banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động
Cập nhật lúc 02:26 ngày 08/06/2020
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đề xuất hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Vậy điều kiện nào thì được hỗ trợ, mức hỗ trợ và hồ sơ thủ tục ra sao?
Điều kiện hỗ trợ 
Tại điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn về bảo hiểm thất nghiệp tại Luật việc làm 2013 được sửa đổi bổ sung tại  Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 15/7/2020).
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm khi có đủ các điều kiện sau:
1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.
2. Gặp khó khăn (các trường hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm) dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có (Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP):
- Từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; 
- Từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1000 lao động; 
- Từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 01 tháng.
Những trường hợp được coi là bất khả kháng bao gồm:
- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh.
3. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.
4. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Mức hỗ trợ 
1. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP).
Chi tiết quy định tại Điều 15 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH:
- Đối với trường hợp khóa đào tạo được thực hiện tại cơ sở dạy nghề thì mức hỗ trợ kinh phí cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của người lao động được tính theo tháng, thời gian học thực tế, mức thu học phí của từng nghề hoặc từng khóa đào tạo nghề theo quy định của cơ sở dạy nghề nhưng không quá mức hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
- Đối với trường hợp khóa đào tạo do người sử dụng lao động thực hiện thì mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cụ thể của người lao động được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
- Đối với trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì mức hỗ trợ được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là ½ tháng, từ đủ 15 ngày trở lên thì tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
2. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ (Điều 26 Nghị định 28/2015/NĐ-CP)
1. Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (Điều 13 thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) bao gồm:
- Thông tin chung về đơn vị: Tên; địa chỉ; ngày thành lập; ngành, nghề hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người đại diện.
- Tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
- Tổng số lao động của đơn vị, số lao động có nguy cơ bị cắt giảm tại thời điểm đề nghị hỗ trợ (không bao gồm người lao động có giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng), số lao động đề nghị được hỗ trợ.
- Nguyên nhân buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh.
- Tổng kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động (có dự toán chi tiết kèm theo bao gồm các chi phí để thực hiện phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động).
- Cam kết tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và sử dụng lao động theo đúng phương án đã được phê duyệt.
2. Phương án thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm (Điều 14 thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH)
Phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Thông tin chung về đơn vị: Tên; địa chỉ trụ sở; ngày thành lập; ngành, nghề hoặc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người đại diện.
- Danh sách lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm tại đơn vị và nêu rõ ngành, nghề đào tạo; thời gian đào tạo; địa điểm đào tạo của từng người lao động.
- Cơ sở đào tạo (ghi rõ cơ sở đào tạo thuộc đơn vị hay liên kết đào tạo, nếu liên kết đào tạo đề nghị kèm theo hợp đồng liên kết đào tạo, cơ sở đào tạo phải có đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật về dạy nghề).
- Hình thức tổ chức đào tạo và dự kiến thời gian khai giảng và bế giảng của khóa học.
- Phương án duy trì việc làm cho người lao động sau khi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề bao gồm các nội dung sau:
+ Số lao động được tiếp tục làm việc hoặc thay đổi vị trí việc làm phù hợp với phương án chuyển đổi công nghệ sản xuất kinh doanh;
+ Cam kết của người sử dụng lao động về việc sử dụng lao động theo đúng phương án. Nếu người lao động không được bố trí việc làm thì người sử dụng lao động sẽ phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
- Dự toán chi tiết kinh phí thực hiện.
4. Giấy tờ chứng minh không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
5. Văn bản xác nhận của tổ chức bảo hiểm xã hội nơi người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 28/2015/NĐ-CP.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và sẽ được giải quyết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động theo quy định.
Thanh Huyền tổng hợp