banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Bộ Công Thương: Cầu thị, sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến về dự thảo biểu giá điện mới
Cập nhật lúc 04:45 ngày 17/08/2020
Đây là quan điểm của Bộ Công Thương sau khi gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, chuyên gia, người dân về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 28/2014/QĐ TTg ngày 07/4/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Cần xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo
Theo báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực ĐTĐL, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trên cơ sở này, Cục đã nghiên cứu xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Lãnh đạo Bộ gửi lấy ý kiến của 154 cơ quan, đơn vị gồm các cơ quan thuộc Quốc hội; các Bộ, ngành, tổ chức; Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; EVN và các Tổng công ty Điện lực.
Tổng hợp ý kiến góp ý cho thấy, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt điện để phù hợp với thực tiễn sử dụng điện là cần thiết và thống nhất lựa chọn phương án 5 bậc thang.
Tuy nhiên, sau thời gian này, có một số ý kiến mong muốn và đề nghị xây dựng thêm phương án 1 giá. Ý kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Công Thương nghiên cứu phương án giá điện 1 bậc (Thông báo số 192 /TB VPCP ngày 28/5/2020) và nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ TTg.
Thực hiện chỉ đạo này, Cục ĐTĐL cùng với Tổ soạn thảo đã nghiên cứu bổ sung phương án lựa chọn 1 giá cho các khách hàng sử dụng điện trên cơ sở phương án 5 bậc thang nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng sử dụng điện có gắn với lộ trình thị trường điện cạnh tranh đã được phê duyệt.
Theo đó, phương án 1 là giảm 1 bậc thang so với biểu giá hiện hành từ 6 bậc xuống 5 bậc, nâng số kWh từ 50 kWh lên 100 kWh (ghép bậc 1 và bậc 2 của biểu giá hiện tại) để cho phù hợp với thực tế sử dụng điện; bậc 2 và bậc 3 giữ nguyên; ghép bậc 200-300 kWh vào một bậc và điều chỉnh bậc 5 từ 700 kWh trở lên. Phương án 2 bao gồm biểu giá 5 bậc thang và biểu giá 1 bậc.
Ngày 5/8/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Công văn số 5686 / BCT - ĐTĐL gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ ngành; UBND và đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành nghề, EVN và 5 Tổng công ty Điện lực. Đồng thời công khai dự thảo lên môi trường mạng để người dân tham gia đóng góp ý kiến để làm cơ sở hoàn thiện dự thảo.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ Công Thương là dù đưa ra phương án, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu của Nhà nước là khuyến khích tiết kiệm, tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách; đáp ứng được mong muốn và đảm bảo quyền lợi cho đa số hộ gia đình sử dụng điện; đảm bảo chi phí sản xuất, vận hành của ngành điện và các yếu tố kinh tế - xã hội khác.
Do đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực và các đơn vị liên quan phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý, tổng hợp, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo theo nguyên tắc nêu trên một cách cẩn trọng, thấu đáo.
Khách hàng giám sát việc ghi chỉ số công tơ (Ảnh minh hoạ)
Sẽ hoàn thiện phương án đáp ứng đa số khách hàng sử dụng điện
Theo đại diện Cục ĐTĐL, cơ cấu biểu giá điện bán lẻ đảm bảo nguyên tắc không điều chỉnh giá điện, đảm bảo khách hàng sử dụng dưới 200 kWh, đa phần là những người lao động, công chức, viên chức, hộ dân nông thôn…thì chi phí tiền điện không thay đổi; đồng thời vẫn giữ nguyên chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, có tính toán khoảng cách giữa các bậc thang để tránh tăng giá điện, nhất là vào những mùa hè nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Trên cơ sở tính toán, dự thảo biểu giá điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ TTg ngày 07/4/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đảm bảo phần lớn khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh và dưới 400 kWh giữ nguyên như giá điện hiện nay. Tuy nhiên do có điều chỉnh nên các hộ dân sử dụng từ 200-300 kWh, giá điện có tăng lên nhưng chỉ khoảng 7.000 đồng. Đồng thời, phần lớn dưới 400 kWh giữ nguyên hoặc giảm chi phí điện.
Đối với phương án 2, chúng tôi đề xuất giữ giá điện 5 bậc thang, chỉ thay đổi ở bậc thang cuối cùng là trên 700 kWh, đồng thời đề xuất thêm phương án giá 1 bậc để khách hàng có thêm lựa chọn. Việc đưa ra các lựa chọn và tính toán giá điện 1 bậc vẫn phải đảm bảo nguyên tắc giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên, đảm bảo quyền lợi cho số đông người sử dụng điện, nghĩa là chi phí sử dụng điện của các khách hàng dưới 700 kWh vẫn tương đương mức hiện nay.
Hiện chưa có phương án nào đáp ứng mong muốn được tất cả yêu cầu của người dân, do đó, Bộ đã đưa ra dự thảo lần 1 với 2 phương án để lấy ý kiến của tất cả các tổ chức, cá nhân, người sử dụng điện trong xã hội nhằm hoàn thiện dự thảo.
Ngoài việc gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp; công khai văn bản trên các website, Bộ Công Thương cũng sẽ tiến hành lấy các ý kiến qua mạng, tạo cơ hội cho mọi người tham gia đóng góp ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo hướng đáp ứng được phần lớn mong muốn của người sử dụng điện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực: Với tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, nghiên cứu, xây dựng và lựa chọn phương án tối ưu, đáp ứng được phần lớn mong muốn của khách hàng sử dụng điện.
Đình Dũng (nguồn: congthuong.vn)