banner2019
 
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp
Cập nhật lúc 02:31 ngày 15/04/2014

Quan hệ lao động (QHLĐ) là quan hệ xã hội hình thành trong quá trình sử dụng sức lao động giữa một bên là người có sức lao động (người lao động) và một bên (cá nhân hoặc pháp nhân) là người sử dụng sức lao động đó.

Nhận diện quan hệ lao động

Trong QHLĐ, người lao động phải thực hiện một nội dung công việc nào đó, còn bên sử dụng sức lao động phải trả công, hoặc trả lương và đảm bảo những điều kiện lao động cần thiết khác cho người lao động. Hợp đồng lao động là hình thức pháp lý chủ yếu và phổ biến nhất của các QHLĐ.

Ảnh minh họa

QHLĐ tại doanh nghiệp là quan hệ 2 bên giữa người lao động (hoặc đại diện của họ là công đoàn cơ sở) và người sử dụng lao động (hoặc đại diện của họ). Trong nền kinh tế nhiều thành phần, QHLĐ tại doanh nghiệp bao gồm nhiều loại: QHLĐ giữa công nhân, viên chức với doanh nghiệp, đơn vị nhà nước, các tổ chức sản xuất tập thể; QHLĐ hình thành trong việc thuê mướn lao động, giữa các chủ hộ tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân với người lao động; QHLĐ giữa người lao động và các chủ doanh nghiệp người nước ngoài tại Việt Nam.

Mục tiêu xây dựng quan hệ lao động 

Mục tiêu xây dựng QHLĐ tại doanh nghiệp là đạt được sự hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhằm đảm bảo lợi ích người lao động, lợi ích nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Hài hòa trong QHLĐ là sự cân đối giữa các yếu tố về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là lợi ích kinh tế. Mục đích hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp là lợi nhuận; mục đích của người lao động là lợi ích, tiền công, tiền lương và các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, được trả công tương xứng với thành quả lao động đã đạt được. Các bên cần có quan hệ gắn kết với nhau để đều đạt được mục đích của mình với mức phù hợp nhất. Hài hòa trong QHLĐ còn là cách ứng xử giữa các bên, ngoài các quy định của pháp luật, thì sự thương lượng để đạt được thỏa thuận giữa các bên về lợi ích là giải pháp tốt nhất để góp phần làm hài hòa QHLĐ.

Ổn định trong QHLĐ là việc làm, thu nhập, thời gian làm việc của người lao động ổn định; không có biến động đáng kể về sản xuất, kinh doanh, hợp đồng đặt hàng, số lượng, cơ cấu công nhân của doanh nghiệp. Đó là duy trì trạng thái cân bằng về lợi ích, giảm thiểu mâu thuẩn phát sinh, không có xung đột lớn về lợi ích. Các bên luôn lựa chọn hợp tác, thương lượng hơn là đấu tranh, đòi hỏi. Sự ổn định của QHLĐ là tương đối, khi có mâu thuẫn, nếu được giải quyết hiệu quả sẽ tạo ra một quan hệ mới lành mạnh hơn, đưa doanh nghiệp phát triển, không ngừng nâng cao thu nhập đời sống cho người lao động.

Tiến bộ là sự vận động của QHLĐ phát triển theo hướng đi lên, ngày càng tốt hơn trước. Các bên trong QHLĐ có động thái tích cực hơn, luôn mong muốn hợp tác để đạt được mối quan hệ hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, gắn kết với nhau hơn trong xu thế phát triển của doanh nghiệp. QHLĐ chỉ thật sự tiến bộ, lành mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển khi mục tiêu và lợi ích các bên được đảm bảo và ngày càng thỏa mãn. Người sử dụng lao động ngày càng quan tâm hơn đến chế độ cho người lao động, như tiền thưởng, phụ cấp, các khoản hỗ trợ..., chú trọng xây dựng nguồn nhân lực, có chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, luôn ứng xử có văn hóa. Ngược lại, người lao động cùng CĐCS sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp; có ý thức làm việc với tinh thần trách nhiệm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.

Vai trò CĐCS trong xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Vai trò của CĐCS được hiểu là tác dụng, là chỗ dựa tin cậy của người lao động tại doanh nghiệp. Ngoài quy định của pháp luật, trong thực tiễn vai trò đó còn thể hiện sự cống hiến, đóng góp của CĐCS đối với người lao động và doanh nghiệp. Vì thế, CĐCS cần làm tốt các nội dung sau:

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động người lao động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động quy định của pháp luật lao động; nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở, nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Chủ động đề xuất với người sử dụng lao động về nội dung và các biện pháp xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp hài hòa, ổn định và tiến bộ. 

- Đại diện cho tập thể người lao động tham gia trực tiếp trong quan hệ 2 bên ở cấp doanh nghiệp; xây dựng, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể có chất lượng và giám sát việc thực hiện tốt; phối hợp với người sử dụng lao động mở đại hội công nhân, viên chức, hội nghị người lao động, thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng và ký kết quy chế phối hợp hoạt động; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động theo pháp luật, có lợi cho người lao động. 

- Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ người lao động và công đoàn; tham gia các hội đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp để bảo vệ người lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế có liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động. 

- Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; cung cấp thông tin và tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động; tham gia thương lượng với người sử dụng lao động trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân; đại diện cho tập thể lao động tham gia hội đồng hoà giải lao động cơ sở, giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật.

- Vận động và cộng tác với người sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, áp dụng các tiêu chuẩn xã hội quốc tế; xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp nhằm cụ thể hoá các nội dung QHLĐ phù hợp với pháp luật Việt Nam, công ước, thông lệ quốc tế và điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, yêu cầu của phía đối tác và nguyện vọng của người lao động. 

- Phối hợp với quản lý doanh nghiệp vận động công nhân tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập. Cùng với công đoàn cấp trên cơ sở vận động doanh nghiệp và lực lượng xã hội để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân và gia đình họ. 

- Định kỳ kiểm tra đánh giá, lập báo cáo gửi lên công đoàn cấp trên cơ sở về tình hình quan hệ lao động, thông qua đó kiến nghị, đề xuất những giải pháp và yêu cầu hỗ trợ, giúp đỡ nhằm thúc đẩy việc xây dựng QHLĐ tại doanh nghiệp.

Đặng Quang Hợp

       Viện Công nhân - Công Đoàn