banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Bộ Công Thương nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022
Cập nhật lúc 09:25 ngày 09/02/2022
Trong không khí phấn khởi của những ngày làm việc đầu Xuân Nhâm Dần 2022, sáng ngày 8/2, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành đã đến thăm và làm việc tại Bộ Công Thương.
Tham dự buổi làm việc có Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà. Về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng lãnh đạo các đơn vị, các doanh nghiệp thuộc Bộ.
Ngành Công Thương đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu những nét cơ bản và kết quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm vừa qua.
Theo đó, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Phần lớn thời gian của năm, cả nước tập trung chống dịch Covid-19, chỉ còn 4 - 5 tháng, các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, từ tháng 4/2021, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 đã tàn phá các trung tâm kinh tế, thành phố lớn, trung tâm công nghiệp. “Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, GDP quý III/2021 giảm 6,7%, nhưng nhờ có quyết sách đúng của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, chúng ta đã kịp thời mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Kết quả năm 2021, GDP tăng 2,8%”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đạt được tốc độ tăng trưởng này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công Thương đã có đóng góp đáng kể. Cụ thể, ngành Công Thương đóng góp tăng trưởng 4,8% của toàn Ngành, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 6,7%, chiếm 68 -70% điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển mạnh, đã đóng góp quan trọng vào kinh tế của đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào top 1 trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Trong đó, xuất khẩu đạt 337 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, để đạt được một số kết quả nổi bật trên không thể không kể tới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời quyết liệt, sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và của cá nhân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể Lãnh đạo Bộ, các cơ quan thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng, năm 2022 chúng ta có nhiều thuận lợi: nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời gian vừa qua; chính trị ổn định; độ tiêm phủ vaccine lớn; nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hồi phục phát triển kinh tế được ban hành. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang là thành viên có trách nhiệm với các tổ chức kinh tế quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do FTA mới ký kết và có hiệu lực (gần đây nhất là Hiệp định RCEP)… đã và đang tạo cơ hội tốt cho ngành Công Thương có “đất dụng võ”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Cùng đó là chiến tranh thương mại và bảo hộ mậu dịch của các nước lớn khá phổ biến. Quan trọng hơn là dự báo khả năng lạm phát kinh tế toàn cầu có thể xảy ra. Sau đại dịch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, nhất là các nước lớn thay đổi nên tất cả các trật tự cũ đã thay đổi buộc chúng ta cũng phải thay đổi.
Trong bối cảnh như vậy, tư lệnh ngành Công Thương hứa với Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Lãnh đạo Uỷ ban Quốc hội, toàn Ngành sẽ đoàn kết, phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hy vọng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội quan tâm nhiều hơn để Ngành đạt được kết quả tốt hơn trong năm tới, đóng góp cho phát triển kinh tế nước nhà những năm tiếp theo.
Kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022
Thay mặt Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, các đồng chí trong Đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp ấn tượng của ngành Công Thương trong phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 và những năm qua.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh những đóng góp của ngành Công Thương năm 2021 cho nền kinh tế là rất quan trọng. Cụ thể, năm 2021, nước ta đạt mức tăng trưởng kinh tế dương một phần nhờ trụ đỡ nông nghiệp và vai trò đầu tàu động lực của công nghiệp chế biến, chế tạo. Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã ngày càng thể hiện rõ là trụ cột của nền kinh tế.
Trong khó khăn, các ngành sản xuất như hóa chất, phân bón, điện lực, dầu khí vẫn duy trì hoạt động liên tục. Đặc biệt, ngành điện đã đảm bảo và cung cấp điện an toàn và hầu như không bị gián đoạn trong mùa Tết cao điểm. “Chúng tôi cũng rất mừng khi tình trạng ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu cơ bản được giải toả. Đầu năm 2022, khối lượng hàng hoá lưu thông qua cửa khẩu cơ bản thông suốt. Con số xuất nhập khẩu tháng 01/2022 khá tốt, hứa hẹn có một năm bù đắp lại những thiệt hại trong năm 2021 và lấy lại tăng trưởng trong năm 2022”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Trước mắt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Công Thương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 theo hướng thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong lĩnh vực này; Rà soát, có kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương phủ kín vaccine cho người lao động, cán bộ công chức trong Ngành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2022 cũng sẽ tiếp tục có nhiều thử thách cam go, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và vẫn có thể có những biến chủng mới. Đây cũng là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về các khung khổ kế hoạch 5 năm (2021-2025) như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước trung hạn, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch vay và trả nợ công trung hạn…
Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với rất nhiều chính sách đặc thù, vượt trội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới yếu tố quan trọng là khâu triển khai thực hiện. Do vậy, Bộ Công Thương cần sớm triển khai thực hiện các Nghị quyết đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác quản lý nhà nước đóng vai trò rất quan trọng, trong đó có ngành Công Thương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, các cơ quan trong toàn Ngành tăng cường đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm trong mọi quyết sách.
Với truyền thống vẻ vang của ngành Công Thương và những kết quả đã đạt được trong năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng, Bộ Công Thương nói riêng và ngành Công Thương nói chung sẽ nỗ lực hơn, quyết tâm hơn nữa để đạt kết quả tốt hơn trong năm 2022.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn tình cảm đặc biệt của Chủ tịch đối với ngành Công Thương. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định, Lãnh đạo Bộ sẽ chủ trì các hội nghị để bàn và cụ thể hoá tinh thần chỉ đạo đó bằng kế hoạch hành động của ngành Công Thương.
Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Công Thương đang tổ chức rà soát các chiến lược, đề án, kế hoạch đã ban hành từ cuối năm 2020 trở lại đây. Đây là những chiến lược, đề án, kế hoạch cho cả 10 năm tới, tầm nhìn trong giai đoạn 15, 20 năm tiếp theo. Tuy nhiên, cho đến nay, với sự bùng phát của dịch Covid-19, nhiều thứ đã thay đổi. “Với những thời cơ, vận hội, thách thức mới, Ngành sẽ nỗ lực để trước mắt thực hiện thành công Chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ, Quốc hội vừa ban hành. Ngành Công Thương cũng sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu kinh tế- xã hội mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, không chỉ cho 5 năm mà cho cả giai đoạn 10 năm sau, và tới năm 2045” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nguyễn Hường - Hồng Hạnh (nguồn: moit.gov.vn)