banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10 nhóm sự kiện, hoạt động tiêu biểu, nổi bật Ngành Công Thương năm 2020
Cập nhật lúc 10:41 ngày 04/01/2021
Năm 2020, tình hình kinh tế khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ đạo điều hành quyết liệt, bình tĩnh, kịp thời của Chính phủ, cả nước ta đã vượt qua thách thức, khó khăn và đạt được những kết quả hết sức to lớn, ghi nhận là năm thành công nhất trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Năm 2020 cũng ghi nhận là năm tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn của ngành Công Thương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020 và có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Trong đó có những điểm sáng đáng ghi nhận trong nỗ lực chung của toàn Ngành, điển hình là:
1. Bứt phá trong công tác hội nhập: Nhiều sáng kiến của ngành Công Thương trong Năm Chủ tịch ASEAN đã được triển khai có hiệu quả; Ký kết, đàm phán và triển khai thành công các Hiệp định thương mại (FTA) quan trọng
Hội nhập Quốc tế là một điểm nhấn quan trọng của ngành Công Thương trong năm 2020. Chưa bao giờ, trong vòng một năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục, các Hiệp định thương mại với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết và thực thi bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực. Riêng đối với 2 Hiệp định đã có hiệu lực là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện. Mục tiêu đặt ra là không chỉ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và công chúng nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức.
5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%. Còn đối với EVFTA, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực tính đến hết ngày 18 tháng 12 năm 2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất khả quan.
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Bộ Công Thương đã chủ trì, đề xuất, xây dựng 13 sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế và được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao. Các sáng kiến này giúp tăng cường tính liên kết trong nội khối, tái cấu trúc các chuỗi cung ứng trong khu vực theo hướng bền vững.
Đặc biệt trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm đồng thời hết sức nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý nội dung của Hiệp định. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước cho việc ký kết Hiệp định RCEP cũng như tổ chức thành công Lễ ký kết của Hiệp định vào tháng 11 năm 2020.
Việc ký kết Hiệp định RCEP - Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.
Như vậy, có thể nói, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác đàm phán, ký kết các FTA tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, năm 2020 là năm hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực, chính thức ký kết Hiệp định RCEP. Đặc biệt là tối 29/12/2020 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA tối 29/12/2020). UKVFTA cùng với các Hiệp định khác sẽ tiếp tục góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Vương Quốc Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu. Sau 6 năm số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch).
Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, với khoảng 400 dự án đang triển khai được đầu tư hơn 3,6 tỉ USD tính đến tháng 8 năm 2020. Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng mang lại các dòng vốn đầu tư mới, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và có thêm nhiều giao dịch từ Anh tới Việt Nam.
2. Xuất khẩu vượt khó bất chấp đại dịch, duy trì tăng trưởng dương; Xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam.
Thương mại toàn cầu - gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng và dòng vốn FDI toàn cầu cũng đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Mức cầu trên thị trường thế giới tiếp tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Chỉ số tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm nay đã giảm kỷ lục còn 87,6 điểm, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được WTO đưa ra vào tháng 7/2016.
Việt Nam với độ mở cửa nền kinh tế là 200% GDP, được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Vì vậy, nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm trước tác động của đại dịch Covid-19, đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ đầu quý II/2020.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Khi dịch Covid-19 mới khởi phát ở Trung Quốc, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất Bộ Y tế xây dựng quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên rà soát, bám sát thực tiễn, thông qua các kênh ngoại giao, thương vụ… để liên hệ mở rộng thị trường, tìm kiếm, đa dạng hóa nguồn cung linh phụ kiện để đảm bảo cho sản xuất trong nước, tăng trưởng xuất khẩu. Chính vì thế năm 2020 qua đi với vô vàn khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí có những thời điểm nền kinh tế đối mặt với nguy hiểm chưa từng có, nhưng, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu đáng kích lệ.
Kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại toàn cầu, xuất siêu tiếp tục được duy trì. Theo số liệu ước liên Bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước.
Việc phục hồi hoạt động sản xuất sớm đã mang lại lợi thế cho Việt Nam trong việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách đến công tác tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp.
