền với hình thức phong phú, phù hợp với các đối tượng như phát thông điệp, tuyên truyền trực tiếp thông qua video clip, phim tài liệu và bằng các tiểu phẩm, hoạt cảnh tương tác do các tuyên truyền viên thực hiện. Thông qua bài giảng trực quan, sinh động người dân và các em học sinh đã nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.
Tuyên truyền trực tiếp thông điệp phòng chống tai nạn bom mìn
A Cơ Hữu Tiến, học sinh lớp 5, trường Tiểu học A Ngo, huyện A Lưới sau khi tham dự buổi tuyên truyền chia sẻ: " Đây là lần đầu tiên con được dự một buổi tuyên truyền như thế này và con biết được nhiều thứ, chẳng hạn như phái tránh xa các vật nghi ngờ là bom mìn và vật nổ. Nếu thấy những vật này con cần báo cho người lớn...".
Hàng trăm người dân, đặc biệt là hơn 100 học sinh ở A Lưới sau khi tham dự các buổi tuyên truyền sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng về những thông điệp về phòng chống tai nạn bom mìn.
Đại tá Vũ Quốc Bình, Trưởng Ban Tuyên truyền vận động, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn VN hướng dẫn học sinh đọc tài liệu
Cũng trong dịp này, đoàn đã trao hỗ trợ sinh kế đợt 1 cho 30 nạn nhân bom mìn với số tiền 200 triệu đồng. Trong đó, 20 nạn nhân bom mìn được trao mức hỗ trợ 6 triệu đồng/người và 10 nạn nhân bom mìn được trao mức hỗ trợ 8 triệu đồng/người. Số tiền hỗ trợ nhằm giúp các nạn nhân đầu tư vào chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình.
Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát và đồng chí Hồ Đàm Giang, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới trao hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn
Đồng thời, Hội cũng trao tặng 20 xe đạp với tổng số tiền là 40 triệu đồng cho các học sinh nghèo vượt khó và một số sách văn học, sách kỹ năng sống, truyện tranh tuyên truyền phòng, chống tai nạn bom mìn cho một số thư viện, trường học tại A Lưới. Tổng số tiền hỗ trợ đợt 1 năm 2023 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là 240 triệu đồng.
Ban Tổ chức trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại huyện A Lưới
Anh Hồ Văn Vịa, người dân tộc Pa Cô ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới cho biết, năm 1990, khi nhặt được một đầu pháo, do không biết là vật phát nổ, anh đã đập để lấy đầu nhôm phế liệu, không may bị phát nổ khiến anh bị thương ở bụng và cánh tay. Sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện, anh được ra viện nhưng từ đó bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, giảm khả năng lao động nên kinh tế gia đình anh chồng chất khó khăn. Được nhận hỗ trợ 8 triệu đồng, Hồ Văn Vịa dự định mua 3 cặp heo, mua dụng cụ nấu rượu tận dụng bã rượu nuôi heo. Anh Vịa hy vọng sau thời gian ngắn sẽ cải thiện kinh tế gia đình.
Là một trong những đơn vị đồng hành cùng Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn VN ngay từ những ngày đầu, chia sẻ với VOV2, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không TASECO-AIR, thuộc Công ty cổ phần tập đoàn TASECO cho biết, TASECO mong muốn sẽ tiếp tục được chung tay góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những nạn nhân bom mìn vì một cuộc sống bình yên.
Sau hơn 9 năm thành lập, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn VN đã hỗ trợ sinh kế của Hội trên 5.600 người, trong đó 325 gia đình nạn nhận được hỗ trợ 01 con bò sinh sản, hiện nay đàn bò tại “ngân hàng bò” các tỉnh đã phát triển thêm hàng trăm bò con. Cùng với đó hơn 5.000 người khác được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, Hội còn tặng hàng trăm phương tiện nghe nhìn (tivi, radio), chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tiền thuốc cho hơn 2.000 nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Thu Hà (nguồn: vov2.vov.vn)