banner2019
 
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 03/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Cập nhật lúc 10:17 ngày 03/12/2021
Trong những năm qua, cùng với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã và đang chủ động tích cực, linh hoạt, sáng tạo trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, kịp thời hỗ trợ bạn bè, đối tác phòng, chống dịch, thể hiện hình ảnh Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế, nhất là trong tình hình mới hiện nay. 
Theo tinh thần Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/9/1994 và số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về việc “Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân” và “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn, trong đó có Công đoàn Công Thương Việt Nam tại Nghị quyết 03/NQ-ĐCT ngày 24 tháng 09 năm 2010 về “Tăng cường hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Công đoàn Việt Nam” thực hiện công tác đối ngoại một cách sang tạo, hiệu quả và thiết thực.
Đồng chí Trần Quang Huy, Chủ tịch CĐCTVN tham dự Diễn đàn Quốc tế
Công đoàn Công Thương Việt Nam được thành lập tại Quyết định số 1353/QĐ-TLĐ ngày 11/10/2007 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Công đoàn Công nghiệp Việt Nam và Công đoàn Thương mại - Du lịch Việt Nam. CĐCTVN trực tiếp quản lý 16 công đoàn cấp trên cơ sở (14 công đoàn của các Tập đoàn, Tổng Công ty; 01 CĐ Bộ Công Thương; 01 CĐ Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp) với 552 công đoàn cơ sở (trong đó có 423 công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên cơ sở). Phối hợp quản lý 27 công đoàn ngành Công Thương tỉnh, thành phố và một số CĐCS chuyên môn thuộc Bộ, công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố.
Công đoàn Công Thương Việt Nam có quan hệ hợp tác với trên 30 công đoàn  ngành các nước và tổ chức quốc tế, tiêu biểu: Mạng lưới Công đoàn Quốc tế (UNI), Mạng lưới Công đoàn Quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNI-Apro), CĐ Công nghiệp Bê-la-rút (BITU), CĐ Kim khí Đức (IG Metall), CĐ Mỏ - Hóa chất - Năng lượng Đức (IG- BCE), Liên đoàn Công nhân Á-Úc, Chế tạo Úc (AMWU), Trung tâm lao động Mỹ (UCLA), CĐ Luyện kim và Điện tử Cuba (SNTME), CĐ Thực phẩm Đồ uống Singapore (FDAWU),  Hội đồng CĐ Kim khí Nhật Bản (IMF-JC)… Công đoàn Công Thương Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên, chính thức của tổ chức Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất Toàn cầu (IndustriALL). IndustriALL được thành lập ngày 19 tháng 6 năm 2012 trên cơ sở hợp nhất ba Liên hiệp Công đoàn ngành toàn cầu: Công đoàn Kim khí Quốc tế (IMF), Công đoàn Hóa chất-Năng lượng-Mỏ và Lao động phổ thông (ICEM) và Công đoàn Dệt May Da giày Quốc tế (ITGLWF). IndustriALL đại diện cho trên 50 triệu lao động tại 140 quốc gia hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, năng lượng và khai khoáng…
Trên cơ sở những nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 03/NQ-ĐCT, hàng năm CĐCTVN đã xây dựng kế hoạch đối ngoại theo chỉ đạo, hướng dẫn của TLĐLĐVN và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm; bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý tập trung, thống nhất của TLĐLĐVN trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Tiếp tục đẩy mạnh tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức công đoàn trên thế giới, trong đó ưu tiên phát triển quan hệ với các công đoàn cùng ngành nghề trong khu vực, các nước có vị trí quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nâng cao hiệu quả hợp tác với các công đoàn các nước, các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế nhằm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ công đoàn các cấp trực thuộc.
