banner2019
 
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Viện nghiên cứu Bộ Công Thương hoàn thành nghiên cứu, sẵn sàng sản xuất máy trợ thở phục vụ chống dịch Covid-19
Cập nhật lúc 02:03 ngày 16/04/2020
Trong nỗ lực chung tay cùng đất nước chống dịch Covid-19, mới đây, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo máy trợ thở không xâm nhập.
Đứng đầu nhóm nghiên cứu, Giám đốc Phân viện TP.Hồ Chí Minh, TS.Trần Viết Thắng cho biết, trước tình hình nhu cầu máy trợ thở ngày càng trở nên cấp thiết do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhóm nghiên cứu của Phân viện đã đề xuất nghiên cứu chế tạo, sản xuất máy trợ thở tự động, có khả năng sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ, an toàn cho lực lượng y bác sỹ dựa trên nghiên cứu một số mẫu máy có sẵn trên thị trường cũng như cấu hình máy của MIT đang được công bố rộng rãi hiện nay.
Kết cấu máy gồm 3 phần: Thiết kế cơ khí; Thiết kế bộ điều khiển và Phần mềm điều khiển giám sát từ xa
Hoạt động của máy chủ yếu dựa vào một bóng Ambu. Đây là một quả bóng thở bóp tay có thể được tìm thấy dễ dàng tại các bệnh viện, các nhà cung cấp thiết bị y tế tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Thông thường, với phương pháp bóp bóng Ambu bằng tay, nhân viên y tế sẽ phải liên tục trực bên cạnh bệnh nhân và cần thực hiện đúng kỹ thuật mỗi lần thao tác.
Trong khi đó, thiết kế của máy bóp bóng Ambu do nhóm đề xuất, với cơ cấu cơ, điện, điện tử cho phép chạy liên tục trong nhiều ngày và có khả bắt chước được kỹ thuật của các bác sĩ cấp cứu dựa trên thuật toán điều khiển thông minh theo quỹ đạo co bóp bóng được lập trình trước. Do đó, nhóm nghiên cứu đã dành khá nhiều thời gian để lập trình, thiết kế bộ điều khiển bóp bóng Ambu theo đúng quỹ đạo tự nhiên của tay kỹ thuật viên y tế.
Máy trợ thở do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa nghiên cứu, chế tạo đang chờ hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện lưu hành
Mặt khác, các tác giả cũng mong muốn việc nhập liệu các thông số điều khiển phải nhanh và chính xác, đồng thời để áp dụng được thuật toán điều khiển thông minh theo quĩ đạo định trước khi thực hiện co bóp bóng và có khả năng cảnh báo lỗi tự động, giao tiếp giám sát, điều khiển từ xa, vì vậy, nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ điều khiển mới hoàn toàn để có thể hiện thực hóa các yêu cầu trên.
Ngoài ra máy có một màn hình hiển thị tần số nhịp thở được điều khiển bằng tay thông qua các phím nhấn trên mặt máy hoặc điều khiển tử xa thông qua một APP được cài đặt trên thiết bị Android hoặc IOS nhằm điều chỉnh lượng không khí và áp suất cho bệnh nhân để phù hợp với tình trạng bệnh của từng người.
App trên Android và IOS
Việc có khả năng điều khiển từ xa tạo nên sự an toàn tuyệt đối cho lực lượng y tế chăm sóc bệnh nhân trong gian đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Sau thời gian rất ngắn 02 tuần nghiên cứu, nhóm tác giả đã chế tạo thành công máy trợ thở không xâm nhập phiên bản đơn giản, với kết cấu máy gồm 3 phần: Thiết kế cơ khí; Thiết kế bộ điều khiển và Phần mềm điều khiển giám sát từ xa. Đặc biệt là Phần mềm điều khiển giám sát từ xa được dùng để quản lý kết nối và hiển thị giá trị của các cảm biến bên trong các máy thở qua mạng Internet dùng sóng WiFi, người dùng phải cài đặt trước các ứng dụng di động (hỗ trợ cả Androi/iOS), trên ứng dụng cho phép người dùng có thể giám sát các cảm biến (từ thiết bị gửi về người dùng), đồng thời cũng cho phép người dùng điều khiển các thiết bị ON/OFF (tắt/mở) theo chiều ngược lại (từ người dùng đến thiết bị).
TS.Thắng cho biết thêm, hiện Phân viện đã sản xuất được 01 chiếc máy trợ thở bám sát các tiêu chuẩn quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn Việt Nam ĐLVN 331:2017. Hiện, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục tiếp theo như sở hữu trí tuệ, đăng ký đánh giá thử nghiệm, kiểm định máy thở với Bộ Y tế, lên phương án nguồn nguyên vật liệu để có thể nhanh chóng triển khai sản xuất đại trà khi sản phẩm đủ điều kiện thương mại, được phép lưu hành trên thị trường. “Nhưng hiện chúng tôi đang rất cần được hỗ trợ thêm kinh phí để có thể hoàn tất các thủ tục trước khi thương mại hóa sản phẩm” – TS.Thắng chia sẻ.
Về phía Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cũng cho biết, trong giai đoạn này, Bộ ưu tiên các nghiên cứu có thể phục vụ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 với phương châm nhanh, thiết thực và chuẩn xác. Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đang nỗ lực tìm nguồn kinh phí bổ sung để hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm nghiên cứu chống dịch Covid-19 sớm có thể triển khai thương mại hóa, đưa sản phẩm vào thực tế, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước.
 
Máy trợ thở không xâm nhập do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa nghiên cứu, sản xuất đáp ứng các yêu cầu:
- Sử dụng APP (Android & IOS) để giám sát và điều khiển các thông số của máy;
- Cho phép người dùng giám sát và cài đặt các thông số của máy như:
+ Vt (Tidal Volume; thể tích khí lưu thông do máy thở đưa vào phổi bệnh nhân trong 01 lần thở): 200~800ml + 15%;
+ BPM (số nhịp thở trên mỗi phút): 8~40bpm + 2bpm;
+ IE (Tỉ lệ giữa thời gian thở vào trên thời gian thở ra): 1:1~1:4 + 10%;
+ Áp suất dương cuối kỳ thở ra (PEEP): cho phép cài đặt;
+ Áp suất thở vào đỉnh (PIP): cho phép cài đặt;
+ Cho phép điều khiển tắt/mở máy trợ thở.
- Thông số đưa ra của thiết bị tương thích với các thông số quy định trong ĐLVN 331:2017 Máy thở dùng trong y tế - Quy trình kiểm định, do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành năm 2017.
(Nguồn: tapchicongthuong.vn)