banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động kết hôn
Cập nhật lúc 09:54 ngày 04/07/2014

Hỏi: Hợp đồng lao động giữa chị K với Công ty A có điều khoản ghi: “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bắt đầu làm việc, người lao động không được lấy chồng và sinh con”. Sau khi làm việc được 2 năm, chị K kết hôn với anh M, Giám đốc Công ty A đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị K vì chị đã vi phạm các điều khoản được cam kết trong hợp đồng lao động.

Theo đồng chí, việc Giám đốc Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị K là đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

1. Việc Công ty A chấm dứt hợp đồng lao động với chị K trong trường hợp trên là sai. Bởi vì:

Tại mục 3 Điều 155 Bộ Luật Lao động quy định: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

2. Điều khoản ghi trong hợp đồng lao động giữa chị K và Cty: “Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bắt đầu làm việc, người lao động không được lấy chồng và sinh con” là sai và  không có giá trị thực hiện, vì nội dung này không thuộc phạm vi quan hệ lao động. Mặt khác, điều khoản này đã hạn chế quyền kết hôn, quyền sinh con của người phụ nữ.

Tại mục 3 Điều 50 “Hợp đồng lao động vô hiệu” trong Bộ Luật Lao động quy định: “Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu”.

Tại mục 1 Điều 51 “Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu” trong Bộ Luật Lao động quy định: “Thanh tra lao động, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu”.

(Theo Câu hỏi tình huống thi cán bộ công đoàn giỏi)