banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cùng ôn lại lịch sử của Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) và Ngày Khởi nghĩ Hai Bà Trưng
Cập nhật lúc 10:46 ngày 08/03/2021
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đã định hình một cách mạnh mẽ. Nền công nghiệp phát triển, đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lao động của phụ nữ và trẻ em, trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định, cốt sao thu được nhiều sản phẩm và lợi nhuận. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, chị em công nhân vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc bọn chủ tư bản phải đi đến nhượng bộ.
Buổi biểu tình lịch sử ngày quốc tế phụ nữ 8 tháng 3 năm 1899 (ảnh: tư liệu)
Cuộc đấu tranh của nữ công nhân ở Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ và có sức lan tỏa đến phong trào phụ nữ lao động trên toàn thế giới, đặc biệt phụ nữ ở Đức, một nước có nền công nghiệp tiên tiến và phong trào công nhân phát triển lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nhà lý luận Marxist và cũng là hai nữ chiến sỹ lỗi lạc đấu tranh cho nữ quyền, đó là bà Clara Zetkin (người Đức) và bà Rosa Luxemburg (người Đức gốc Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ, cũng như sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ, năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ lãnh tụ Lênin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế" và bà Clara Zetkin được bầu làm Bí thư. Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Copenhagen (Thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày "Quốc tế phụ nữ", với mục đích là ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu rất cụ thể và thiết thực: 1. Ngày làm việc 8 giờ; 2. Việc làm ngang nhau; 3. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh và sức mạnh đoàn kết, tập hợp lực lượng của phụ nữ khắp nơi trên thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em toàn cầu.

Ở Việt Nam, ngày 8/3 hằng năm còn là dịp kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt.
Vào Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa với lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Nàn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiên (Hà Bắc). Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi với lực lượng ngày càng lớn mạnh. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, nghĩa quân đã đập tan chính quyền đô hộ. Tướng giặc Tô Định phải cải trang bằng cách cắt tóc, cạo râu tìm đường bí mật tẩu thoát về nước. Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương và đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh - thành phố Hà Nội ngày nay). Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần này chỉ kéo dài được 2 năm do thế và lực của ta và địch chênh lệch quá lớn. Hai Bà đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng để giữ tròn khí tiết của mình, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng phi thường của người Phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Hàng năm, vào ngày 6/2 âm lịch là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng. Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội - quê hương của Hai Bà.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đã có biết bao tấm gương nữ anh hùng, liệt sĩ, những người mẹ, người chị đã lập nên những chiến công lẫy lừng, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc và truyền thống vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam. Cảm kích trước sự kiên cường, dũng cảm của Phụ nữ Việt Nam khi tham gia vào 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Bác Hồ đã ngợi ca “phụ nữ ta chẳng tầm thường, đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời”. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” và được gìn giữ, phát triển qua các thế hệ Phụ nữ Việt Nam.
Liên Hương tổng hợp