banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hoạt động công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
Cập nhật lúc 10:11 ngày 22/05/2014

Sau 5 năm gia nhập WTO nhiều vấn đề được được đặt ra đối với tổ chức công đoàn, đặc biệt năm 2014 khi Việt Nam đang nỗ lực đàm phán để ký 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vấn đề cấp thiết nhất là phải nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người lao động và đoàn viên công đoàn.

Đổi mới hoạt động công đoàn thực chất là tìm ra nội dung mới, cách tổ chức mới làm sao cho phù hợp, không nặng nề, rườm rà mà phải phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị cơ sở, các nội dung hoạt động phải thiết thực, gắn với sản xuất, đem lại lợi ích không chỉ cho người lao động mà còn phải đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội.

Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn phải đi đôi với đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức của toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn chúng ta với tinh thần chủ động, hiểu rõ thời cơ, thách thức, tận dụng khai thác cơ hội, lường trước và xử lý những khó khăn, thách thức; với tinh thần đổi mới nghiêm túc để xác định phương hướng, để quyết định đổi mới từ đâu, cái gì nên đổi mới, cái gì nên bổ sung, cái gì cần phân tích, nhận thức lại cho đúng, cho phù hợp với giai đoạn mới; tránh nóng vội sa vào phủ định, đổi mới bất cứ cái gì, đổi mới một cách đơn giản, hình thức và thô thiển. Có như vậy, tổ chức Công đoàn Việt Nam mới thực sự lớn mạnh, mới trở thành người bạn đồng hành thân thiết của người lao động, được người lao động tin tưởng giao phó trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ.  

Với xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu, bên cạnh những tác động tích cực sẽ có những rào cản ở thị trường các nước có FTA với Việt Nam, như các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, hay các biện pháp phòng vệ thương mại ở một số nước ASEAN với mặt hàng thép, da giày của Việt Nam thời gian gần đây. Theo dự báo, tới đây các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các nguy cơ gia tăng các vụ kiện về thương mại, các hàng rào kỹ thuật thương mại với những tiêu chuẩn cao vượt quá sức của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản; người lao động sẽ bị mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống gia đình, an ninh xã hội. Từ thực tế đó, hoạt động công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi mỗi cấp, mỗi cán bộ công đoàn phải thực sự năng động, mềm dẻo, linh hoạt khi áp dụng các phương pháp hoạt động khác nhau cho từng nội dung và đối tượng khác nhau.

Công đoàn Việt Nam luôn được xác định có ba chức năng cơ bản, trong đó chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động là chức năng hàng đầu. Trong định hướng hoạt đông, Công đoàn Việt Nam đã xác định nhiệm vụ trung tâm, hàng đầu là “Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động”. Xuất phát từ nhận thức trên và để thực hiện tốt chức năng này, mỗi cán bộ công đoàn cần phải thực hiện được:

- Bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân lao động là phải bảo vệ ngay từ lúc các cơ quan chức năng Nhà nước xây dựng các chính sách, chế độ, các luật có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của công nhân lao động.

- Bảo vệ quyền lợi công nhân lao động, các cấp công đoàn, chủ yếu là CĐCS phải quan tâm đến người lao động ngay từ khi họ mới đến làm việc cho đến lúc hết hạn hợp đồng. Công đoàn với tư cách là người đại diện phải hướng dẫn để họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ ghi trong hợp đồng lao động, để họ nắm được các điều, các mục đã ghi trong hợp đồng, để họ ý thức được với khả năng, tay nghề của họ thì những điều khoản ấy có thoả đáng hay không; những quyền lợi họ được hưởng với những trách nhiệm họ được giao có phù hợp không. Cán bộ CĐCS phải hết sức lưu tâm hướng dẫn họ, chỉ cho họ thấy những điều chưa phù hợp, không đầy đủ, không thoả đáng trong hợp đồng để họ cân nhắc, để giúp họ bàn bạc với chủ doanh nghiệp trước khi ký.

- Bảo vệ quyền lợi người lao động còn là sự bảo vệ trong quá trình lao động sản xuất, kinh doanh. Cán bộ CĐCS cần quan tâm đến điều kiện làm việc của công nhân lao động bởi đây là yếu tố quyết định đến năng suất lao động, sức khoẻ và tuổi thọ của người lao động.

