banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Quốc hội giao mức GDP năm 2022 vào khoảng 6-6,5%
Cập nhật lúc 04:04 ngày 16/11/2021
Quốc hội yêu cầu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 khoảng 6-6,5%; kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Với 472/472 đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 vào chiều 12/11.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; Tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng yêu cầu cần: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đất nước; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nghị quyết đưa ra 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đó là:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%
2. GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD
3. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 04%
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%
6. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%
7. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%
8. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 04%
9. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 01-1,5%
10. Số bác sĩ trên 01 vạn dân đạt 9,4 bác sĩ
11. Số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 29,5 giường bệnh
12. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số
13. Tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%
14. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89%
15. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 91%
Theo Nghị quyết, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số; Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Trong chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết xác định 7 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Trong đó, có một số chỉ tiêu như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm; nâng cao tỉ trọng đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45% GDP. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP.
Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Nghị quyết cũng đưa ra chỉ tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh mục tiêu về số lượng doanh nghiệp, tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ đang xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên việc xác định chính xác mức bội chi ngay tại nghị quyết này là chưa khả thi.
An Châu (nguồn: moit.gov.vn)