banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Công đoàn Công Thương Thanh Hóa nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội
Cập nhật lúc 03:25 ngày 18/12/2022
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay. Nhiệm vụ này càng được đề cao trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện được Công đoàn Công Thương Thanh Hoá xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Căn cứ khoản 1 Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 (Chương V, Chương VI); Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ, ngày 02/06/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội, hàng năm và các văn bản kế hoạch, hướng dẫn về thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa ; Công đoàn ngành Công Thương luôn quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và quy định của Bộ Chính trị và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức thăm nắm tình hình đời sống, lao động, việc làm và phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến cán bộ, đoàn viên và người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hàng năm, Ban Thường vụ Công đoàn ngành xây dựng và triển khai nghiêm túc Kế hoạch giám sát và phản biện xã hội đến các CĐCS trực thuộc; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện tại các CĐCS. Các cấp Công đoàn trong ngành luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện giám sát và phản biện xã hội đảm bảo hiệu quả, thiết thực; tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Góp phần giải quyết và phối hợp giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, CNVCLĐ đề ra biện pháp, giải pháp tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác Công đoàn trong tình hình mới.Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, các cấp công đoàn trong ngành đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động, việc làm của đoàn viên, CNVCLĐ và thực tế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tới các cấp, các ngành để từ đó có sự chỉ đạo đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không ngừng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách của đoàn viên, NLĐ, đồng thời điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị,doanh nghiệp không ngừng phát triển. Riêng trong năm 2022, Công đoàn ngành đã phối hợp phối hợp cùng với các cấp, các ngành tham gia 02 cuộc giám sát, tổ chức giám sát CĐCS trực thuộc 05 cuộc, các Công đoàn cơ sở trực thuộc đã tổ chức được 16 cuộc giám sát. Tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII, tham gia đề xuất, góp ý một số nội dung sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Công đoàn Việt Nam 2012. Các cấp công đoàn trong ngành đã tích cực tham gia phản biện dự thảo Nghị quyết Đại hội Chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của các cấp công đoàn ngành Công Thương trong những năm qua còn có những hạn chế, như một số CĐCS còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội; chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp; kết quả giám sát và phản biện xã hội chưa đều, phản biện còn ít; một số nơi làm hình thức, thụ động; còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; kỹ năng, năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; chưa có nhiều ý kiến phản biện đối với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền các cấp; việc tiếp thu ý kiến góp ý, giải quyết những kiến nghị và trả lời sau giám sát, phản biện xã hội có lúc chưa kịp thời....
Nhằm tiếp tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, trong thời gian tới các cấp công đoàn ngành Công Thương Thanh Hóa cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là: Tiếp tục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong ngành  về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam cũng như chức năng giám sát, phản biện xã hội. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên và người lao động về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, nội dung thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật về giám sát, phản biện để thống nhất về nhận thức, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Hai là: Hướng dẫn CĐCS chủ động xây dựng nội dung kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động công tác giám sát và phản biện xã hội, tư duy kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐCS và xác định nội dung, phạm vi, phương pháp và cách thức tiến hành các hoạt động giám sát và phản biện xã hội sao cho phù hợp với từng loại hình CĐCS và từng thời điểm theo nội dung kế hoạch đề ra Cùng với đó, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phải tập trung vào những nội dung, những vấn đề mà xã hội và đoàn viên, người lao động quan tâm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Ba là: Nâng  cao chất nội dung sinh hoạt, hội họp từ ban chấp hành CĐCS đến các tổ CĐ. thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban kiểm tra và Ban Thanh tra nhân dân. Phân công và giao nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác giám sát và phản biện xã hội tại cơ sở. 
Bốn là: Hàng năm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt CĐCS, ủy viên Ủy ban kiểm tra và Ban Thanh tra nhân dân công đoàn cơ sở. Các cấp công đoàn trong ngành cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, phản biện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong tình hình mới.,
Năm là: Thường xuyên lắng nghe dư luận xã hội, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động và Nhân dân, những vấn đề mà công nhân,  viên chức lao động quan tâm, phản ánh kịp thời đến ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên ở từng cấp, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Phạm Ngọc Điệp