Trong năm 2020, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 31 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu tăng khá đến từ sự tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu mới, bù đắp cho sụt giảm của các mặt hàng truyền thống, có thể kể đến như: mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và phụ tùng (ước đạt 2,89 tỷ USD, tăng 48,7% so với năm 2019); sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 47,6%),… Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng mạnh còn gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác ước đạt 26,74 tỷ USD, tăng 46,1%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,7%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 44,3 tỷ USD, tăng 23,2%.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.
Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19, với việc thành công trong chống dịch, tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam chính là điểm sáng trên toàn thế giới.
3. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, được triển khai toàn diện, góp phần bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.
Năm 2020, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao nhất với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019. Bộ Công Thương đã nỗ lực xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ đó, cho tới nay, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Ca-na-đa....
Năm 2020, công tác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng đẩy mạnh, góp phần bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Các công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng phù hợp cam kết quốc tế đã mang lại những hiệu quả nhất định như: Giúp giảm áp lực từ sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu; giúp doanh nghiệp giảm thiểu, khắc phục thiệt hại gây ra do sự gia tăng đột biến/cạnh tranh không bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu; bảo vệ, phát triển các ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng nhập khẩu; ngăn chặn nguy cơ cản trở việc hình thành một ngành sản xuất mới trước áp lực gia tăng đột biến/cạnh tranh bất bình đẳng của hàng hóa nhập khẩu... 
4. Công tác quản lý thị trường có nhiều đột phá sau khi tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát thị trường, phát hiện triệt phá nhiều vụ vi phạm lớn.
Sau 2 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại. Đặc biệt, QLTT đã có những bứt phá nghiệp vụ khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được, thậm chí còn đặt chân đến những địa điểm trước đó chưa một lần đến kiểm tra.
Năm 2020 là năm đặc biệt đối với lực lượng QLTT khi những tháng đầu năm 100% quân số tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc niêm yết giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 quay trở lại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường cũng nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu các Cục QLTT địa phương chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế... Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt tại các địa phương đang có dịch. Với những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Tổng cục QLTT đã được Chính phủ, Bộ Công Thương và người dân, dư luận ghi nhận, đánh giá cao.
Không chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, lực lượng QLTT vẫn tập trung công tác chuyên môn, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, việc tổ chức tấn công, triệt phá các đường dây, ổ nhóm lớn, nổi cộm của Tổng cục đã được ghi nhận, đánh giá cao như: xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai (vụ việc này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi thư biểu dương, động viên lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng)…; kiểm tra, xử lý 2 trung tâm thương mại bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Móng Cái - Quảng Ninh, trung tâm thương mại Sài Gòn Square, chợ Bến Thành, chợ Ninh Hiệp, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội... Những vụ việc lớn cho thấy lực lượng QLTT đã khắc phục được điểm yếu cốt tử - sự chia cắt theo địa bàn; tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.
5. Công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn được duy trì và khởi sắc, đạt mức tăng trưởng dương. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Bước sang năm 2020, ngành công nghiệp Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, dự kiến IIP cả năm tăng khoảng 4%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp bình quân tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (7,3%).
Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào thực chất hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành.  Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển tích cực phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, các ngành công nghiệp chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội (bình quần mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm), nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020.
Cũng trong năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, tạo ra những động lực mới cho quá trình phát triển công nghiệp, đồng thời tạo cơ sở để các cơ quan Trung ương và địa phương thống nhất hoàn thiện và triển khai hiệu quả các chính sách công nghiệp hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.
6. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đạt kết quả tích cực: Dòng khí thương mại đầu tiên đã “cập bờ” từ mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt; Phát hiện dầu khí trữ lượng lớn tại mỏ Kèn Bầu.
Ngày 16/11, dòng khí đầu tiên từ mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đã 'cập bờ'. Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí, 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo cấp khí cho sản xuất điện.
