banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: "Không để dê nhầm nhà, gà đi lạc"
Cập nhật lúc 10:01 ngày 28/04/2020
Liên quan đến việc triển khai và giám sát thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định không để chính sách đi lòng vòng và đừng để "dê nhầm nhà, gà đi lạc".
Đủ căn cứ triển khai gói hỗ trợ
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chiều 27.4 tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc ban hành Nghị quyết 42 của Chính phủ và gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là quyết định chưa có tiền lệ.
Đến nay, các địa phương hoàn toàn đủ căn cứ về cơ sở pháp lý để triển khai. Bộ trưởng Dung cho hay, ngay sau hội nghị, các bộ liên quan sẽ tiếp tục hướng dẫn bằng thông tư, hoặc văn bản hướng dẫn trong phạm vi thẩm quyền được phân công.
Từ đó, Bộ đề nghị địa phương bám sát nguyên tắc cơ bản, tập trung chỉ hỗ trợ người lao động, người dân bị giảm sâu thu nhập, do ảnh hưởng COVID-19 không đảm bảo mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định.  
Việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng chính sách và sẽ xử lý nghiêm minh tất cả những vi phạm.
"Chúng tôi không mong muốn có vấn đề gì xảy ra trong quá trình triển khai gói hỗ trợ. Nhưng nếu xảy ra vấn đề thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý về Đảng, về hành chính, nếu vi phạm nghiêm trọng thì chuyển xử lý hình sự", Bộ trưởng Dung nhấn mạnh. 
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục đề nghị thực hiện đúng Quyết định 15 của Chính phủ, không ban hành thêm các thủ tục hành chính. Ban hành thủ tục, giấy tờ khác thì thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ.
Không để chính sách an sinh xã hội đi lòng vòng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Chúng ta không để chính sách an sinh xã hội đi lòng vòng. Bây giờ, rất nhiều người đang khao khát, mong chờ nhận hỗ trợ. Lúc người dân đói, cần phải hỗ trợ ngay. Đây không phải trách nhiệm mà là mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta".
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Do đó, Bộ đề nghị việc triển khai gói hỗ trợ theo quy định thẩm quyền quyết định của địa phương. Nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và chịu trách nhiệm toàn bộ trước Chính phủ, cấp uỷ là người đứng đầu cơ quan hành chính là Chủ tịch UBND tỉnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cơ bản chuyển khoản qua ngân hàng. Một số ngân hàng đăng kí mở tài khoản và chuyển tiền miễn phí.  
Liên quan đến tiến độ triển khai ở các nhóm đối tượng, theo Bộ trưởng Dung, những hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội cần thực hiện chi trả ngày. Như vậy, không có nghĩa là các nhóm khác không triển khai thực hiện ngay.
"Đối tượng lao động tự do là nhóm đối tượng khó khăn nhất, đang rất cần hỗ trợ trong thời điểm này. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện hỗ trợ lao động tự do trước ngày 30.4", ông Dung nhấn mạnh.
Liên quan đến việc giám sát thực hiện rà soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị phải thực hiện giám sát ngay từ đầu. Theo đó, cấp huyện, tỉnh, Trung ương giám sát theo chuyên đề, từng gói. Còn doanh nghiệp, công đoàn tham gia ngay từ đầu, do đó công đoàn phải xác nhận vào danh sách.
Bộ sẽ lập đường dây nóng, trang điện tử, 1 nhóm giải đáp những chính sách nhanh. Do đó, những vấn đề mà các địa phương vướng mắc sẽ được chuyển về bộ. Sau đó, chậm nhất ngày kia (27.4) bộ trả lời bằng văn bản các vướng mắc của địa phương.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi triển khai gói hỗ trợ này, mong muốn đừng để "dê nhầm nhà, gà đi lạc", đừng để ai phải xử lý về Đảng, chính quyền…". 
Anh Thư - Phạm Đông (nguồn: laodong.vn)