banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023
Cập nhật lúc 10:22 ngày 28/08/2020
Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”. Một trong những chỉ tiêu là hình thành Trung tâm truyền thông đa phương tiện Công đoàn Việt Nam.
Chương trình được xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”. Chương trình do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải ký ban hành.
 Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn, các cấp Công đoàn về công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam; xây dựng và bảo vệ hình ảnh Công đoàn Việt Nam là “tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ”; thúc đẩy sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người sử dụng lao động đối với Công đoàn Việt Nam và hoạt động của các cấp Công đoàn. Quảng bá hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, hoạt động thiết thực của các cấp Công đoàn, các hành động sâu sắc, hiệu quả của cán bộ Công đoàn vì đoàn viên, NLĐ. Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam tập trung vào việc sử dụng công nghệ và kỹ thuật truyền thông hiện đại gắn với tổ chức nghiên cứu xây dựng hoạt động trọng tâm, trọng điểm của các cấp Công đoàn trong truyền thông. Tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam, ưu tiên các hoạt động tạo lan tỏa rộng đến đoàn viên, NLĐ.
Chỉ tiêu đặt ra là hình thành Trung tâm truyền thông đa phương tiện Công đoàn Việt Nam. Hàng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương tổ chức ít nhất 03 chiến dịch truyền thông về các hoạt động lớn của tổ chức Công đoàn. Mỗi LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương hình thành ít nhất 02 nhóm truyền thông của cán bộ Công đoàn trên mạng xã hội (zalo, viber,...) để phổ biến, tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin. Từ năm 2020, 53 trang facebook (fanpage) của LĐLĐ tỉnh, thành phố đăng tải ít nhất 4 thông tin/ngày về chính sách, pháp luật, hoạt động Công đoàn. Trong vòng 24 giờ, tổ chức hỗ trợ, giải đáp thông tin do đoàn viên, NLĐ yêu cầu gửi qua trang facebook. Từ năm 2022 đến năm 2023, tăng gấp đôi số thông tin được cập nhật, giải đáp trên các trang facebook Công đoàn. Khuyến khích Công đoàn cơ sở có từ 1.000 đoàn viên, NLĐ trở lên có trang facebook để cập nhật, phổ biến, giải đáp thông tin cho đoàn viên, NLĐ tại doanh nghiệp. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng năm có ít nhất 02 lần xây dựng tài liệu định hướng thông tin tuyên truyền cho Công đoàn cơ sở; tổ chức ít nhất 02 hoạt động truyền thông trực tiếp cho đoàn viên, NLĐ của đơn vị (có thể lồng ghép trong các hoạt động phong trào của Công đoàn cơ sở hoặc các sự kiện của doanh nghiệp). Mỗi Công đoàn cơ sở từ 1.000 đoàn viên, NLĐ trở lên có ít nhất 01 cán bộ Công đoàn có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, truyền cảm hứng với NLĐ.
Đối tượng của Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023, gồm: cán bộ Công đoàn, đoàn viên, NLĐ; các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội; các tổ chức Công đoàn quốc tế, đối tác quốc tế và báo chí. 
Có 4 nguyên tắc truyền thông là: Thống nhất nội dung, thông điệp; đồng bộ kênh truyền thông từ Tổng LĐLĐ Việt Nam đến Công đoàn cơ sở; Cụ thể hóa nhiệm vụ truyền thông từ bước tham mưu đến triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động trọng tâm trên các lĩnh vực công tác Công đoàn; Bám sát thực tiễn, phổ biến nhanh nhạy, kịp thời, chính xác những thông tin tích cực; phản ánh khách quan, trung thực, người thật, việc thật trong tổ chức Công đoàn Việt Nam để đẩy lùi thông tin tiêu cực; Chủ động đấu tranh bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng của Công đoàn.
Chương trình tập trung vào 4 kênh truyền thông gồm: Các kênh truyền thông báo chí trong và ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; Các kênh truyền thông trực tiếp (hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, biển báo ngoài trời…; những người có uy tín trong tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong đoàn viên, NLĐ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong cộng đồng dân cư, báo cáo viên Công đoàn); Các sự kiện truyền thông (Tết Sum vầy, Tháng Công nhân, Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam…); Các kênh truyền thông xã hội (facebook, zalo, youtube,...).
Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023” được thực hiện theo hai giai đoạn. Từ thời điểm xây dựng dự thảo Chương trình đến năm 2020: Công đoàn Việt Nam tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động Công đoàn cơ sở với 7 nhóm vấn đề chủ yếu (Phát huy vai trò chủ động, tích cực của Công đoàn cơ sở trong tổ chức thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; Nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ, chú trọng đối thoại để giải quyết những vấn đề mà công nhân, lao động quan tâm; Tăng cường thông tin tuyên truyền ở cơ sở; Tổ chức các hoạt động ở cơ sở thật sự xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, người lao động theo hướng tăng quyền thụ hưởng, tính thiết thực, sát hợp; Phát huy vai trò của đoàn viên trong đề xuất nội dung, thực hiện nhiệm vụ và giám sát đối với hoạt động Công đoàn cơ sở và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở; Đổi mới công tác cán bộ Công đoàn cơ sở, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho chủ tịch Công đoàn cơ sở và tăng cường sự gắn kết giữa đoàn viên với cán bộ Công đoàn; Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhất là trong công tác tài chính).
Từ năm  2021-2023, Công đoàn Việt Nam nâng cao vai trò đại diện của đoàn viên, người lao động theo pháp luật, hoạt động ngày càng thực chất, thực sự là điểm tựa vững chắc, là sự chựa chọn đầu tiên của người lao động đối với tổ chức đại diện cho mình…
Chương trình cũng nêu rõ đối tượng, nguyên tắc truyền thông, nội dung truyền thông, nhiệm vụ và giải pháp; lộ trình truyền thông; tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam…
Linh Nguyên (nguồn: laodong.vn)