Tháng 7 năm 2020, giếng thẩm lượng 114-Ken Bau-2X đã được hoàn thành ở độ sâu 3.690 mMD với phát hiện dầu khí trữ lượng rất lớn tại mỏ khí Kèn Bầu (ước tính sơ bộ từ 7- 9 nghìn tỉ feet khối khí tự nhiên, tương đương khoảng 200 - 250 tỷ m3, bao gồm cả khí trơ), góp phần hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2020. Với phát hiện này, dự kiến mỏ khí Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác trong giai đoạn năm 2025 - 2030, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia. Đây cũng là tiền đề cực kỳ quan trọng cho các hoạt động tìm kiếm thăm dò cũng như phát triển khai thác tiếp theo tại lô 114 và các khu vực lân cận, góp phần phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện khí, các sản phẩm từ khí tại khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế và miền Trung.
7. Thị trường trong nước được củng cố và giữ vững, là điểm tựa vững chắc cho các lĩnh vực sản xuất vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.
Năm 2020, ghi nhận nỗ lực của ngành Công Thương trong vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh để giữ vững và ổn định thị trường trong nước. Ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã sớm nhận định tình hình, chủ động theo sát, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các kịch bản ứng phó với các cấp độ diễn biến của dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ "chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ" và 3 sẵn sàng "chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương” nên đã thực hiện được mục tiêu bình ổn thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân trong mọi tình huống, đặc biệt khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhiều sáng kiến thúc đẩy thị trường đã được triển khai, hàng loạt các chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại nội địa, khuyến mãi tập trung với các hoạt động nổi bật đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, nhờ đó sức mua trên thị trường đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng (tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2020 đã đạt mức tăng trưởng 2,62%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 6,78%). Cùng với đó, Bộ cũng chủ động, quyết liệt triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, kịp thời đề xuất và kiến nghị các giải pháp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Những kết quả trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề và điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, tiếp tục tăng trưởng và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế vĩ mô của cả nước.
8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại (XTTM), thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp (hybrid), giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận từ xa các đối tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch.
Dưới tác động của dịch Covid 19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết hoạt động xúc tiến tương mại truyền thống theo kế hoạch bị hủy hoặc hoãn. Dịch bệnh đã buộc các quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới và cũng là những thị trường xuất khẩu chính và quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... phải triển khai hàng loạt biện pháp mạnh để hạn chế virus lây lan như siết chặt xuất, nhập cảnh, hủy hoặc hoãn các sự kiện có sự tham dự đông người dẫn đến việc nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã không thể triển khai trong năm 2020 như kế hoạch đề ra.
Trước những khó khăn chung của cả nền kinh tế và khó khăn riêng trong việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống, Bộ Công Thương đã đã nhanh chóng và chủ động đổi mới hoạt động XTTM theo hướng triển khai các hình thức XTTM mới trên môi trường số để thay thế các hình thức XTTM truyền thống.
Bộ Công Thương đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo sự kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM trong nước, doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại, xuất khấu, tổng hợp dữ liệu về thông tin mặt hàng xuất khẩu cung cấp cho các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu từ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp cho hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp. Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.
Trong bối cảnh không thể thực hiện được các hoạt động kết nối giao thương trực tiếp với nước ngoài, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, các cơ quan XTTM nước ngoài và tổ chức trên 500 (năm trăm) hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến. Các phiên giao thương này được tổ chức với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore... và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa như châu Phi, Úc, Mecosur... 
Đặc biệt, tháng 12/2020, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức hội chợ Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến (Vietnam Food Expo hàng năm được tổ chức trực tiếp) và tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng chục hội chợ quốc tế trực tuyến. 
Các hoạt động XTTM trực tuyến đã giúp kết nối các nhà cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vừa tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, vừa tiếp cận với tổ chức nhập khẩu nước ngoài, các đầu mối mua hàng tại Việt Nam của các hệ thống phân phối lớn trên thế giới mà không phải ra nước ngoài qua đó góp phần hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân đồng thời thu hút đầu tư vào chế biến, sản xất nông sản tại địa phương. Bên cạnh đó, đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí kết nối giao thương, duy trì quan hệ khách hàng với các đối tác nước ngoài đồng thời tiếp xúc với khách hàng mới trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động XTTM trên thực tế ở nước ngoài; không chỉ tiến tới đàm phán đơn hàng xuất khẩu mà còn tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh hoạt động XTTM trực tiếp ngay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Theo thống kê sơ bộ, hàng triệu lượt doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã được hỗ trợ kết nối giao thương trực tuyến thông qua hình thức này. Trong đó, có các hội nghị kết nối chuyên đề quan trọng trong các lĩnh vực như Dệt may, Da giày, Rau quả, đồ Gỗ và Thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng tham gia giao thương đa dạng phục vụ nhu cầu xuất khẩu (sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...) cũng như nhu cầu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước.