Hoạt động đối ngoại của CĐCTVN được đánh có giá hiệu quả, bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao. Những kết quả của hoạt động đối ngoại đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước, tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các công đoàn ngành và tổ chức quốc tế, tăng cường hiểu biết và nâng cao uy tín của Công đoàn Việt Nam nói chung và CĐCTVN nói riêng. Đánh giá về hoạt động đối ngoại của CĐCTVN thể hiện ở các nội dung sau:
- Hoạt động đối ngoại của CĐCTVN đã góp phần giới thiệu về đất nước, con người và tổ chức Công đoàn Việt Nam với bạn bè, nhân dân thế giới, qua đó để nhân dân các nước biết và hiểu đúng về Việt Nam, nhất là trong giai đoạn chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vào sự phát triển chung của hoạt động Đối ngoại Nhân dân theo định hướng của Đảng. Qua đó, mở rộng mối quan hệ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn với các công đoàn ngành nghề các nước. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015-2019, CĐCTVN đã tổ chức 57 đoàn ra (144 lượt cán bộ), đón 81 đoàn vào (690 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 69 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử 116 lượt cán bộ tham dự 37 hội nghị, hội thảo ngoài nước, 1.909 cán bộ tham dự 27 hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước. Tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ thông qua các dự án, chương trình, lớp tập huấn của các công đoàn ngành: Kim khí Đức (IG Metall), Mỏ Hóa chất Năng lượng Đức (IG BCE), Kim khí Bỉ, Giấy và In ấn Pháp (FINPAC), Dịch vụ và Khách sạn Nhật Bản (JSD), Kim khí quốc tế IMF… các tổ chức phi Chính phủ như: Tổ chức Viện trợ Hải ngoại Úc (APHEDA), Viện Friedrich Ebert (FES) Đức.
- Qua các chuyến thăm làm việc, trao đổi kinh nghiệm, qua các khóa, lớp tập huấn với chuyên gia nước ngoài, cán bộ công đoàn hiểu biết về mô hình tổ chức và hoạt động công đoàn các nước, được giao lưu, học hỏi về giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thương lượng tập thể, toàn cầu hóa và vai trò của công đoàn; về phương pháp đào tạo, an toàn-vệ sinh lao động, công tác nữ công, tài chính, tuyên truyền kết nạp đoàn viên… Phối hợp tổ chức các khóa học cho cán bộ chuyên môn và công đoàn nhằm nâng cao chức năng tham gia quản lý của Công đoàn như: Chương trình “Quản lý Chuyển đổi trong Doanh nghiệp Công nghiệp Việt Nam” cho lãnh đạo doanh nghiệp và chủ tịch CĐCS, chương trình phối hợp với Công đoàn Giấy và In ấn Pháp hỗ trợ “Đào tạo Thạc sỹ và công nhân ngành Giấy tại Pháp”…
- Là công đoàn thành viên của Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất Toàn cầu (IndustriALL), CĐCTVN nhận được nhiều lời mời tham dự các sự kiện do IndustriALL tổ chức trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, do yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, cần tập trung những hoạt động có cùng tính chất ngành nghề nên CĐCTVN chủ yếu tham dự các sự kiện quan trọng như: Đại hội của IndustriALL và các hoạt động trong khu vực đồng thời phối hợp tổ chức hội thảo thường niên chương trình “Phát triển đoàn viên ngành Điện, Điện tử, Tin học, CNTT và truyền thông tại Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2018 với sự tài trợ của IndustriALL và Ủy ban Châu Âu.
IndustriALL cũng tiếp tục chỉ đạo các công đoàn trực thuộc đã và đang có quan hệ với CĐCTVN duy trì các chương trình hợp tác tại Việt Nam; mặt khác,  chỉ đạo các công đoàn thành viên tại Việt Nam tăng cường quan hệ phối hợp dưới sự chỉ đạo và điều phối của TLĐLĐVN.
