banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Một số quy định mới về bảo hiểm thay đổi từ 15/7/2020
Cập nhật lúc 10:54 ngày 10/06/2020
Các trường hợp người lao động (NLĐ) được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN):
Theo mục 4 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP:
NLĐ được xác định là đang đóng BHTN theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận trên sổ BHXH và thuộc một trong các trường hợp sau:
- NLĐ đã đóng BHTN của tháng chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc của tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV;
- NLĐ có tháng liền kề trước tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV hoặc tháng chấm dứt HĐLĐ, HĐLV mà thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.
+ Nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị.
+ Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị.  
Lưu ý: Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện HĐLĐ hoặc HĐLV và đã đóng BHTN.
Quy định về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo mục 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP
1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu mẫu số 03 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH. 
2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV:
- HĐLĐ hoặc HĐLV đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ hoặc HĐLV;
- Quyết định thôi việc;
- Quyết định sa thải;
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV;
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của NLĐ; loại HĐLĐ đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ;
- Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong trường hợp NLĐ không có các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt HĐLĐ, thực hiện theo quy trình sau:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận; Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc.
Lưu ý: Trường hợp NLĐ tham gia BHTN theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.
3. Sổ BHXH (Điều 16 NĐ 28/2015/NĐ-CP).
Tổ chức BHXH thực hiện xác nhận về việc đóng BHTN và trả sổ BHXH cho NLĐ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động.
Có những quy định khác đối với đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
NLĐ được xác định là có việc làm chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Theo mục 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP:
- Đã giao kết HĐLĐ, HĐLV theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, ngày xác định là ngày hợp đồng có hiệu lực;
- Có quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết HĐLĐ, HĐLV, ngày xác định là ngày ghi trong quyết định;
- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với trường hợp NLĐ là chủ hộ kinh doanh hoặc chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với trường hợp NLĐ là chủ doanh nghiệp, ngày xác định là ngày thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm bắt đầu hoạt động kinh doanh;
- NLĐ thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm; ngày xác định là ngày ghi trong thông báo.
Mức đóng và phương thức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP)
- Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:
+ Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước;
+ Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được áp dụng đối với doanh nghiệp bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 5 của 58/2020/NĐ-CP.
- Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.
- Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Thanh Huyền tổng hợp