banner2019
 
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Tháng 6 và ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6)
Cập nhật lúc 09:27 ngày 01/06/2014

Tháng 6 lịch sử và ngày 1/6

Những ngày tháng 6 của thập niên 40 thế kỷ 20, lịch sử thế giới và các nước đã ghi lại những cuộc thảm sát đẫm máu, điên cuồng của phát xít Đức đối với người dân ở Tiệp Khắc (cũ) và Pháp. Trong số các nạn nhân bị giết hại, có rất nhiều trẻ em. 

Điển hình, vào 11h đêm ngày 09/6/1942, trong khi mọi người đang ngủ, quân phát xít Đức đã sục vào làng Li-đi-xe ở phía Bắc thu đô Pra-ha (Tiệp Khắc cũ) cướp bóc của cải, đốt phá nhà cửa, bắt dân làng tập trung lại và xả súng bắn giết dã man, sau đó cho vào lò thiêu. Riêng chỉ trong 1 ngày 10/6/1942, chúng đã giết 92 người trong đó có 88 trẻ em. Đúng hai năm sau, ngày 10/6/1944, quân phát xít Hít-le lại gây ra những tội ác mới tại thị trấn Ô-đra-đua bên bờ sông Gơ-la-ni miền Trung nước Pháp: Chúng đẩy người dân vào nhà thờ rồi tưới xăng thiêu chết 1.400 người, trong đó có 200 trẻ em.


Bộ tem kỷ niệm 10 năm vụ thảm sát ở Li-đi-xe do Tiệp Khắc phát hành năm 1952

Tháng 01/1949, với trách nhiệm thiêng liêng, với lòng căm thù sâu sắc trước những tội ác thảm khốc mà quân phát xít Đức gây ra trong những ngày tháng 6 lịch sử đau thương, để thể hiện ý chí và quyết tâm của các bà mẹ, của những người quan tâm tới con trẻ, vì tương lai, hoà bình và hạnh phúc cho con em mình, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Thế giới đã họp tại Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ) và quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm là ngày Quốc tế Thiếu nhi, nhẳm mục đích: yêu cầu Chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách cho giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu nhi; vận động toàn thể phụ nữ, tất cả các bà mẹ trên thế giới nhận rõ trách nhiệm của mình đối với hạnh phúc của con em, phải tích cực hoạt động làm cho mọi người quan tâm đến sức khỏe và công tác giáo dục thiếu nhi, ngăn ngừa tai họa, đe dọa đời sống yên ổn của thiếu nhi.

Kể từ đó đến nay, các tổ chức phụ nữ, thanh niên ở nhiều nước trên thế giới đã lấy ngày 1/6 hàng năm là ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lục gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em.

Việt Nam và ngày Quốc tế Thiếu nhi

Trải qua những năm kháng chiến chống quân xâm lược, từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn luôn dành sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước, cho các em những điều kiện tốt nhất trong học tập, sinh hoạt và đời sống.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên ở nước ta là ngày 01/6/1950. Khi đó, theo phân công của Trung ương Đoàn, Ban Huynh trưởng Thiếu nhi (tổ chức tiền thân của Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đã bí mật tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để tránh bị quân địch phát hiện, ném bom. Lần đầu tiên, sau khi giành được độc lập, một Hội trại Thiếu nhi được tổ chức long trọng, mang ý nghĩa quốc gia ở xã Cao Vân (Đại Từ, Thái Nguyên) với sự tham gia của hàng trăm em thiếu nhi xã Cao Vân, thiếu nhi một số xã lân cận và một đoàn thiếu nhi nghệ thuật khu vực chiến khu Việt Bắc. Suốt 1 ngày trời, các em rất phấn khởi, cảm động khi được vui chơi, hát múa, tham gia các cuộc thi vui. Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dù được tổ chức trong điều kiện thiếu thốn, phải bí mật, nhưng thực sự vui và ý nghĩa, để lại ấn tượng không thể quên đối với những người tham gia.

Bác Hồ với thiếu nhi

Trong lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra rất cam go, ác liệt, vào ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên này Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi Việt Nam. Trong thư Bác viết: "Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến…”, “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng: Đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được sung sướng...". Sau này, vào dịp 1/6 và Tết Trung thu, Bác viết thư, nhắn gửi cho các cháu. Bác căn dặn các cháu thiếu niên, nhi đồng 5 điều: 1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; 2. Học tập tốt, lao động tốt; 3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; 4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt; 5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Đến nay, lớp lớp thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đều ghi nhớ, luyện rèn theo những điều Bác dạy. Lời Bác dạy đã trở thành nội dung giáo dục chủ yếu của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và ở các trường phổ thông trong cả nước.