CĐCTVN tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với công đoàn các nước trong khu vực. CĐCTVN đã đón tiếp các đoàn Lãnh đạo TƯLHCĐ Lào và Ban Chủ nhiệm Chương trình đào tạo giảng viên của TƯLHCĐ Lào sang thăm và làm việc về công tác đào tạo; phối hợp tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ công đoàn kiêm nhiệm làm công tác giảng viên của TƯLHCĐ Lào. Qua đó, khẳng định sẽ tiếp tục góp phần phát huy tinh thần đoàn kết đối với công đoàn bạn theo sự chỉ đạo của TLĐLĐVN. Quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với Công đoàn Thực phẩm, đồ uống và các lĩnh vực liên quan Singapore; Công đoàn Kim khí Nhật Bản; Hàn Quốc Hiệp hội ô tô châu Á…tiếp tục được củng cố và phát triển.
Đoàn đại biểu CĐCTVN tham dự Đại hội lần thứ 57 của JCM
Tăng cường vận động, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế
Thông qua các dự án, chương trình hợp tác với công đoàn các nước và các tổ chức quốc tế. Trong giai đoàn 2010 – 2020, hàng năm, CĐCTVN đã được hỗ trợ kinh phí, thiết bị để tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo, tập huấn với sự tham gia của hàng trăm cán bộ các cấp tham dự, với chi phí hàng trăm triệu đồng. Không chỉ hỗ trợ về kinh phí, các đối tác còn hỗ trợ chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm, giảng dạy theo phương pháp tích cực, sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ giúp học viên dễ dàng tiếp thu, tương tác với giảng viên tích cực, chủ động và sôi nổi. Các lớp tập huấn đã trang bị cho cán bộ công đoàn kiến thức, kỹ năng cơ bản và kinh nghiệm hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, năng lực, nhanh nhạy với tình hình mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Tiêu biểu như chương trình đào tạo cán bộ công đoàn kiêm nhiệm.
Bên cạnh sự giúp đỡ của công đoàn các nước, CĐCTVN đã trao đổi kinh nghiệm và phối hợp với Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào đào tạo giảng viên kiêm nhiệm, giúp đỡ và hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo, thiết bị giảng dạy cho cán bộ công đoàn Lào. Phát động các đơn vị trong ngành và ủng hộ hai công đoàn ngành tại Nhật Bản khắc phục hậu quả đợt động đất, sóng thần năm 2011… 
Hoạt động đối ngoại của CĐCTVN đã góp phần cung cấp thông tin cho bạn bè thế giới về tình hình chống dịch Covid-19 ở Việt Nam, qua đó, thiết lập và thúc đẩy quan hệ quốc tế của CĐCTVN, đồng thời nhận được sự ủng hộ, đào tạo từ phía bạn cũng như nâng cao uy tín của CĐCTVN nói riêng và Công đoàn Việt Nam nói chung. Bên cạnh hỗ trợ kinh phí, thiết bị y tế cho đoàn viên, người lao động của ngành Công Thương và các công đoàn ngành khác trong nước trước đại dịch Covid-19, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã thông qua Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam hỗ trợ 100 thùng khẩu trang y tế, 100 chai nước sát khuẩn cho đoàn viên, người lao động của TƯLHCĐ Lào vào tháng 5/2021.
Triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm
Hàng năm, CĐCTVN xây dựng kế hoạch đoàn ra, đoàn vào, các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong và ngoài nước; đã bám sát kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch được phê duyệt (có báo cáo, bảng thống kê và xây dựng kế hoạch hàng năm). CĐCTVN đã thực hiện được bình quân 95% kế hoạch đoàn vào, đoàn ra. Riêng trong hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện chủ trương, kế hoạch hoạt động đối ngoại tại chỗ, hội thảo, hội nghị quốc tế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 2074/TLĐ ngày 02/06/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; quyết định số 1587/QĐ-TLĐ ngày 11/11/2020 của Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại Công đoàn Việt Nam. Công đoàn Công Thương Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, biện pháp trong công tác đối ngoại như: Tạm dừng các hoạt động đón đoàn vào - cử đoàn ra và tham dự các hội thảo, hội nghị, tập huấn... Chỉ tham dự một số hội nghị, hội thảo dưới dạng trực tuyến khi được sự đồng ý của Ban Đối ngoại TLĐLĐVN. 
