banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Hội thảo Hướng tới sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững
Cập nhật lúc 03:39 ngày 26/11/2020
Những chiến lược và chính sách quốc gia về sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và mục tiêu giảm phát thải CO2 đã và đang có những tác động lớn đến sản xuất và kinh doanh của các ngành công nghiệp, bao gồm ngành sản xuất năng lượng và ngành sử dụng năng lượng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời chuyển dịch mô hình năng lượng hiện nay sang mô hình năng lượng xanh - sạch, vừa qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Việt Nam và các Chuyên gia Viện Nghiên cứu châu Á (AIT VN) đã tổ chức Hội thảo “Hướng tới sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững”.
Toàn cảnh Hội thảo “Hướng tới sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững 2020”
Việc cắt giảm dần điện năng cung cấp từ các nhà máy nhiệt điện than truyền thống và chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sẽ giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam, đồng thời giúp thúc đẩy quyền của đoàn viên, người lao động trong lĩnh vực năng lượng sạch đang ngày càng phát triển. Vấn đề này cũng đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc. Ngày 11/2/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định diện mạo ngành năng lượng Việt Nam trong những năm tiếp theo. Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Trần Quang Huy nhấn mạnh: “Chuyển dịch năng lượng bền vững (Sustainable Energy transition) theo hướng sử dụng hiệu quả năng lượng và tăng thị phần sử dụng/sản xuất năng lượng tái tạo là chiến lược ưu tiên hàng đầu của các ngành công nghiệp sản xuất và tiêu thụ năng lượng, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về phát thải của ngành, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, tăng cường năng lực công nghệ và tài chính, tạo ra nhiều việc làm mới cho đoàn viên, người lao động. Chuyển dịch năng lượng bền vững là cơ sở hướng đến mô hình tăng trưởng bền vững, hợp tác nhiều bên (Co-Benefit) cùng có lợi.” Chiến lược mà Lãnh đạo Công đoàn ngành Công Thương kỳ vọng tại Hội thảo là nhận được các thông tin cần thiết về công việc, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng liên quan làm cơ sở xây dựng kế hoạch hợp tác giữa VUIT và FES dài hơi trong năm 2021 và các năm tiếp theo, đáp ứng mục tiêu “sử dụng và sản xuất năng lượng bền vững cho đoàn viên, người lao động ngành Công Thương” tại các đơn vị trực thuộc.
Tại Hội thảo các đại biểu cùng các vị khách mời đến từ Viện AIT VN cùng thảo luận và trao đổi xung quanh 04 chủ đề chính:
- NDCs của Việt Nam và mục tiêu giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp;
- Mô hình đồng lợi ích trong chuyển dịch năng lượng;
- Tổng quan về công nghệ hướng tới nền kinh tế giảm thiểu phát thải;
- Chính sách năng lượng cho thực hiện NDCs ở Việt Nam.
Nhiều câu hỏi nghiên cứu đã được đưa ra trong quá trình thảo luận giữa người tham gia và các báo cáo viên: Các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của việc sản xuất năng lượng bền vững là gì? Chúng ta có thể làm gì để đảm bảo công bằng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sắp diễn ra, trên bình diện xã hội, kinh tế và chính trị? Các bên liên quan chính là những ai, và làm sao để kêu gọi sự tham gia của họ trong công cuộc chuyển đổi năng lượng? Các thông tin này sẽ là cơ sở cho các bước hợp tác tiếp theo giữa CĐCTVN và Viện FES tại Việt Nam trong mục tiêu “Hướng tới sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững”.
Phát biểu bế mạc tại buổi Hội thảo, bà Claudia Eding, Giám đốc Dự án của Viện FES tại Việt Nam đánh giá cao các câu hỏi đặt ra từ các đại biểu, đồng thời kêu gọi sự chung tay từ các cấp khác nhau để cùng đóng góp vào mục tiêu giảm thải rác thải mà Việt Nam đã cám kết. Bà đã đồng quan điểm với các đại biểu là: “Chuyển dịch năng lượng là xu thế toàn cầu. Tổ chức công đoàn chính là nhịp cầu kết nối các bên liên quan, giữa người sử dụng lao động và người lao động cùng hướng tới mục tiêu chung trong lộ trình chuyển dịch năng lượng. Viện FES sẵn sàng phối hợp cùng CĐCTVN vì một tương lai mới - tương lai năng lượng xanh”. Thay mặt Lãnh đạo CĐCTVN, Phó Chủ tịch Vũ Trường Sơn đã cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ từ phía Viện FES; AIT VN trong công tác tổ chức Hội thảo. Đồng thời đồng chí mong rằng Viện FES và CĐCTVN sẽ tăng cường hơn nữa trong quan hệ hợp tác cùng chung tay hướng tới bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tuyên truyền, phổ biến tới đoàn viên, người lao động cùng “hướng tới sử dụng và sản xuất năng lượng bền vững - năng lượng xanh”. Đồng chí cũng đánh giá cao tinh thần ngiêm túc tham dự, đóng góp phát biểu các đại biểu... Phó Chủ tịch Vũ Trường Sơn đề nghị các đại biểu sau khi tham dự Hội thảo hãy đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng, ảnh hưởng của quá trình chuyển dịch năng lượng, giảm thiểu phát thải khí CO2...đến với không chỉ gia đình, đoàn viên, người lao động tại đơn vị mình mà còn lan tỏa ra toàn xã hội.
Thăm và làm việc tại Nhà máy TNHH MTV Massan Hải Dương
Để giúp các đại biểu hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc hướng tới sản xuất và sử dụng năng lượng bền vững, Ban Tổ chức Hội thảo đã đưa đoàn tới thăm quan và làm việc tại Công ty TNHH MTV Massa tại Hải Dương. Đây là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng với việc sử dụng hệ thống lò hơi có công suất 20tph/ lò. Nhiên liệu vận hành là than nhập từ Indonexia và mùn cưa với giá thành thấp, bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2...
Một số hình ảnh 
Dương Tuấn