Bác thường nhắc nhở các tổ chức, cán bộ và mọi người về tầm quan trọng của sự nghiệp “trồng người” để đất nước có một tương lai tươi sáng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Kể từ ngày 1/6 năm đó, ở Việt Nam, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày Tết của thiếu nhi trong cả nước, hòa chung với Ngày Quốc tế Thiếu nhi nhiều nước trên thế giới. Vào dịp này, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, gia đình và xã hội đều tập trung dành sự quan tâm đặc biệt thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội tưng bừng, các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, chăm lo… cho các cháu thiếu nhi - thế hệ măng non, chủ nhân tương lai của đất nước.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Đây là một văn kiện pháp lý quốc tế, trong đó đề cập toàn diện đến các quyền của trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ giúp đỡ đặc biệt. Hành động này của Việt Nam khẳng định sự cam kết của Việt Nam đối với vấn đề về trẻ em trước bè bạn và đối tác quốc tế. Trên thực tế, Nhà nước ta cũng đã ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng, xác định việc chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng là trách nhiệm vẻ vang của toàn dân. Tháng Hành động vì trẻ em ở Việt Nam từ ngày 01/6 đến 30/6 hàng năm. Trong những ngày tháng 6, đặc biệt vào ngày Quốc tế Thiếu nhi, mọi người có thể bắt gặp ở nơi nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn… những nụ cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui, những gương mặt hân hoan của các cháu thiếu niên, nhi đồng ở nhiều lứa tuổi.

Công đoàn Công Thương VN với ngày Quốc tế Thiếu nhi và Tháng hành động vì Trẻ em năm 2014

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng; triển khai chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam, cuối tháng 5/2014, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã có văn bản số 265/NC-CĐCT hướng dẫn các đơn vị trong Ngành triển khai công tác trong Tháng hành động vì Trẻ em và các hoạt động kỷ niệm khác (Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, các ngày về Dân số) năm 2014.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Theo đó, chủ đề của Tháng hành động vì Trẻ em năm 2014 là “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”cùng 14 khẩu hiệu tuyên truyền trong Tháng này vừa ý nghĩa, vừa cụ thể, đó là: “Trẻ em có quyền được sống an toàn để phát triển”, “Bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em là vi phạm pháp luật”, “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”, “Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên”, “Hãy gọi 18001567 khi thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột”, “Duy trì mức sinh thấp hợp lý - vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh hai con và nuôi dạy con tốt”, “Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”, “Sử dụng phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội - Chìa khóa hạnh phúc của  mọi gia đình”, “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân vì tương lai hạnh phúc của tuổi trẻ”, “Hãy kết hôn đúng tuổi quy định của pháp luật về sức khỏe hạnh phúc của tuổi trẻ”, “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng giống nòi”, “Đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh để góp phần thực hiện bình đẳng giới”, “Không lựa chọn giới tính thai nhi để đảm bảo cân bằng giới tính trong tương lai”.

Nội dung hoạt động chủ yếu của các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam trong Tháng hành động vì Trẻ em năm 2014 tập trung vào việc: Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, về vấn đề gia đình và công tác Dân số sức khỏe sinh sản để tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, của các cấp Công đoàn đối với các công tác này; Phối hợp cùng chính quyền, chuyên môn đồng cấp và cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trại hè, khen thưởng con CNVCLĐ có thành tích trong học tập; tặng quà, trao học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham mưu xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em, công tác phòng chống tai nạn thương tích cho con CNLĐ; Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động CNVCLĐ về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình Việt Nam theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực của gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tiêu chí “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; Truyền thông sâu rộng hơn nữa về công tác Dân số, sức khỏe sinh sản trong CNVCLĐ nhằm ổn định mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số; Tổ chức trao đổi kinh nghiệm về kiến thức chăm sóc, giáo dục con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình, biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu; Phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết, ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực gia đình, hành vi xâm hại trẻ em tại địa phương, đơn vị; Tham gia kiểm tra, giám sát, sơ kết đánh giá việc thực hiện những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - Gia đình - Trẻ em tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; Lập danh sách các cháu con cán bộ CNVCLĐ của đơn vị đạt giải Quốc gia, Quốc tế trong các kỳ thi học sinh giỏi để Công đoàn Công Thương Việt Nam khen thưởng.

Như vậy, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi và trong Tháng hành động vì Trẻ em năm nay, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp,  tùy theo đặc điểm, điều kiện thực tế của từng đơn vị, Công đoàn Công Thương Việt Nam và Công đoàn các đơn vị trong ngành phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, chủ động tổ chức, triển khai hiệu quả, thiết thực các hoạt động vì trẻ em và các công tác liên quan để con em CNVCLĐ trong Ngành nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung có thêm một ngày Tết Thiếu nhi đầy ắp những niềm vui, ấm áp, hạnh phúc; tiếp tục được đón nhận những điều ý nghĩa, tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống của các em - Đó chính là kết quả từ trách nhiệm, tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc, nâng niu và bảo vệ của Công đoàn Công Thương Việt Nam, của các cấp công đoàn trong ngành và của CNVCLĐ ngành Công Thương.

   Thu Trang (tổng hợp)