Tính riêng trong giai đoạn 2015-2019, CĐCTVN đã tổ chức 57 đoàn ra (144 lượt cán bộ), đón 81 đoàn vào (690 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 69 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử 116 lượt cán bộ tham dự 37 hội nghị, hội thảo ngoài nước, 1.909 cán bộ tham dự 27 hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước. Tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ thông qua các dự án, chương trình, lớp tập huấn của các công đoàn ngành: Kim khí Đức (IG Metall), Mỏ Hóa chất Năng lượng Đức (IG BCE), Kim khí Bỉ, Giấy và In ấn Pháp (FINPAC), Dịch vụ và Khách sạn Nhật Bản (JSD), Kim khí quốc tế IMF… các tổ chức phi Chính phủ như: Tổ chức Viện trợ Hải ngoại Úc (APHEDA), Viện Friedrich Ebert (FES) Đức…
Kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại
Giai đoạn 2010 – 2020, do có sự sắp xếp, kiện toàn tổ chức, nghỉ chế độ, thuyên chuyển công tác đã có 01 lãnh đạo phụ trách công tác đối ngoại nghỉ chế độ; 01 lãnh đạo phụ trách công tác đối ngoại chuyển công tác sang chuyên môn (Bộ Công Thương); 01 cán bộ làm công tác nghỉ chế đội và 03 cán bộ chuyển công tác sang đơn vị mới. CĐCTVN đã luôn triển khai kịp thời công tác kiện toàn tổ chức và hiện tại phân công 01 lãnh đạo phụ trách và 01 cán bộ Văn phòng kiêm nhiệm, triển khai hoạt động đối ngoại. Nhờ có sự quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời của TLĐLĐVN, kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại và cán bộ làm công tác đối ngoại luôn nhiệt tình, trách nhiệm; hàng năm CĐCTVN luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, triển khai đúng, đủ kế hoạch đối ngoại do cấp trên phê duyệt.
Trong giai đoạn 2010 – 2020, CĐCTVN đã cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, hội thảo, hội nghị chuyên đề về công tác đối ngoại do Ban Đối ngoại TƯ Đảng; TLĐLĐVN tổ chức, từ đó đã trang bị cho các cán bộ CĐ, đặc biệt là cán bộ làm công tác đối ngoại có đủ bản lĩnh chính trị, năng lực về chuyên môn và tham gia tốt các hoạt động của các tổ chức quốc tế, với các công đoàn có cùng ngành nghề…Trong quá trình học tập, cán bộ công đoàn các cấp được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về tình hình cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tế của các công đoàn quốc tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức các vấn đề cấp thiết mang tính thời sự đang diễn ra hiện nay như: vấn đề toàn cầu hóa và các thách thức đối với hoạt động công đoàn; cách mạng 4.0 và vấn đề việc làm…
Cũng trong giai đoạn 2010 – 2020, hàng chục cán bộ công đoàn của ngành Công Thương đã được cử đi tham dự các khóa đào tạo chuyên sâu và tham dự nhiều hoạt động tại các chương trình do phía đối tác quốc tế đài thọ (Viện FES; UNI…). Nhờ đó, cán bộ công đoàn làm công tác đối ngoại đã được nâng cao trình độ tiếng Anh và học hỏi nhiều được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động từ công đoàn các nước. 
Những khó khăn, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết 03
Những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện
Việc áp dụng những kinh nghiệm, bài học thực tiễn từ các hội thảo, tập huấn quốc tế vào hoạt động công đoàn của các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Ví dụ: Giảng dạy theo phương pháp tích cực rất hiệu quả với người học nhưng rất khó áp dụng với cơ sở vì điều kiện, thời gian, kinh phí… Một số đơn vị, cá nhân lãnh đạo chưa quan tâm nội dung hoạt động đối ngoại, coi công tác đối ngoại đơn giản chỉ là giao lưu, gặp gỡ hoặc mục đích tận dụng nguồn tài trợ, thậm chí có nơi có lúc cử người tham gia hoạt động đối ngoại như một hình thức để giải quyết chế độ; có nơi lại quan trọng hóa công tác đối ngoại (từ tiếp đón, báo cáo trao đổi kinh nghiệm) trở thành hình thức không đúng với thực tế.
