banner2019
 
Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
Sởi nguy hiểm với thai phụ như thế nào?
Cập nhật lúc 06:55 ngày 06/05/2014

Dịch sởi đang diễn ra hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước. Cũng như trẻ em, do sức đề kháng kém nên phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc sởi. Vì thế, chị em nên cảnh giác trước căn bệnh truyền nhiễm dễ lây này.

Theo TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu thai phụ chưa có miễn dịch với sởi, khi tiếp cúc với nguồn bệnh, rất dễ lây. Diễn biến sởi ở người lớn, trong đó có thai phụ, giống trẻ nhỏ, gồm: Sốt cao, ho, phát ban, viêm kết mạc, sổ mũi… Tuy nhiên diễn biến lâm sàng giống nhau nhưng biến chứng do sởi ở người lớn chủ yếu là viêm não, gây rối loạn trung khu tuần hoàn, đường hô hấp, khiến bệnh nhân có thể tử vong.

Khi mang thai, nếu thai phụ chẳng may bị sởi thì rất nguy hiểm. Bởi virus sởi có thể biến chứng sảy thai, thai lưu; hoặc sinh con nhẹ cân, thậm chí dị tật. Khi mắc bệnh sởi, bênh nhân thường sốt cao. Lúc này, thân nhiệt chị em tăng. Trong khi đó, trong buồng tử cung nhiệt độ luôn ở mức cao hơn cơ thể người mẹ từ 1 đến 1.5ºC nên nếu thai phụ sốt 39ºC - 40ºC, có nghĩa là nhiệt độ trong tử tung ở mức 40ºC - 40.5ºC. Mức nhiệt độ này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của thai nhi.

Bên cạnh đó, mắc sởi khi mang thai, chị em có thể bị bội nhiễm do hệ suy giảm miễn dịch suy giảm. Điều này có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi kẽ hết sức nguy hiểm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc hô hấp của cơ thể người mẹ và gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi.

Do đó, trong giai đoạn này, thai phụ chưa tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine sởi; chưa từng mắc sởi (vì đã bị sởi hầu như không có khả năng mắc lại) nên hạn chế tối đa đến chỗ đông người; khi ra đường, cần đeo khẩu trang; tăng cường bổ sung dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng; rửa tay thường xuyên, sát trùng mũi họng; tuyệt đối không tiếp xúc với bệnh nhân sởi; đồng thời nên giữ môi trường sống thoáng khí, sạch sẽ. Khi bị sốt, phát ban, cần đến cơ sở y tế khám để được tư vấ, điều trị.

Thực tế, nhiều thai phụ khi mắc sởi đã sử dụng một số bài thuốc dân gian theo đường uống và xông. Tuy nhiên, theo bác sĩ sản khoa, phụ nữ mang thai trước khi dùng bất cứ loại thuốc gì, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Bởi nếu sử dụng vô tội vạ, không những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến em bé trong bụng.

Không ít thai phụ cho rằng, mình từng mắc sởi nên đã không đi tiêm phòng trước khi mang thai và sau đó, khi mang bầu đã bị nhiễm sởi. Lý giải điều này, các chuyên gia y tế cho rằng, có thể trước đó, những trường hợp trên bị sốt phát ban nhưng lại cho rằng mình mắc sởi. Vì thế, để phòng sởi khi mang thai, trước khi có ý định mang bầu, nếu chưa chắc chắn mình từng mắc sởi hoặc không nhớ rõ đã tiêm vaccine ngừa bệnh này hay chưa, chị em nên đi tiêm vaccine phòng sởi theo hướng dẫn của ngành y tế. Việc tiêm vaccine tốt nhất là trước 3 tháng khi có ý định thụ thai.

Theo Hương Anh

(Báo Phụ nữ Việt Nam)