banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
5 nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động công đoàn năm 2022
Cập nhật lúc 09:53 ngày 30/11/2021
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải ký văn bản số 470/TB-TLĐ ngày 27/11/2021 thông báo định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm hoạt động Công đoàn năm 2022 với chủ đề "Chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam".
Theo đó, có 5 nhiệm vụ chủ yếu trong hoạt động công đoàn năm 2022. Một là, nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, về khôi phục và phát triển sản xuất, tham gia phát triển thị trường lao động; Thực hiện kết nối kịp thời thông tin về cung - cầu lao động giữa các đơn vị trên cùng một địa bàn, giữa các địa bàn trong cùng một địa phương và giữa các địa phương, giúp người lao động có việc làm và ổn định thu nhập. 
Công đoàn cơ sở tích cực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc đảm bảo an toàn, thích ứng với dịch bệnh COVID-19; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Hai là, tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội công đoàn các cấp, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Triển khai kế hoạch tổ chức đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Ba là, rà soát số lượng đoàn viên, củng cố, kiện toàn công đoàn cơ sở hiện có. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập Công đoàn, nhất là các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và những địa bàn tập trung đông doanh nghiệp.
Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, chú trọng tập huấn về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, kỹ năng đối thoại, thương lượng.
Bốn là, phát động và triển khai các phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình Công đoàn cơ sở, vận động đoàn viên, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Năm là, phát huy vai trò của Công đoàn cơ sở trong đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thông qua hướng dẫn, giám sát việc ký kết hợp đồng lao động, thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023, cũng là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Căn cứ các nội dung định hướng trên, các ban cơ quan Tổng Liên đoàn, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cụ thể hóa để hướng dẫn, định hướng các cấp Công đoàn trực thuộc triển khai thực hiện phù hợp với nhu cầu, tình hình.
(Nguồn: congdoan.vn)