banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Hàng hóa ổn định, không sốt giá
Cập nhật lúc 10:24 ngày 11/08/2020
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc tăng cường nguồn cung đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch mới, thời gian qua các nhà cung cấp đã cung ứng hàng hóa ra thị trường đầy đủ, kịp thời với giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Giá cả ổn định
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại các chợ truyền thống, và các siêu thị bán lẻ cho thấy, hàng hóa vẫn ổn định, không có nhiều biến động. Theo đó, mặt hàng gạo có giá dao động từ 11.500 - 25.000 đồng/kg, nếp loại 1 là 25.000 đồng/kg. Giá các loại rau, quả ổn định, nhất là những loại rau, quả nhiều vitamin C người tiêu dùng mua nhiều như chanh vàng, giá 40.000 đồng/kg, chanh xanh 25.000 đồng/kg, gừng 75.000 đồng/kg, sả 10.000 đồng/kg… Những mặt hàng khác như thịt lợn, thịt gà, cá giá cũng không thay đổi nhiều.
Tại các siêu thị bán lẻ, hàng hóa vẫn ổn định
Đối với khẩu trang, giá đã hạ nhiệt hơn so với trước, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian qua, theo đó, giá khẩu trang từ 2.000 đồng - 45.000 đồng/chiếc (tùy loại 3 hay 4 lớp), gel rửa tay khô giá từ 35.000 - 120.000 đồng/chai tùy loại…
Đại diện của hệ thống siêu thị Vincommerce cho biết, từ ngày 24/7/2020, sau khi Bộ Y tế công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 416 tại Việt Nam, VinMart/VinMart+ kích hoạt toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa. Đặc biệt, với danh mục hàng hóa thiết yếu như: Gạo, mỳ omachi, rau sạch VinEco, thịt sạch MEATDeli,... được cam kết không tăng giá bán, luôn sẵn có tại mỗi cửa hàng. Bên cạnh đó, nhằm kích cầu mua sắm và gia tăng lợi ích cho khách hàng từ ngày 1 - 15/8/2020, VinMart/VinMart+ đồng loạt triển khai chương trình khuyến mãi “Hàng tốt - Giá hời”, hàng trăm mặt hàng sẽ được giảm giá lên đến 35%.
Cũng ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart Hà Nội, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung đầy đủ, hệ thống siêu thị này sẽ áp dụng giảm giá sâu từ 30 - 50% cho các mặt hàng thiết yếu, phục vụ chống dịch cho gần 30.000 sản phẩm hàng Việt Nam trong chương trình “Tự hào hàng Việt 2020” nhằm mục tiêu vừa chống dịch vừa bình ổn thị trường cung - cầu hàng hóa.
Tăng cường kiểm soát
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về kiểm soát thị trường và đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có người mắc bệnh như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, mua gom tích trữ lương thực, thực phẩm; tiếp tục thực hiện công tác theo dõi hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm trên toàn địa bàn.
Tại Đà Nẵng, Cục QLTT Đà Nẵng đã thực hiện kiểm tra đột xuất thông tin phản ánh qua đường dây nóng của thành phố, các đội QLTT quản lý địa bàn đã phân công các tổ công tác thực hiện theo dõi tình hình hoạt động của 117 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, 18 cơ sở kinh doanh gạo, 86 cửa hàng tạp hóa, 19 cửa hàng kinh doanh đồ tiêu dùng và 22 siêu thị trên toàn địa bàn toàn thành phố. Qua đó, các đội QLTT trên địa bàn đã xử lý 7 vụ kinh doanh khẩu trang vi phạm, tạm giữ 99.100 chiếc khẩu trang.
Bộ Công Thương và lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo, ứng phó trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Đỗ Nga (nguồn: congthuong.vn)