banner2019
 
Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
Ngành Công Thương chung tay phát triển thị trường thực phẩm an toàn
Cập nhật lúc 11:35 ngày 09/11/2020
Tối ngày 7/11/2020 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, TP. Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020. Chương trình có sự tham dự của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; cùng đại diện các Bộ: Y tế, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ… Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã tham dự và phát biểu khai mạc Chương trình.
Tiếp nối thành công năm 2018, năm 2019, Chương trình hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương năm 2020 được triển khai trên quy mô toàn quốc.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan tại các gian hàng ATTP
Chương trình có sự phối hợp, tham gia của các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể Trung ương; UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; các đơn vị cung ứng giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm…, tạo nên một mặt trận thống nhất, truyền đi thông điệp rộng khắp, có sức lôi cuốn đến từng địa bàn khu dân cư trên 63 tỉnh, thành phố.
Tích cực triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường thực phẩm an toàn
Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương quyết liệt triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Phát biểu khai mạc Chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, bên cạnh việc ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về quản lý An toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực chịu trách nhiệm, Bộ Công Thương tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm, bao gồm:
Tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm....
Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.
Phối hợp với các bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định công tác quản lý an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, và tập trung vào mấy nội dung sau:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm;
Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách;
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm;
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp  xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.
Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm
“Quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài. Vì thế, nền tảng căn bản vẫn phải là huy động được mọi thành phần trong cộng đồng chung tay hành động vì an toàn thực phẩm” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi
Đánh giá về sức lan toả của Chương trình, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: Chương trình nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; cùng sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, bên cạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có các đơn vị cung ứng vật tư, cung ứng giải pháp sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn tham gia vào Chương trình, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đánh giá, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho gần 100 triệu người tiêu dùng không dễ dàng, nhưng chúng ta đang có những thuận lợi hết sức cơ bản. Đó là nhu cầu sản xuất sạch và tiêu dùng sản phẩm sạch đã trở lên rất cấp thiết; các tiến bộ khoa học công nghệ và thông tin cho phép nhận dạng, phân tích, truy xuất nguồn gốc, giám sát các cơ sở sản xuất; công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Do đó, điều cần làm ngay là khẩn trương xây dựng ý thức cộng đồng về an toàn thực phẩm, xác định được nhu cầu kết nối của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hỗ trợ cho “trúng” cho “đúng”, mang lại hiệu quả cao. 
Tại Chương trình, Ban Tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho các doanh nghiệp cam kết tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ngành Công Thương.
Trước đó, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương và địa phương, đại diện các doanh nghiệp đã tham quan khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Hồng Hạnh, Nguyễn Hường