banner2019
 
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
Một số điều cần biết về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Cập nhật lúc 04:07 ngày 04/05/2020
Ai là người đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ BNN) cho người lao động? Mức đóng như thế nào? Trong thời gian nghỉ việc do bị ngừng việc hoặc nghỉ việc điều trị TNLĐ thì người lao động có được đóng bảo hiểm này không? Nếu người lao động không được đóng bảo hiểm TNLĐ BNN thì khi bị TNLD BNN có được hưởng quyền lợi gì không? Đó là những câu hỏi rất nhiều người lao động và người sử dụng lao động quan tâm.
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động đóng cho người lao động nhằm bảo đảm đời sống của những người lao động không may bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ BNN (khoản 1 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015)
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm TNLĐ BNN (Điều 3 NĐ 44/2017/NĐ-CP)
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai TNLĐ, BNN theo cho người lao động với mức như sau:
- Mức đóng 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động là: Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
- Mức đóng 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là các đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ BNN còn lại, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.
- Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm  tiền lương nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Những lưu ý cho người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm TNLĐ BNN (Điều 3 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH; khoản 3, 4 Điều 39 Luật ATVSLĐ 2015):
- Người lao động mà được cử đi học tập, thực tập, công tác trong nước và nước ngoài có hưởng tiền lương hoặc nghỉ việc do bị ngừng việc, chờ việc có hưởng tiền lương thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ BNN trong thời gian đi học tập, thực tập, công tác, ngừng việc, chờ việc.
- Trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ BNN hoặc trong tháng đầu trở lại làm việc đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm TNLĐ BNN sau thời gian đóng bảo hiểm gián đoạn do chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ BNN của tháng đó.
- Người lao động bị TNLĐ BNN trong thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động được người sử dụng lao động nơi người lao động bị TNLĐ BNN trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội vào các quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm TNLĐ BNN, bao gồm cả tiền lãi theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ TNLĐ BNN hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.
- Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật ATVSLĐ 2015, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định.
- Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm TNLĐ BNN cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định Luật ATVSLĐ 2015, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định khi người lao động bị TNLĐ BNN; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.
Thanh Huyền tổng hợp