banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Kết quả 10 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 264 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (2009-2019) của ngành Công Thương
Cập nhật lúc 11:01 ngày 18/09/2020
Trong 10 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động và có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện vì vậy đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2008-2009 đã tác động rất mạnh tới nền kinh tế nước ta, nhất là xuất khẩu, du lịch và việc làm, gây khó khăn đối với việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân...; bên cạnh đó, thời điểm năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế gới (WTO), nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập (năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh nền kinh tế yếu, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong việc tiếp thu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quản lý, sản xuất, kinh doanh nên các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tạo ra chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường). Trước bối cảnh đó, để góp phần đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, từng bước chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định.
Để triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 264 -TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 255- QĐ/TW, ngày 04/9/2009 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", gồm 23 thành viên do đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Lãnh đạo Bộ Công Thương là Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương
Ban cán sự đảng Bộ đã phối hợp với Đảng ủy Bộ tổ chức phổ biến, quán triệt Thông báo Kết luận số 264-TB/TW; Kết luận 107 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong Bộ.
Ngày 19 tháng 11 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 5839/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động. Ngày 27 tháng 11 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 6006/QĐ-BCT về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động.   
Chương trình hành động của Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Công đoàn ngành Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty và đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức triển khai những nhiệm vụ sau: (i) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; (ii) Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; (iv) Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường. Hàng năm, Bộ Công Thương đều xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chương trình hành động này.
Trong 10 năm qua, các đơn vị trong ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động, Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động và có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện vì vậy đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động đã được tổ chức rộng khắp trên các lĩnh vực, cụ thể như sau:
Công tác thông tin, tuyên truyền qua báo chí, phương tiện truyền thông về Cuộc vận động được chú trọng tạo sức lan tỏa cho “ Hàng Việt” trong cộng đồng dân cư và xã hội
Trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn thì việc cổ vũ tuyên truyền Cuộc vận động được Bộ Công Thương xác định là nhiệm vụ phải được quan tâm đặc biệt. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan truyền thông tích cực cung cấp thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành như các báo, tạp chí, truyền hình tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động. Vì vậy số lượng tin, bài được duy trì đều đặn, thông tin truyền tải ngày càng chuyên sâu và có tính định hướng cao. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp tổ chức tốt nguồn hàng có chất lượng cao, có thương hiệu do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về địa bàn thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng thời có sự kết hợp với các chương trình quảng bá, khuyến mại, chăm sóc khách hàng.
Hoạt động tuyên truyền của Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của đơn vị mình rộng rãi trên cả nước; phát huy trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; xây dựng thương hiệu; cam kết bảo vệ người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền này cũng góp phần làm cho người tiêu dùng nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng mà “ Hàng Việt” ngày càng được người dân tin dùng.
Tổ chức các hoạt động tôn vinh các sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt tiêu biểu gắn với Cuộc vận động
Từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp Việt như: Chương trình Thương hiệu quốc gia, Doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc toàn quốc, Doanh nghiệp phát triển bền vững, giải Thương hiệu Vàng, Thương mại Dịch vụ Việt Nam…
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai. Đến nay, Chương trình đã có những thành công đáng ghi nhận, cụ thể: (i) Giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm; (ii) Lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia để hỗ trợ phát triển các giá trị theo mục tiêu của Chương trình; (iii) Tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình thương hiệu quốc gia và các thương hiệu sản phẩm Việt ở trong và ngoài nước. Thông qua các chương trình đã phát hiện, tôn vinh, động viên kịp thời các doanh nghiệp thương hiệu Việt sản xuất, phân phối sản phẩm thương hiệu Việt, cung ứng dịch vụ thương hiệu Việt có chất lượng tại thị trường trong nước. Đến nay, đã tôn vinh được khoảng 400 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, 196 doanh nghiệp đạt giải thưởng sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động, vinh danh 21 nghệ nhân nhân dân, 100 nghệ nhân ưu tú.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại kết nối cung cầu hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước
Triển khai thực hiện Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó có các đề án xúc tiến thương mại thị trường trong nước tính từ giai đoạn năm 2010-2019, Bộ Công Thương đã phê duyệt 946 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí 237,53 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước tập trung vào nhóm tổ chức hội chợ hàng Việt, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và đào tạo tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ. Các hội chợ tại địa phương đã đóng góp tích cực giúp các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước, quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Mỗi hội chợ 200 - 450 gian hàng, doanh thu trung bình đạt từ 20 - 50 tỷ đồng.
Thời gian qua, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đã đồng hành cùng Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương tổ chức các tuần hàng, giúp nông sản Việt có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu như: Tuần lễ Cá sông Đà; Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang…
Mục đích chung của chương trình là hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn,… góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương.
Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các cơ chế chính sách để trình các cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
- Xây dựng các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng  (sau đây gọi là BVQLNTD) và các hoạt động thực thi
Nhằm đảm bảo thống nhất triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Luật Bảo vệ người tiêu dùng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD và Quyết định của Thủ tướng chính phủ về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu. Qua đó, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo và góp phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
- Hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp xử lý tranh chấp thương mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu hàng hóa Việt Nam
Bộ Công Thương đã đề xuất tham gia chủ trì, thực hiện hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp (thuộc nội dung hoạt động trong Chương trình 585 - chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014), bao gồm: Hỗ trợ xây dựng, phát triển Trang thông tin chính thức về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của một số địa phương (ưu tiên các địa phương làm điểm và các địa phương khác được lựa chọn), tổ chức đại diện của doanh nghiệp; Tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật và thu thập ý kiến góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh; Thực hiện các chuyên đề pháp luật kinh doanh trong lĩnh vực thuế, hải quan và thu thập ý kiến góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; Hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Thực hiện thí điểm các hoạt động nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương nhằm xây dựng mô hình hiệu quả áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Bộ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật chung và Bộ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của ngành Công Thương nói riêng.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Thông báo Kết luận số 264 về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW của Bộ Chính trị; Kết luận 107 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới.
Thứ hai, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới; biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động ở địa phương, đơn vị, cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" theo Quyết định số 634/QĐ-TTg, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp (i) Nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; (ii) Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; (ii) Nhóm giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Thứ tư, rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khuyến khích và định hướng tiêu dùng của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.
(Nguồn: tapchicongthuong.vn)