banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam: 15 năm đồng hành cùng người lao động
Cập nhật lúc 09:21 ngày 03/11/2022
Trong 15 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) luôn tự hào kế tiếp truyền thống của các thế hệ đoàn viên, công nhân lao động ngành Công Thương, sát cánh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Trưởng thành gắn liền với sự phát triển của ngành Công Thương
Năm 1951, cùng với Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thành lập Ban Công đoàn Công Thương. Cùng với sự phát triển của ngành Công Thương qua các thời kỳ, Ban Công đoàn Công Thương cũng trải qua sự chia tách và sáp nhập dưới nhiều tên gọi khác nhau. Năm 2007, với việc đổi mới, kiện toàn bộ máy Chính phủ phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quốc hội (khóa XII) đã tái lập Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Cùng với đó, CĐCTVN được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại và Du lịch Việt Nam.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua cho Công đoàn Công Thương Việt Nam
Từ khi thành lập đến nay, CĐCTVN luôn chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với các loại hình cơ sở thuộc các thành phần kinh tế, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, người lao động làm đối tượng vận động; chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Ghi nhận những thành tích trong 15 năm qua, CĐCTVN đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen. Nhiều tập thể và đoàn viên công đoàn trong ngành được tặng thưởng Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Sát cánh cùng người lao động
Sau nhiều lần sáp nhập và tách rời công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc, đến nay, CĐCTVN hiện đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 525 công đoàn cơ sở (trong đó có 398 công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở). Số công đoàn cơ sở thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là 67, công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước là 23, công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước là 396 và công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1. Toàn ngành hiện có 142.585 đoàn viên/150.093 lao động, tỷ lệ đoàn viên nữ chiếm 30,6%. CĐCTVN đang cùng các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo 23 công đoàn ngành Công Thương địa phương.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy ký thỏa thuận hợp tác về phúc lợi với các đơn vị trong ngành
Từ năm 2007 đến nay, nhiều công ty nhà nước tiến hành cổ phần hóa đã tác động nhiều mặt đến CNVCLĐ và hoạt động của tổ chức CĐCTVN. Trước tình hình đó, CĐCTVN đã đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả, thành tựu. CĐCTVN cũng đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu 5 chương trình công tác toàn khóa và 4 chương trình do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐCTVN đã chủ động sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các cấp công đoàn trong hệ thống và đông đảo đoàn viên, người lao động trong ngành Công Thương. Việc quán triệt triển khai nghị quyết của Đảng, công đoàn, có sự chỉ đạo đồng nhất từ ngành đến cơ sở. Trên cơ sở nghị quyết, hướng dẫn, các cấp công đoàn đã xây dựng nội dung, kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Ý thức giai cấp, ngành nghề được nâng cao, thể hiện qua việc học tập tăng cường nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong công nhân lao động. Đại bộ phận đoàn viên, người lao động trong ngành đều tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào, hoạt động, hội thi do công đoàn phát động. Nhiều hoạt động đã vào nề nếp tại các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành như: Thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng nội quy quy chế, thỏa ước lao động tập thể, phong trào thi đua, sáng kiến cải tiến, tiết kiệm…
Nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả
CĐCTVN đã tích cực tham gia với chuyên môn trong việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát đối với người sử dụng lao động; những hoạt động đó đã được thể hiện ở các nội dung: Tham gia xây dựng văn bản luật, chuyển đổi sắp xếp lại các doanh nghiệp. Nổi bật là sự tham gia, phối hợp của Ban Thường vụ với Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ đạo, phối hợp tổ chức Đại hội công nhân viên chức, hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể; chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp theo Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Góp phần hạn chế tranh chấp lao động tại cơ sở; tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, vinh danh các tấm gương lao động giỏi.
Công đoàn Công Thương Việt Nam hỗ trợ nhà ăn ca tự chọn tại mỏ sắt Tiến Bộ
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn ngành lớn mạnh được đông đảo CNVCLĐ trong ngành tích cực tham gia. Hoạt động nữ công đã đạt hiệu quả nổi bật thông qua các hoạt động: Xây dựng gia đình hạnh phúc; giỏi việc nước, đảm việc nhà; dân số - kế hoạch hóa gia đình; bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; đền ơn đáp nghĩa.
CĐCTVN đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như: Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”; Nghị quyết số 9b/NQ-BCH ngày 23/8/2016 về “Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới”; Nghị quyết số 16/NQ-BCH ngày 22/2/2022 về “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”. Đồng thời, triển khai thực hiện Kế hoạch số 181/KH-TLĐ ngày 18/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. CĐCTVN cũng chú trọng công tác thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2022, CĐCTVN đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị liên tịch số 01/CTLT-BCT-CĐCT ngày 10/1/2022 về việc tổ chức các phong trào thi đua năm 2022, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19”. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đơn vị trong ngành đã triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Toàn ngành đã có 15.000 sáng kiến, mang lại giá trị làm lợi lớn.
Đáng chú ý, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong ngành không chỉ tạo ý thức đối với người tiêu dùng mà còn tác động đến các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có những liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nhau và sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Thực hiện ba khâu đột phá
Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn tập trung thực hiện ba khâu đột phá: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn; thiết thực chăm lo lợi ích của đoàn viên.
Để hoàn thành mục tiêu này, CĐCTVN tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả. Lấy nhu cầu chính đáng của đa số đoàn viên, người lao động làm cơ sở hoạt động. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cấp công đoàn. Chú trọng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và người lao động. Tăng cường phát triển lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp thu hút đoàn viên và người lao động. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ; góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tích cực xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, Đại hội CĐCTVN lần thứ IV (nhiệm kỳ 2023 - 2028) sẽ là bước đi đầy ý nghĩa của CĐCTVN trong việc định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động. Các cấp công đoàn tích cực xây dựng giai cấp công nhân ngành Công Thương lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, khẳng định vị trí, vai trò của CĐCTVN trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐCTVN đã chủ động sáng tạo trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của các cấp công đoàn trong hệ thống và đông đảo đoàn viên, người lao động trong ngành Công Thương.
Minh Thư