https://media.vuit.org.vn/Images/Upload/User/linhdt/2020/11/trien-khai-thang-hanh-dong-vi-binh-dang-gioi-va-ph.jpeg
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được diễn ra từ ngày 15/11-15/12 hàng năm. Năm 2020 với chủ đề: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
Thành tựu và thách thức về BĐG và bạo lực trên cơ sở giới
Thời gian qua, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...
Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới".
Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Để đạt được những tiến bộ này, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm tạo chuyển biến của xã hội về nhận thức và hành động đối với công tác này trong thời gian vừa qua.
“Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới", thông điệp này cũng là một định hướng đối với công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em trong 4 năm qua.
Nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Nhiều thủ phạm gây bạo lực đã bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới đã được thành lập và từng bước phát triển…
Tuy vậy, bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam. Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Tháng hành động
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai với ý nghĩa là một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia chủ động, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân.
Đặc biệt, nam giới phải là lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng và cộng đồng trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Bên cạnh đó, là vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông trong việc thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới.
Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.
Việc triển khai Tháng hành động hằng năm đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới. Nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh.
Tổ chức công đoàn
- Hàng năm, tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, với từng cơ quan, doanh nghiệp như treo băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền; Truyền thông trên hệ thống thông tin cơ sở tại cơ quan, đơn vị; Đẩy mạnh truyền thông xã hội qua các trang thông tin điện tử, các kênh mạng xã hội...
- Năm 2020: Thông điệp tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với các nội dung:
1. Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.
2. Hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2020.
3. Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
4. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
5. Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
6. Gia đình cùng vui, đẩy lùi COVID-19.
7. Giãn cách xã hội, kết nối yêu thương.
8. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
9. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
10. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại.
11. Hãy hành động để chấm dứt xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em.
12. Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
13. Xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng.
14. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc cản trở sự tham gia của phụ nữ trong lao động.
15. Hãy tố cáo khi bị quấy rối tình dục.
16. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
17. Hãy lên tiếng khi bị bạo lực. Mọi người sẽ giúp bạn!
18. Liên hệ ngay đường dây nóng: 1900 96 96 80 khi bạn hoặc người thân trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
- Theo điều kiện của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động; Tổ chức các cuộc thi về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới; Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân, gặp mặt, biểu dương những điển hình, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung.
- Phối hợp kiểm tra, giám sát về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị.
LĐ