- Bảo vệ quyền lợi người lao động còn thể hiện khi có xảy ra tranh chấp về lao động, về tiền lương, khen thưởng và kỷ luật… lúc này, cán bộ công đoàn cần phải lắng nghe người lao động, phải biết cách gợi ý để họ có thể trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ nhất những điều đã xảy ra với họ, những kiến nghị của họ để nắm rõ sự việc và phân tích để thấy được phần đúng, phần sai. Cần ghi chép đầy đủ và hẹn trả lời họ về kết quả những điều họ khiếu nại. Khi làm việc với chủ doanh nghiệp, để giải quyết những vướng mắc của người lao động, cán bộ công đoàn không nên coi họ là đối thủ phải tấn công, phải thắng bằng mọi giá. Lời lẽ, thái độ phải chân thành, hợp tình, hợp lý. Chúng ta nên biết rằng, chủ doanh nghiệp không phải ai cũng bảo thủ, cố bảo vệ những quyết định chưa phù hợp hoặc hoàn toàn sai trái. Cho nên, nếu cán bộ công đoàn biết cách chỉ ra cụ thể những điều chưa hợp lý, chưa đúng trong quyết định của chủ doanh nghiệp thì chắc chắn rằng họ sẽ nhận ra và sửa đổi quyết định. Tuy nhiên, để có câu trả lời thoả mãn người lao động quả thật không dễ bởi công đoàn với quyền của mình được ghi trong Hiến pháp, trong Luật Công đoàn, Luật Lao động là lớn và tương đối đầy đủ, nhưng những quyền đó mới chỉ là quyền kiến nghị, quyền tham gia. Cho nên, để có câu trả lời đầy trách nhiệm và tình người thì cán bộ CĐCS phải bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức, tuỳ theo nội dung và tính phức tạp của sự việc mà chọn giải pháp giải quyết nhanh nhất, thích hợp nhất.

- Bảo vệ quyền lợi người lao động không chỉ trong khi họ còn được làm việc, không chỉ cho riêng họ mà còn thể hiện sự chăm lo cho họ khi họ bị thất nghiệp, hoặc gia đình gặp khó khăn.

- Bảo vệ quyền lợi người lao động không chỉ trên lĩnh vực việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội mà cả trên lĩnh vực tư tưởng, tình cảm và đời sống tinh thần của người lao động.  

Đổi mới phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Để các phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực, cần xuất phát từ đặc điểm của từng loại hình cơ sở, từng thành phần kinh tế để đề ra các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức cho cụ thể, phù hợp. Trước đây, công đoàn thường tổ chức thi đua theo một công thức cứng nhắc từ trên xuống dưới, cho nên người lao động thấy nặng nề, hình thức, chủ doanh nghiệp chẳng mấy mặn mà. Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thi đua là để làm ra của cải vật chất, để rèn luyện đội ngũ công nhân lao động và cán bộ công đoàn nên thi đua phải thực chất, phải đem lại hiệu quả cụ thể. Cán bộ CĐCS có thể phát động công nhân lao động thi đua ở một số mặt như: Giữ gìn vệ sinh an toàn lao động, chấp hành tốt kỷ luật lao động và quy trình sản xuất; rèn luyện tay nghề để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, suy nghĩ để đề xuất cải tiến mẫu mã hàng hoá ngày càng đẹp hơn, thao tác ngày càng hợp lý hơn để đạt năng suất cao hơn. Với các nội dung thi đua đó, chắc chắn sẽ được chủ doanh nghiệp ủng hộ vì nó chỉ có lợi mà hoàn toàn không có hại cho doanh nghiệp.

Chúng ta đã bước vào một sân chơi mới, một sân chơi toàn cầu, bình đẳng và sòng phẳng. Con thuyền của dân tộc Việt Nam đã căng buồm ra biển lớn. Trên sân chơi ấy, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện và khẳng định chức năng, khẳng định vị thế của mình, đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức mới. Những thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế đang đòi hỏi tổ chức công đoàn nói chung và mỗi cán bộ công đoàn nói riêng phải đổi mới nhận thức, nỗ lực sáng tạo trong nội dung và phương pháp hoạt động, luôn bám sát người lao động để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của họ, để thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Có làm được như vậy thì người lao động mới thiết tha, gắn bó với công đoàn, công đoàn mới lớn mạnh và sống trong lòng quần chúng lao động.

Hồ Giao