banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Các quyền lợi của người lao động theo Bộ luật lao động mới
Cập nhật lúc 04:43 ngày 17/08/2020
Có thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương; Tăng tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu; Không còn hợp đồng lao động thời vụ,... là những quyền lợi của người lao động theo quy định mới.
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021 bảo vệ nhiều hơn quyền lợi cho người lao động.
Tăng tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu
Để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng đủ điều kiện về số năm tham gia bảo hiểm cũng như tuổi đời.
- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (không thay đổi so với hiện nay);
- Đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Được bảo vệ bằng hợp đồng lao động trong nhiều trường hợp
Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Không còn hợp đồng lao động thời vụ
Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Có thể thấy, quy định này đã bỏ loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng nhằm đảm bảo hơn quyền lợi cho người lao động.
Được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do
Thay vì phải có lý do và tuân thủ nghiêm ngặt việc thông báo trước khi chấm dứt hợp đồng thì tới đây, người lao động đã có thể nghỉ việc dễ dàng hơn.
Quy định này nhằm tạo điều kiện cho người lao động có được cơ hội việc làm tốt hơn, phù hợp với bản thân cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian bố trí, sắp xếp nhân sự thay thế.
 Được nghỉ việc mà không cần báo trước
Cho phép người lao động trong một số trường hợp được nghỉ việc mà không cần báo trước. Cụ thể đó là khi:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc,...
 Có thể ủy quyền cho người khác nhận lương
So với trước đây, Điều 94 của Bộ luật về nguyên tắc trả lương đã bổ sung thêm trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp. Lúc này, người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay cho mình.
Có thể được thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc hình thức khác
Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định việc thưởng cho người lao động là tiền và cụ thể là “tiền thưởng” thì Bộ luật Lao động 2019 đã thay “tiền thưởng” bằng “thưởng”.
Được nghỉ giữa giờ nhưng không tính vào giờ làm việc
Người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
 Có thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương
Sắp tới, người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh và nâng tổng số ngày nghỉ lễ, tết trong năm lên 11 ngày.
Ngoài ra, Bộ luật cũng đã thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương. Đó là khi cha nuôi, mẹ nuôi chết, người lao động được nghỉ 3 ngày.
 Sa thải ngay với người quấy rối tình dục 
Điều 125 Bộ luật Lao động mới về việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đã bổ sung thêm hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Lao động nữ được ưu tiên giao kết hợp đồng
Bên cạnh các hình thức bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như trước đây như không bố trí làm đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa khi mang thai từ tháng thứ 7 hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi… một quyền lợi khác mà lao động nữ được hưởng theo Bộ luật Lao động 2019 đó là:
Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.
M.Phương (nguồn: laodong.vn)