Song song với hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, Ngành và địa phương trên cả nước tổ chức hàng ngàn phiên kết nối cung – cầu với sự lồng ghép giữa chương trình XTTM quốc gia, chương trình khuyến công, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình phát triển thương mại miền núi biên giới hải đảo, OCOOP giúp tiêu thụ sản phẩm, nông sản trên khắp cả nước khi vào vụ, không để xảy ra tình trạng “giải cứu” như mọi năm.
Nhằm đổi mới các hình thức XTTM, nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang xây dựng 1 số nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản vào XTTM như Cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về XTTM (CRM): chứa dữ liệu về xuất nhập khẩu của Việt Nam và thế giới, CSDL của các tổ chức XTTM quốc tế, CSDL các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, CSDL về các thị trường mục tiêu; xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com), hỗ trợ xúc tiến thương mại cho nông sản qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như đạt các điều kiện cần và đủ khi mở rộng thị trường xuất khẩu dự kiến đưa vào sử dụng trong quý II/2021; Xây dựng nền tảng về Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ), đây là một nền tảng ứng dụng (App) tích hợp các dịch vụ xúc tiến thương mại.
9. Thương mại điện tử chuyển mình, phát huy hiệu quả, tạo xung lực mới cho tăng trưởng
Năm 2020, trong khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hoạt động chiến lược chủ chốt của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, giúp doanh nghiệp phát triển các kênh phân phối mới an toàn, hiệu quả, do vậy lĩnh vực thương mại điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ ngay sau khi hàng hóa biên giới được thông thương thuận lợi trở lại.  
Các nền tảng phục vụ cho TMĐT như Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay, Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store, Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday, Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn TMĐT lớn... được khai thác hiệu quả, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho TMĐT của Việt Nam phát triển.
Đặc biệt, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa TMĐT vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới. Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN, cũng đã chính thức đề xuất và tổ chức thành công sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2020, và được đưa vào lịch trình tổ chức thường niên vào ngày 8 tháng 8 hàng năm.
10. Công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử không ngừng được đổi mới, hành động quyết liệt, thực chất và đi vào chiều sâu.
Cùng với chỉ số tiếp cận điện năng tăng hạng vượt bậc, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành là điểm sáng của Bộ Công Thương trong năm 2020.
Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung, cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính nói riêng luôn được Lãnh đạo Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, TTHC được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục là Bộ tiên phong hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cho giai đoạn này với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, theo đó cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Và chỉ sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện (chiếm 70%). Đến thời điểm hiện tại, số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư”.
Tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; Hiện nay, Cổng Dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 220 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (trong đó có 159 DVCTT mức độ 3, 61 DVCTT mức độ 4). Đã có 36.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng Dịch vụ công của Bộ. Tổng số hồ sơ DVCTT trung bình đạt 1.000.000 hồ sơ/năm trong giai đoạn 2016-2020 và tăng dần theo các năm, riêng trong năm 2020 là 1.460.459 hồ sơ, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.
Điều này một lần nữa khẳng định, Bộ Công Thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tại Bộ Công Thương, công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao, gắn liền với trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị và các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách, với phương châm: Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác CCHC của mình, song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị (PAKN) của người dân, doanh nghiệp để việc đơn giản hóa các thủ tục đầu tư kinh doanh có chiều sâu và thực chất.
Hằng năm, Bộ Công Thương thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các TTHC, để xây dựng, ban hành Phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC và đảm bảo khả năng thực thi của các TTHC được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa. Bộ cũng thường xuyên duy trì tổ chức nhiều Diễn đàn, Hội nghị, Tọa đàm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, TTHC ngành Công Thương nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về các TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
(Nguồn: moit.gov.vn)