Việc triển khai từng hoạt động cụ thể có lúc còn bị động, công tác chuẩn bị nội dung, sự phối hợp chưa tốt dẫn đến kết quả không cao (ví dụ: cử người tham gia các khóa học, lớp tập huấn không đúng đối tượng). Công tác thông tin đối ngoại và hoạt động nghiên cứu chưa được quan tâm và triển khai thường xuyên. Chất lượng một số chương trình hợp tác chưa sát với thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Vấn đề nhân lực phục vụ công tác đối ngoại vẫn còn nhiều bất cập. Các công đoàn ngành không có bộ máy làm công tác đối ngoại chuyên trách, hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không được tập huấn chuyên sâu, năng lực ngoại ngữ hạn chế; thiếu đầu tư cho hoạt động đối ngoại của công đoàn Ngành.
Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
Qua thực tế hoạt động đối ngoại của CĐCTVN cho thấy còn nhiều nguyên nhân hạn chế, để thực hiện hiệu quả hoạt động quan hệ quốc tế cần có sự thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện, cần được đầu tư cho công tác đối ngoại, có sự phối hợp vào cuộc của các cấp công đoàn trong toàn bộ hệ thống. Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ta cần tập trung một số biện pháp khắc phục sau: 
Trước hết cần xác định công tác đối ngoại là một hoạt động nằm trong tổng thể hoạt động chung của tổ chức công đoàn. Hoạt động đối ngoại xuất phát từ yêu cầu phát triển, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn, gắn kết người lao động trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Công tác đối ngoại công đoàn là bộ phận cấu thành quan trọng của đối ngoại nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Thông qua quan hệ đối ngoại, chủ động tuyên truyền rộng rãi về tổ chức, hoạt động công đoàn Việt Nam nhằm tăng cường sự đồng tình và ủng hộ của người lao động và công đoàn các nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, ngăn chặn và giảm thiểu những nhận thức lệch lạc về Việt Nam.
Chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, đồng thời duy trì phát triển quan hệ sâu rộng với các công đoàn ngành, tổ chức quốc tế ở các nước, các khu vực có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Trong nhiệm kỳ vừa qua CĐCTVN đã thiết lập quan hệ với Công đoàn Công nghiệp Bêlarus, Công đoàn Kim khí Phlenđơ Bỉ, Công đoàn Dịch vụ Pháp… Nâng cao chất lượng tham gia hoạt động tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế những vấn đề liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Chính sự tham gia có hiệu quả từ những hoạt động này, CĐCTVN ngày càng được mời tham gia nhiều hội nghị, diễn đàn do các công đoàn ngành và công đoàn quốc tế khu vực tổ chức.
