banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Hồ sơ, thủ tục cần chuẩn bị để nhận tiền từ gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng
Cập nhật lúc 01:37 ngày 09/07/2021
Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg nhằm hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục để người lao động và người sử dụng lao động nhận hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP.
Với lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, trường dân lập, tư thục, các cấp phải tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không lương vì thực hiện biện pháp phòng dịch; lao động phải ngừng việc 14 ngày trở lên do cách ly y tế, trong vùng phong tỏa; lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi thuộc hai nhóm trên thì thời gian giải quyết là 6 ngày.
Chủ cơ sở cần lập danh sách người lao động kèm bản sao tạm hoãn hợp đồng; bản sao văn bản tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền; bản sao công chứng kèm bản gốc (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ tương ứng với nhóm thụ hưởng (xác nhận của cơ quan y tế người lao động đang mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con...).
Danh sách sau đó chuyển cơ quan BHXH xác nhận trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận hồ sơ để trình UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt và trích kinh phí. Nếu không hỗ trợ, tỉnh phải nêu rõ lý do và thông báo bằng văn bản. Riêng nhóm lao động phải ngừng việc 14 ngày trở lên do cách ly y tế, trong vùng phong tỏa, chủ doanh nghiệp khi nhận tiền có thêm 2 ngày để chi trả đến tay người lao động.
Chính phủ hướng dẫn, chính sách chi trả tiền mặt một lần 3,71 triệu đồng áp dụng cho lao động phải nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, người đó đóng BHXH tháng liền kề trước khi nghỉ việc, tính từ ngày 1/5 đến hết năm nay; không áp dụng cho người đơn phương nghỉ việc không đúng quy định và người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.
Người lao động cần làm đơn đề nghị theo mẫu, kèm bản sao công chứng hoặc mang theo bản chính (để đối chiếu) hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc. Người đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi cần có giấy xác nhận mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con nuôi.
Hồ sơ nộp cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động nghỉ việc. Cơ quan này sẽ tổng hợp danh sách nộp lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội để trình cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Tối đa 5 ngày, các cấp phải giải quyết xong để tiền đến tay người lao động.
Nhóm lao động bị ngừng việc hoặc thuộc đối tượng phải cách ly y tế, sống trong khu vực bị phong tỏa 14 ngày trở lên, từ 1.5 đến 31.12.
Những người này sẽ nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người theo phương thức chi trả một lần. Ngoài ra, người đang mang thai được thêm 1 triệu đồng/người, lao động đang nuôi trẻ dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ.
Hồ sơ đề nghị gồm: Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống dịch Covid-19; danh sách lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu thông tin về việc mang thai hoặc nuôi con nhỏ...
Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người sử dụng lao động gửi hồ sơ lên UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định và trình UBND cấp tỉnh.
2 ngày sau, UBND cấp tỉnh cần ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ, người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động.
Như vậy, tính từ thời điểm gửi hồ sơ phê duyệt, người lao động mất tối đa 8 ngày để nhận được tiền hỗ trợ.
Minh Phương (nguồn: laodong.vn)