banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức công đoàn
Cập nhật lúc 03:30 ngày 04/11/2020
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của công đoàn
Khiếu nại (Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011): Là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Nội dung khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn (Điều 5 Quyết định 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020)
- Khiếu nại có liên quan đến việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành điều lệ.
- Khiếu nại liên quan đến việc ban hành, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và các quy định thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của công đoàn.
- Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, đoàn viên công đoàn của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống công đoàn.
- Khiếu nại có nội dung liên quan đến các quy định liên tịch, liên ngành, liên doanh, liên kết, trong đó công đoàn là một chủ thể tham gia thì công đoàn phối hợp với các chủ thể có liên quan giải quyết.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại (Điều 6 Quyết định 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020)
- Khiếu nại liên quan đến điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật đoàn viên thuộc quyền quản lý trực tiếp của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó giải quyết khiếu nại lần đầu.

- Thủ trưởng các đơn vị hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp của công đoàn có trách nhiệm giải quyết những khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của công chức, viên chức, lao động do mình quản lý trực tiếp.
- Khiếu nại đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn 
Tố cáo (Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2019): Là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nội dung, thẩm quyền giải quyết tố cáo của công đoàn (Điều 16 Quyết định 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020)
- Tố cáo cán bộ, đoàn viên công đoàn có hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Điều lệ Công đoàn, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn thuộc quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì công đoàn cấp đó có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc quyền quản lý của các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp của công đoàn cấp nào thì thủ trưởng đơn vị đó có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nào thì cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động trong hệ thống công đoàn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
- Tố cáo mà người có thẩm quyền đã giải quyết nhưng người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng pháp luật hoặc tố cáo đã quá thời hạn quy định mà không được giải quyết thì công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét, giải quyết như sau:
+ Nếu xem xét việc giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền là đúng pháp luật thì trả lời cho người tố cáo biết;
+ Nếu xem xét việc giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền trước đó trái quy định của pháp luật thì tiến hành thụ lý giải quyết theo trình tự.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đoàn viên công đoàn xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác, nghỉ hưu được xử lý như sau:
+ Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định trên thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
+ Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
Thanh Huyền tổng hợp