Chủ động và sử dụng hiệu quả các chương trình phối hợp, nguồn hỗ trợ của công đoàn ngành, tổ chức quốc tế về kiến thức, kinh nghiệm và đào tạo nhân lực. Qua thực hiện các chương trình hợp tác, kinh nghiệm cho thấy nếu tổ chức nghiêm túc, thiết thực, tạo niềm tin của đối tác thì thu được hiệu quả rất tốt. CĐCTVN có nhiều dự án, chương trình kéo dài trong nhiều năm (Chương trình hợp tác về đào tạo với các công đoàn ngành của Đức, chương trình hợp tác về an toàn vệ sinh lao động với Công đoàn và tổ chức APHEDA của Úc, các khóa tập huấn về Thương lượng tập thể, về phát triển đoàn viên với công đoàn cùng ngành nghề Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Singapore…). Các đối tác sau mỗi kỳ hợp tác đã chủ động đề nghị tiếp tục phối hợp thực hiện những chủ đề mới. Ví dụ: Năm 2013 sau khi kết thúc chương trình hợp tác về xây dựng kế hoạch đào tạo, các công đoàn ngành ở Đức và Viện FES (CHLB Đức) đã đề nghị tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực trách nhiệm của công đoàn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động môi trường, Công đoàn Thực phẩm Đồ uống Singapore đề nghị được hỗ trợ các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn về thương lượng tập thể, về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Xây dựng kế hoạch đối ngoại phong phú, đa dạng nhưng phải cụ thể, thiết thực. Hoạt động đối ngoại dù trong một ngành cần phải có sự chỉ đạo thống nhất, có sự phối hợp của các cấp công đoàn. Ở một ngành nhiều nghề, nhiều lĩnh vực như CĐCT VN, ở mỗi chương trình, mỗi hoạt động phải có sự tham gia các công đoàn cấp trên cơ sở, CĐCS cùng ngành nghề. Tổ chức các đoàn ra cần đúng thành phần, lựa chọn cán bộ có trình độ phù hợp tham gia các hoạt động đảm bảo chất lượng và nâng cao vị thế của tổ chức; hạn chế cử cán bộ đi nước ngoài với mục đích giải quyết chế độ. Đặc biệt đoàn ra cần tuân thủ nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Khi chưa có ý kiến của Tổng Liên đoàn không được tự tham gia là thành viên các tổ chức quốc tế, tham gia các hoạt động nhậy cảm về chính trị hoặc phát biểu không đúng đường lối, chính sách của Đảng; tuân thủ đúng lịch trình và thời gian ở nước ngoài đã được phê duyệt. Tiếp đón đoàn vào, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế trên tinh thần tiết kiệm, trọng thị, chu đáo và an toàn tuyệt đối.
Coi trọng việc kiện toàn, củng cố và phát triển bộ máy cán bộ làm công tác đối ngoại, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại. Người làm công tác đối ngoại công đoàn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Công đoàn; có trình độ, thông thạo ngoại ngữ, nhiệt tình, ham học hỏi. CĐCT VN với mạng lưới hoạt động đối ngoại khá nhiều, thời gian vừa qua cùng với việc phân công lãnh đạo phụ trách công tác đối ngoại đã bố trí cán bộ làm công tác đối ngoại, tham gia hấu hết các hoạt động đối ngoại trong nước và ngoài nước. Do vậy đã nâng cao tính chủ động, tham mưu tích cực cho hoạt động đối ngoại của ngành và Tổng Liên đoàn. Bên cạnh đó, cần phát triển mạng lưới cộng tác viên đối ngoại ở các đơn vị trong ngành, ngoài ngành.
Từ thực tiễn, CĐCTVN đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại như sau:
Một là: Luôn nắm vững và thực hiện đúng sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn; xây dựng kế hoạch hàng năm phải bám sát tình hình thực tế; tăng cường sự trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại TLĐLĐVN để triển khai đảm bảo tính chủ động, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của CĐCTVN.
Hai là: Phải chủ động mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với các công đoàn có cùng ngành nghề và các tổ chức công đoàn trong khu vực và quốc tế.
Ba là: Thực hiện tốt vai trò thành viên của các tổ chức quốc tế như tổ chức IndustriALL để tăng cường hiệu quả hợp tác góp phần nâng cao vị thế của CĐCTVN, Công đoàn Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là: Tiếp tục tăng cường công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ về mọi mặt như kinh nghiệm, nguồn lực…của các đối tác, các tổ chức công đoàn quốc tế; đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác. 
Năm là: Luôn quan tâm, tạo điều kiện, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn các cấp để phối hợp, triển khai tốt các hoạt động đối ngoại của CĐCTVN. Chú trọng công tác kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ làm công tác đối ngoại ổn định và tạo điều kiện nâng cao năng lực, trình độ (cả về chuyên môn và chính trị) cho cán bộ công đoàn làm công tác đối ngoại.
Dương Tuấn